Tưởng là giá cổ phiếu IPO của Xiaomi đã thấp lắm rồi, ai ngờ giá cổ phiếu mới bán ra còn thê thảm đến mức này
Giá cổ phiếu IPO của Xiaomi chỉ đạt được ngưỡng thấp, khiến cho giá trị thị trường của công ty thấp xa so với kỳ vọng của công ty.
Cổ phiếu của Xiaomi đã bắt đầu được giao dịch tại Hồng Kông vào hôm thứ hai, sau khi có đợt IPO đáng thất vọng và đợt niêm yết bị trì hoãn tại đại lục Trung Quốc.
Tại phiên mở cửa, cổ phiếu của Xiaomi giảm xuống chỉ còn 16,60 đô la Hồng Kông cho mỗi cổ phiếu (khoảng 2,12 USD), theo Dow Jones. Mức giá này thấp hơn so với mức giá IPO là 17 đô la Hồng Kông (2,17 USD) mỗi cổ phiếu.
Công ty trước đó đã kỳ vọng giá cổ phiếu rơi vào khoảng từ 17 đến 22 đô la Hồng Kông, với 2,18 tỷ cổ phiếu được chào bán. Sau khi cổ phiếu IPO chỉ được định giá ở mức dưới, và sau khấu trừ và chi phí đi kèm, Xiaomi cho biết họ đã kêu gọi được khoảng 23,97 tỷ đô la Hồng Kông (3,05 tỷ USD).
Xiaomi đã được thành lập vào năm 2010, và hiện giờ đang là nhà sản xuất smartphone lớn thứ 4 của thế giới, chuyên cung cấp những mẫu điện thoại giá rẻ.
Chủ tịch kiêm đồng sáng lập của Xiaomi, ông Lin Bin chia sẻ với CNBC vào hôm thứ hai: "Tôi nghĩ rằng giá cổ phiếu trong thời gian ngắn hạn phần lớn là bị chi phối bởi điều kiện thị trường. Cái mà chúng tôi sẽ làm là sẽ tập trung vào sự phát triển lâu dài cho doanh nghiệp của chúng tôi."
Ông Lin Bin
Các nhà phân tích đã chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến mức giá cổ phiếu yếu của Xiaomi, bao gồm sự trì hoãn của Chứng chỉ lưu ký Trung Quốc CDR và tâm lý tiêu cực của các nhà đầu tư về tình hình chứng khoán toàn cầu, bao gồm sự suy thoái thị trường chứng khoán gần đây tại Trung Quốc và Hồng Kông, trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Ông Lin chia sẻ rằng tác động của cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới không phải là một mối lo ngại lớn trong thời hạn ngắn, do Xiaomi vẫn chưa có nhiều hoạt động kinh doanh tại Mỹ cho tới thời điểm này.
Các nhà phân tích cũng cho rằng thị trường đã thổi phồng thương vụ IPO lần này của Xiaomi.
Francis Lun, giám đốc điều hành môi giới chứng khoán tại GEO Securities chia sẻ: "Dù bạn nhìn ngược nhìn xuôi thế nào đi nữa, giá cổ phiếu này là quá đắt đối với tôi."
Dickie Wong, giám đốc điều hành của công ty nghiên cứu Kingston Financial tại Hồng Kông cũng chia sẻ : "Thành thực mà nói, Xiaomi không phải là một công ty internet. Họ chỉ là một công ty phần cứng mà thôi. Đó chính là vấn đề."
Tuy nhiên, ông Lin cho rằng Xiaomi được coi là loại công ty nào đi chăng nữa thì điều đó cũng không quan trọng: "Tôi không biết họ gọi chúng tôi là gì. Cứ bịa ra một cái tên cho chúng tôi cũng được, chúng tôi sẽ vui lòng đón nhận mọi thứ."
Lei Jun, nhà sáng lập, chủ tịch, kiêm CEO của Xiaomi đã từng chia sẻ trong bức thư ngỏ đính kèm bản cáo bạch IPO vào tháng trước rằng Xiaomi muốn trở thành một công ty "ngầu nhất" và sản xuất ra "những sản phẩm tuyệt vời." Ông cũng gọi Xiaomi là một "công ty luôn nhắm tới sự đổi mới."
Và mặc dù điện thoại của Xiaomi đã nhận được nhiều đánh giá tích cực, cũng như hệ sinh thái IoT của hãng đã có đến hơn 100 triệu thiết bị được kết nối, song hoạt động kinh doanh của Xiaomi chủ yếu được thúc đẩy bởi thị trường nội địa và sự phát triển nhanh chóng tại Ấn Độ.
Công ty không hề bán điện thoại tại Mỹ, song trưởng ban kinh doanh quốc tế, ông Wang Xiang cho biết điều này sẽ thay đổi trong tương lai.
Ông chia sẻ: "Chúng tôi luôn nghiêm túc hướng tới thị trường Mỹ. Thị trường Mỹ rất quan trọng đối với chúng tôi, nhưng chúng tôi rất, rất thận trọng trong việc xây dựng các nguồn lực của chúng tôi để có thể phục vụ cho các khách hàng Mỹ."
Nhờ vào việc tập trung vào các thị trường khác ngoài Mỹ, công ty cũng đã tránh được chính phủ Mỹ, vốn đang có một thái độ nghiêm ngặt về mối lo an ninh quốc gia và các biện pháp trừng phạt với các công ty Trung Quốc, bao gồm đối thủ của Xiaomi là Huawei và ZTE.
Các nhà phân tích cho rằng tương lai của Xiaomi phụ thuộc và sự đa dạng hoá của họ. Lei đã công khai tuyên bố rằng tỷ suát lợi nhuận ròng trong mảng phần cứng sẽ không bao giờ vượt quá 5%, một tuyên bố khác táo bạo, song cũng có nghĩa là, để công ty có thể phát triển được, họ sẽ cần những luồng doanh thu mới.
Các nhà phân tích cũng kỳ vọng rằng Xiaomi sẽ phát hành Chứng chỉ lưu ký Trung Quốc CDR, song họ không biết là khi nào công ty mới làm điều này. Một số nhà phân tích cho rằng họ sẽ phát hành CDR trong một vài tháng tới, trong khi số khác thì cho rằng phải đến năm sau, Xiaomi mới có CDR.
Tham khảo CNBC
Trí thức trẻ