MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

The Economist: Điểm trọng yếu của kinh tế thế giới sẽ nằm ở Hàn Quốc và Đài Loan!

26-01-2021 - 08:20 AM | Tài chính quốc tế

The Economist: Điểm trọng yếu của kinh tế thế giới sẽ nằm ở Hàn Quốc và Đài Loan!

Trong thế kỷ 20, điểm trọng yếu lớn nhất của kinh tế thế giới là eo biển Hormuz, nơi những thùng dầu đi qua. Ngày nay, có lẽ điểm đó sẽ sớm được thay thế bằng những con chip đang được làm ra tại những công viên phần mềm ở Hàn Quốc và Đài Loan.

Khi các mạch vi xử lý (microchip) ra đời năm 1958, thị trường quan trọng đầu tiên của chúng là bên trong những tên lửa hạt nhân. Ngày nay, có khoảng 1 nghìn tỷ con chip được làm ra trên thế giới mỗi năm, tương đương 128 con chip trên bình quân đầu người. Số lượng con chip bán dẫn có thể được lắp trong các thiết bị và máy móc cũng nhiều chưa từng thấy: riêng 1 chiếc xe điện cũng có thể có hơn 3.000 con chip. Loài người vẫn không ngừng sáng tạo ra những công nghệ mới, như trí tuệ nhân tạo hay phân tích sâu dữ liệu (data-crunching). Nhu cầu về chip sẽ càng tăng lên khi ngày càng có nhiều máy móc công nghiệp được kết nối với nhau và với cả những bộ cảm biến.

Suốt mấy chục năm nay, các công ty sản xuất chip đã tạo thành 1 mạng lưới rộng lớn, vừa phối hợp vừa cạnh tranh với nhau để đáp ứng nhu cầu nói trên. Ngày nay tổng doanh thu hàng năm của họ là 450 tỷ USD, cùng với tầm ảnh hưởng rất lớn. Khi chuỗi cung ứng của ngành này đứt gãy, các hoạt động kinh tế cũng bị gián đoạn. Những gì đang xảy ra với ngành ô tô là 1 ví dụ: các dây chuyền sản xuất ô tô trên toàn thế giới đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì nguồn cung chip thiếu hụt.

Có lẽ không có ngành nào bùng nổ mạnh bằng ngành chip. Những năm gần đây Mỹ đã tăng cường cấm vận Trung Quốc – nước nhập khẩu số chip trị giá hơn 300 tỷ USD mỗi năm – bởi vì Mỹ cũng đang chưa thể có đủ khả năng sản xuất để đáp ứng nhu cầu của chính mình. Những điểm tắc nghẽn trong ngành chip đang khiến các cực trên bản đồ địa chính trị ngày càng xa nhau hơn. Mỹ đang bị các nước khác vượt mặt về khả năng sản xuất, trong khi trọng tâm của ngành chip đang tập trung ở Đông Á và Trung Quốc đang ráo riết thực hiện kế hoạch "tự cường công nghệ".

Trong thế kỷ 20, điểm trọng yếu lớn nhất của kinh tế lớn nhất của thế giới là eo biển Hormuz, nơi những thùng dầu đi qua. Ngày nay, có lẽ điểm đó sẽ sớm được thay thế bằng những con chip đang được làm ra tại những công viên phần mềm ở Hàn Quốc và Đài Loan.

2 xu hướng lớn của ngành chip

Hãy bắt đầu với những xu hướng chuyển dịch trong ngành chip. Nhu cầu tăng vọt và những loại máy tính mới đã dẫn đến thời hoàng kim của những công ty thiết kế chip. Nvidia, hãng chuyên thiết kế chip sử dụng trong game và trí tuệ nhân tạo hiện là công ty chip có giá trị vốn hóa cao nhất ở Mỹ ở mức hơn 320 tỷ USD.

Tuy nhiên nhiệm vụ tạo ra những con chip chuyên biệt – ví dụ như tốc độ xử lý nhanh hơn, tỏa ra ít nhiệt hơn hay tuổi thọ pin tốt hơn – đang thu hút cả những kẻ ngoài cuộc tham gia vào "cuộc chơi" thiết kế. Tháng 11 năm ngoái, Apple ra mắt những máy tính Mac sử dụng chip của chính Apple sản xuất và Amazon cũng tự phát triển chip cho các trung tâm dữ liệu.

Mảng thiết kế chip bùng nổ cũng thôi thúc các vụ M&A. Ví dụ, Nvidia vẫn đang theo đuổi thương vụ thâu tóm Arm với giá 40 tỷ USD. Trong tương lai, RISC-V, phương thức tiếp cận mới theo mã nguồn mở mới trong khâu thiết kế chip sẽ còn dẫn đến những sự sáng tạo nhiều hơn nữa.

Hãy so sánh sự sôi động này với xu hướng thanh lọc trong mảng sản xuất chip. Cuộc đua đến vị thế dẫn đầu kéo dài suốt 60 năm giờ đã đi đến hồi hết. Định luật Moore – định luật cho rằng chi phí để tăng sức mạnh của bộ vi xử lý sẽ giảm 1 nửa sau mỗi 18-24 tháng – đang bắt đầu không còn đúng nữa. Mỗi thế hệ chip đều khó sản xuất hơn so với thế hệ trước, và chi phí xây nhà máy cũng tăng lên. Số lượng các công ty có thể sản xuất những con chip tân tiến nhất đã giảm từ con số 25 của năm 2000 xuống chỉ còn 3 ở thời điểm hiện tại.

Cái tên nổi tiếng nhất trong bộ ba này – Intel – đang gặp rắc rối. Hãng vừa sa thải CEO, động thái được cho là ngầm thừa nhận mình đang bị tụt lại phía sau. Hãng cũng có thể sẽ phải từ bỏ việc sản xuất loại chip công nghệ cao nhất – chip 3nm và thuê ngoài gia công nhiều hơn. Điều này có lợi cho 2 đối thủ Samsung và TSMC. TSMC mới đây vừa thông qua một trong những khoản ngân sách đầu tư lớn nhất hành tinh đối với 1 công ty tư nhân. Một loạt các tập đoàn "hạng A" từ Apple và Amazon đến Toyota và Tesla đều phụ thuộc vào bộ ba này.

Chiến tranh lạnh bắt nguồn từ những con chip?

"Ngọn núi lửa" tiếp theo đang sôi sục ở Trung Quốc. Nhận ra mình đang thất thế, Mỹ muốn đảm bảo rằng Trung Quốc cũng sẽ bị tụt lại phía sau. Ban đầu lệnh cấm vận công nghệ của Mỹ chỉ bó hẹp trong phạm vi Huawei, viện dẫn lý do an ninh nhưng giờ thì lệnh cấm đã được áp dụng với ít nhất 60 công ty, trong đó có nhiều bên liên quan đến ngành chip. Ví dụ như SMIC (công ty sản xuất chip hàng đầu của Trung Quốc vừa bị đưa vào danh sách đen) hay Xiaomi. Các biện pháp này đang bắt đầu phát huy tác dụng.

Đáp lại, Trung Quốc đang vận hành cỗ máy "chủ nghĩa tư bản nhà nước" ở tốc độ cao nhất có thể để nhanh chóng hiện thực hóa tham vọng tự cường công nghệ trong ngành sản xuất chip. Mặc dù các con chip đã có trong kế hoạch của chính phủ từ những năm 1950, hiện trình độ của Trung Quốc vẫn chậm phát triển hơn 5-10 năm so với thế giới. Năm ngoái hơn 50.000 doanh nghiệp đã đăng ký hoạt động kinh doanh có liên quan đến chip nhằm hưởng lợi từ gói hỗ trợ trị giá hơn 100 tỷ USD. Các trường đại học hàng đầu tăng cường chương trình giảng dạy về chip. Nếu thời những con chip thế hệ mới nhất đều được sản xuất tại Mỹ sắp kết thúc thì thời đại của các nhà sản xuất ở Trung Quốc chỉ vừa mới bắt đầu.

Điều này đem đến hệ quả gì? Nếu Nhà Trắng thắt chặt hơn nữa lệnh cấm vận Trung Quốc, khả năng sản xuất của ngành chip sẽ tập trung ở mức độ đáng báo động. Bên độc quyền sẽ bắt đầu sử dụng lợi thế để ép giá. Gần 20% sản lượng chip của toàn thế giới là ở đảo Đài Loan, một địa điểm gây nhiều tranh cãi về mặt chính trị. Cả Mỹ và Trung Quốc đều có khả năng tung ra những đòn đau nhằm vào nền kinh tế của đối phương.

Một số người thuộc phe diều hâu ở Mỹ và châu Âu muốn đáp trả Trung Quốc bằng cách xây dựng những cơ chế ưu đãi tương tự cho các nhà sản xuất chip. Tuy nhiên đó là lựa chọn không tốt vì đi ngược với cơ chế thị trường. Thay vào đó, các công ty sử dụng chip như Apple nên gây sức ép buộc TSMC và Samsung đa dạng hóa nơi đặt nhà máy. Mỹ cũng nên hối thúc Đài Loan và Hàn Quốc giảm trợ cấp cho các nhà máy chip.

Cuối cùng, Tổng thống Joe Biden cần phải đưa ra 1 lộ trình dễ đoán cho các hoạt động thương mại với Trung Quốc trong những lĩnh vực nhạy cảm, từ đó để Trung Quốc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu mà vẫn đảm bảo được lợi ích của phương Tây.

Những con chip đầu tiên trên thế giới đã được sử dụng trong tên lửa, nhưng sẽ là khôn ngoan nếu tránh được kịch bản biến chúng thành điểm nhấn của chiến tranh lạnh thế kỷ 21.

Tham khảo The Economist

Thu Hương

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên