MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tương lai thị trường ví điện tử Việt Nam dưới góc nhìn của MoMo, VNPay

Đại diện MoMo nhận định, trong vòng từ 3-5 năm tới, sẽ chỉ còn từ 2-3 ví điện tử có thể tồn tại được. Những ví điện tử nhỏ còn lại phải tìm thị trường rất riêng biệt để tồn tại.

Thị trường ví điện tử sẽ chỉ còn 2-3 ví trong 5 năm tới

Tại phiên thảo luận trong khuôn khổ diễn đàn Quỹ đầu tư Khởi nghiệp Sáng tạo Việt Nam 2020 (VVS) với chủ đề "Going Digital – Dịch chuyển số", ông Nguyễn Bá Diệp là Phó Chủ tịch HĐQT MoMo cho biết: "Trong thời gian qua, đặc biệt là giai đoạn đại dịch Covid-19, tôi nhận thấy rằng thị trường thanh toán điện tử ở Việt Nam có sự phát triển rất mạnh và đột biến, không chỉ ở phía nhà đầu tư mà còn ở phía khách hàng, phía các đơn vị tham gia dịch vụ".

Ông Diệp lấy ví dụ, năm 2015, ví điện tử MoMo đã ghi nhận lượng người dùng ở mức 500.000 người. Đến đầu năm 2019, MoMo đạt mốc 10 triệu người dùng và đã tăng gấp đôi chỉ sau hơn 1 năm.

Hiện nay, theo thống kê của NHNN, trên thị trường hiện có 34 ví điện tử và có khoảng 5 ví điện tử đang có lượng giao dịch lớn, chiếm 95% toàn bộ giao dịch của thị trường ví điện tử. Theo ông Diệp, thị trường Việt Nam với dân số khoảng 100 triệu, trong vòng từ 3-5 năm tới, sẽ chỉ còn từ 2-3 ví có thể tồn tại được. Những ví nhỏ còn lại phải tìm thị trường rất riêng biệt, nhỏ hơn để tồn tại.

Doanh nghiệp có thể mất 6 năm để xây dựng môi trường làm việc tốt

Liên quan đến sự kiện VNPay trở thành kỳ lân thứ 2 của Việt Nam, ông Ôn Như Bình, Giám đốc Chiến lược kinh doanh tại VNLIFE khẳng định điều này là do công ty có đội ngũ nhân sự tốt và chất lượng.

Khi được hỏi về những yếu tố VNLIFE tập trung đầu tư, ông Bình cho hay: "Chúng tôi tập trung đầu tư vào con người, công nghệ. Nhiều giải pháp công nghệ ở Việt Nam bây giờ mới có, nhưng trên thế giới đã được triển khai rất là lâu rồi. Bởi khi vào Việt Nam thì chúng ta phải tuân thủ theo quy định của NHNN, tuân thủ theo quy định của các bộ, ban, ngành".

"Để triển khai được đúng quy định, quy chuẩn và đáp ứng được những yêu cầu công nghệ mới thì cần quãng thời gian nghiên cứu khá dài và tốn nhiều nguồn lực. Ví dụ như để triển khai một thiết bị SmartPOS - thiết bị thanh toán thông minh tại Việt Nam, chúng tôi phải mất hơn 2 năm. Trong khi những thiết bị đó trên thế giới đã có từ 5 năm trước rồi".

Trả lời câu hỏi về lời khuyên của ông Bình dành cho doanh nghiệp và startup Việt Nam, ông cho biết mỗi doanh nghiệp hay mỗi cá nhân đều có điểm mạnh khác nhau. Tuy nhiên, theo quan điểm của cá nhân, đại diện VNLIFE chỉ ra hai yếu tố quan trọng.

Thứ nhất, công nghệ luôn là điều quan trọng trong mọi giai đoạn.

Thứ hai, con người. Ông Bình nhấn mạnh, năng lực người Việt Nam cần được nâng lên rất nhiều. Các công ty phải luôn tạo ra môi trường làm việc tốt, sẵn sàng đầu tư, mà không chỉ 1-2 năm, đôi khi phải mất đến 5-6 năm.

"Ví dụ, nhiều công ty đang đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (ML), dữ liệu lớn (Big data), nhưng thời điểm hiện nay, để nhìn ra được các công ty có thành quả về lĩnh vực này thì ở Việt Nam chưa nhìn nhận được nhiều. Tuy nhiên khoảng 3 năm nữa, khi dữ liệu ở Việt Nam được số hóa tốt hơn, dán nhãn tốt hơn... sẽ có nhiều dịch vụ và mô hình kinh doanh mới được sinh ra từ đây", ông Bình kết luận.

Q.L

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên