Tương lai mới cho bộ 3 kiểm soát đặc biệt TTF, JVC và PNC
Những thay đổi lớn về nội tại, về cơ cấu nợ, cơ cấu cổ đông và "thay máu" ban lãnh đạo có thể mở ra vận hội mới cho chặng đường sắp tới của bộ 3 cổ phiếu bị kiểm soát đặc biệt TTF, JVC và PNC.
TTF, JVC và PNC là 3 cái tên đã khá “quen thuộc” nằm trong danh sách chứng khoán thuộc diện kiểm soát đặc biệt của HoSE. Mới đây, JVC đã ra khỏi danh sách này, trong khi 2 cái tên còn lại cũng đang có những biến động mạnh.
Cửa sáng cho JVC từ tái cơ cấu doanh nghiệp
Vào ngày 15/12, Công ty cổ phần Thiết bị Y tế Việt Nhật (HoSE: JVC) đã chính thức được Sở giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) đưa ra khỏi diện kiểm soát đặc biệt sang diện cảnh báo do vẫn còn lỗ lũy kế hơn nghìn tỷ đồng.
Lý do JVC được đưa ra khỏi diện kiểm soát đặc biệt là công ty đã khắc phục được vi phạm về nghĩa vụ công bố thông tin. Ra khỏi diện kiểm soát đặc biệt đồng nghĩa với việc JVC sẽ được giao dịch cả ngày, thay vì chỉ được giao dịch phiên chiều như trước đó.
JVC lên sàn HoSE vào năm 2011 và nhanh chóng trở thành một trong những công ty dẫn đầu về lĩnh vực cung cấp các sản phẩm y tế. Cổ phiếu JVC lúc đó cũng được rất nhiều công ty chứng khoán đánh giá là một cổ phiếu có cơ bản tốt, được nắm giữ bởi nhiều tổ chức lớn như DI Asian Industrial Fund, Dragon Capital, Vietnam Equity Holding… và luôn trong trạng thái “kín room” khi khối ngoại đã nắm đến 49% tỷ lệ sở hữu.
Tuy nhiên, đây cũng là một trường hợp đã gây náo loạn thị trường chứng khoán hơn 2 năm về trước. Những thông tin liên quan đến việc Chủ tịch Lê Văn Hướng bị tạm giam (17/06/2015) để phục vụ điều tra làm rõ một số sai phạm cá nhân đã ảnh hưởng mạnh đến giá cổ phiếu và đẩy JVC rơi vào cuộc khủng hoảng thực sự khi nhiều hợp đồng ký kết với các bệnh viện trước đó bị tạm ngưng.
Không chỉ bị ảnh hưởng bởi thông tin tiêu cực từ ban lãnh đạo, JVC còn phải đối mặt với nhiều thách thức về tài chính khi công bố khoản lỗ 1.336 tỷ đồng năm 2015 và lỗ lũy kế vẫn trên mức nghìn tỷ đồng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá cổ phiếu cũng như sự tháo chạy của nhiều quỹ ngoại.
Cụ thể, cổ phiếu JVC từng có thời điểm ở vùng giá 25.000 đồng/cp nhưng cũng nhanh chóng rơi về mức 11.000 đồng/cp vào thời điểm công bố thông tin liên quan đến Chủ tịch và rồi tiếp tục lùi dần về vùng giá 4.000-5.000 đồng/cp, có thời điểm còn dưới 3.000 đồng/cp trong câu chuyện khủng hoảng vừa qua.
Sau những tiêu cực đó, JVC đã bắt đầu công cuộc tái cấu trúc và thay đổi mô hình kinh doanh, bắt đầu từ việc “thay máu” dàn HĐQT và BKS. Và những tín hiệu khả quan đã bắt đầu xuất hiện, những khách hàng cũ quay trở lại như Fujifilm; một số ngân hàng cũng bắt đầu cấp tín dụng trở lại.
Riêng hiệu quả kinh doanh cũng bước đầu được cải thiện. JVC đã từng bước giảm lỗ từ 1.336 tỷ đồng năm 2015 xuống còn 31,7 tỷ đồng năm 2016; đồng thời tổng số trích lập dự phòng giảm từ 1.307 tỷ đồng năm 2015 xuống còn 23 tỷ đồng năm 2016.
JVC đã có lãi trong 6 tháng năm tài chính 2017.
Trong 6 tháng đầu năm 2017 (01/04-30/09), JVC còn bất ngờ báo lãi sau thuế 4,35 tỷ đồng. Kết quả này theo JVC là công ty đã ổn định trở lại dưới sự điều hành của Ban lãnh đạo mới và không phát sinh thêm nhiều khoản trích lập dự phòng so với năm ngoái.
Cổ phiếu JVC do đó cũng được đánh giá cao hơn, quỹ ngoại lớn thứ 3 tại Việt Nam là PYN Elite vẫn liên tiếp mua vào cổ phiếu từ đầu năm. Lần gần đây nhất, PYN Elite mua thêm 192.760 cp JVC, tăng tỷ lệ sở hữu lên 11,3 triệu cp, tương ứng với 10,06% quyền kiểm soát và là cổ đông lớn thứ 2 chỉ sau DI Asian Indutrial Fund.
Kinh doanh bắt đầu khởi sắc, ra khỏi diện kiểm soát đặc biệt cũng giúp cổ phiếu JVC tăng giá cao hơn. Cụ thể, từ vùng đáy 2.790 đồng/cp (22/06), JVC nhanh chóng vươn lên mức 4.600 đồng/cp (20/12). Khối lượng giao dịch cũng được cải thiện mạnh, từ mức bình quân 228.700 cp/phiên trong năm qua, lượng giao dịch đột biến lên hơn 1 triệu đơn vị/ngày trong 8 phiên giao dịch vừa qua sau khi cổ phiếu được gỡ bỏ hạn chế giao dịch cả ngày bắt đầu từ 15/12.
Giá và lượng cổ phiếu JVC giao dịch đã tốt hơn.
Ánh sáng cuối đường hầm cho TTF
Cũng có những dấu hiệu khởi sắc nhưng cổ phiếu CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (HoSE: TTF) vẫn chưa đủ điều kiện thoát khỏi diện kiểm soát đặc biệt như trường hợp của JVC.
TTF từng có thời điểm tiến sát tới ranh giới hủy niêm yết khi HoSE ra thông báo cổ phiếu công ty có khả năng sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc nếu báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017 của TTF có tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp.
Theo BCTC soát xét bán niên 2017, Gỗ Trường Thành ghi nhận mức LNST thuộc về cổ đông công ty mẹ là 1,3 tỷ đồng và LNST chưa phân phối tính đến 30/06/2017 là âm 1.462 tỷ đồng (chiếm 98% vốn điều lệ TTF). Kiểm toán viên Ernst & Young đã cho rằng khoản thu nhập do được miễn lãi vay 84,6 tỷ đồng được ghi nhận vào tài khoản thu nhập khác là không chắc chắn và không phù hợp với quy định hiện hành.
Như vậy, nếu TTF không ghi nhận khoản lãi trên thì công ty sẽ lỗ ròng hơn 83 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Đồng nghĩa với việc LNST chưa phân phối sẽ là số âm hơn 1.500 tỷ đồng, vượt 55 tỷ đồng so với vốn điều lệ.
Nhằm cải thiện và khắc phục tình trạng hủy niêm yết mà HoSE nêu ra, TTF đã có văn bản giải trình về vấn đề này. Theo đó, công ty cho biết sẽ thực hiện phát hành cổ phiếu tăng vốn thêm 1.000 tỷ đồng cho các nhà đầu tư với mức giá 10.000 đồng/cp. Sau khi phát hành, TTF sẽ thanh toán hết các khoản nợ của các ngân hàng đã có cam kết miễn giảm lãi, do vậy, công ty được miễn hết số lãi mà báo cáo kiểm toán đã loại trừ (84,6 tỷ đồng).
Và mới đây, TTF thông báo đã hoàn tất phát hành riêng lẻ 70 triệu cp cho 8 cá nhân và thu về 700 tỷ đồng. Do vậy, mối quan ngại lỗ vượt vốn điều lệ đã được giải quyết.
Bên cạnh đó, TTF cũng được sự quan tâm của các tổ chức. Gần đây nhất, CTCP Sam Holdings (HoSE: SAM) đã thông qua việc hợp tác với Gỗ Trường Thành và chủ trương mua vào 14 triệu cp TTF. Còn trước đó hồi tháng 5, công ty đã ký với Vingroup “Thỏa thuận nguyên tắc về chỉ định nhà cung cấp chiến lược” với tổng giá trị sản phẩm TTF dự kiến cung cấp cho Vingroup và các công ty thuộc tập đoàn Vingroup là 16.000 tỷ đồng trong 5 năm. Vingroup đã đồng ý đặt cọc cho TTF 1.130 tỷ đồng.
Hoạt động kinh doanh cũng dần khởi sắc, TTF bất ngờ báo lãi 6 tháng hơn 891 triệu đồng, kết quả này đồng thời chấm dứt luôn chuỗi 5 quý liên tiếp chỉ biết thua lỗ trước đó.
Đến quý III, TTF ghi nhận LNST đạt 3,3 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 399 tỷ đồng. Như vậy, lũy kế 9 tháng đầu năm, TTF đã có lãi sau thuế 4,1 tỷ trong khi cùng năm trước lỗ 1.484 tỷ đồng; trong đó LNST công ty mẹ đạt 8,3 tỷ đồng.
TTF đã có lãi trong 9 tháng đầu năm 2017.
Với những cải thiện tốt về hiệu quả kinh doanh cùng việc phát hành thành công 70 triệu cp giúp khắc phục nguy cơ hủy niêm yết do lỗ âm vốn và ý kiến ngoại trừ của kiểm toán về việc ghi nhận giảm lãi vay trong BCTC soát xét 6 tháng đầu năm sẽ không còn.
Đồng thời, do đã trả nợ nên chi phí lãi vay của Quý III và quý IV/2017 cũng giảm mạnh, nhờ đó triển vọng lợi nhuận năm 2017 sẽ tăng cao và khả năng thoát diện kiểm soát đặc biệt cũng khả quan hơn.
Thay máu lãnh đạo, tương lai PNC có rộng mở?
Tại PNC, cuộc chiến dai dẳng nhiều năm qua giữa dàn lãnh đạo cũ và nhóm cổ đông lớn ngày càng đẩy PNC lún sâu vào khủng hoảng. Việc tổ chức thành công ĐHĐCĐ với PNC cũng dần trở thành điều quá xa xỉ do các cổ đông lớn vẫn chưa có tiếng nói chung.
Những hệ luy bắt đầu xuất hiện khi cổ phiếu PNC bị hạn chế giao dịch, bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, bị cảnh báo vì vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường, mà đằng sau đó chính là sự bất hợp tác của các nhóm cổ đông lớn, những rắc rối liên quan đến kiện tụng, tố cáo ra tòa.
Các tác động đến kết quả kinh doanh cũng dần thấy rõ. Ngay trong báo cáo tổng kết năm 2016 và kế hoạch kinh doanh năm 2017, ban lãnh đạo PNC đã thừa nhận rằng điểm yếu của PNC là “việc tranh giành quyền lợi và nảy sinh mâu thuẫn giữa một nhóm cổ đông lớn với các cổ đông nhỏ đã gây ảnh hưởng xấu đến uy tín và danh tiếng của thương hiệu PNC, gây ra một số bất lợi đối với hoạt động kinh doanh của Công ty”.
Lãi liên doanh, liên kết chiếm phần lớn lợi nhuận của PNC.
Trong công văn của HOSE ngày 29/09, PNC đã bị nhắc nhở lần 2 và đang thuộc diện kiểm soát đặc biệt do thường xuyên vi phạm công bố thông tin, nếu tiếp tục vi phạm khả năng cổ phiếu sẽ bị xem xét hủy niêm yết.
Tuy nhiên câu chuyện bây giờ có vẻ dần đi đến hồi kết khi quyền lực đã được chuyển giao, cơ cấu cổ đông cũng có nhiều thay đổi.
Mới đây, nhóm 8 cổ đông là lãnh đạo và người thân đã bán ra toàn bộ gần 17% vốn PNC; đồng thời công ty cũng nhận được đơn từ nhiệm của 5 thành viên HĐQT và 3 thành viên BKS. Điều này cho thấy nhóm lãnh đạo cũ có lẽ đã “buông tay" cho các nhóm cổ đông lớn khác.
Đại hội bất thường của PNC sau đó chính thức thông qua hàng loạt vấn đề trọng yếu mà trong thời gian qua không tìm được tiếng nói chung giữa dàn lãnh đạo cũ với nhóm cổ đông lớn. Đại hội cũng bầu mới 5 thành viên HĐQT và 3 thành viên BKS nhiệm kỳ 2017-2021. Từ đây, PNC đặt kế hoạch tổng doanh thu 600 tỷ, lợi nhuận trước thuế 10 tỷ đồng cho năm 2017.
Các nhóm cổ đông PNC trước khi thay máu ban lãnh đạo.
Không chỉ thế, điểm yếu tồn tại mà HoSE nhắc nhở cũng được giải quyết khi PNC đã thực hiện công bố nhiều thông tin theo quy định để tránh nguy cơ hủy niêm yết mà HoSE từng lưu ý trước đó.
Như vậy, nếu kinh doanh tiến triển tốt như kế hoạch; đồng thời công ty thực hiện công bố thông tin đầy đủ, viễn cảnh thoát khỏi diện kiểm soát đặc biệt với PNC sẽ không còn quá xa vời. Hiện PNC đã được chuyển từ diện kiểm soát sang diện cảnh báo khi vẫn còn lỗ lũy kế hơn 45 tỷ và LNST 6 tháng âm 5,96 tỷ đồng.
NDH