MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tương lai thị trường vốn Việt Nam

30-04-2022 - 17:29 PM | Tài chính - ngân hàng

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Theo World Bank, Việt Nam đã trở nên quá lớn để ở lại nhóm Thị trường Cận biên. Vì thế, quyết tâm bảo vệ nhà đầu tư của Chính phủ là bước đi phù hợp hướng đến một thị trường phát triển, thu hút dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước mạnh mẽ hơn.

Thị trường và nhà đầu tư thêm tin tưởng

Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Cần kiên quyết xử lý những vi phạm để bảo vệ những người làm ăn chân chính, công khai, minh bạch, tuân thủ pháp luật; thực hiện mọi biện pháp cần thiết với bước đi, lộ trình phù hợp để thị trường phát triển an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững.

Phát biểu của Thủ tướng nhấn mạnh lại thông điệp mạnh mẽ của Chính phủ về các quyết sách triển khai trên tinh thần làm lành mạnh hóa thị trường, không để sai phạm của thiểu số làm ảnh hưởng đến đa số các nhà đầu tư làm ăn chân chính, không hình sự hóa quan hệ dân sự - kinh tế, ai sai phạm thì xử lý người đó, "xử một người để cứu nhiều người".

Đây là thông điệp được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư hết sức chào đón. Họ ủng hộ, đồng thời yên tâm khi được củng cố niềm tin để tiếp tục làm ăn, đầu tư. Quan điểm này cũng được các định chế tài chính lớn trên thế giới ủng hộ.

Theo ông Zafer Mustafaeglu, Giám đốc Khối Nghiệp vụ về Tài chính, Năng lực Canh Tranh và Đổi mới sáng tạo, Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương của World Bank, những nhiễu loạn hiện nay là do thị trường Việt Nam còn tương đối non trẻ. "Không nên có phản ứng quá mức, gây hạn chế cho sự phát triển trong dài hạn chỉ vì chúng ta có một vài thành viên xấu", ông nói.

Thực tế cho thấy dù có nhiễu loạn, có các sai phạm của cá nhân, vẫn không thể phủ nhận vai trò quan trọng của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đối với sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên của Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho rằng vốn vô cùng quan trọng. Ông dẫn chứng, một nền kinh tế với 3 yếu tố: vốn, lao động, TFP (năng suất nhân tố tổng hợp) tạo ra tăng trưởng, thì trong 11 năm qua (từ 2011 đến nay), vốn chiếm khoảng 50% tăng trưởng kinh tế. Vốn huy động qua thị trường chứng khoán gồm cả cổ phiếu và trái phiếu tương đương 26% tổng lượng vốn cung ứng ra nền kinh tế/năm.

"Cần sớm giải quyết những vụ việc trên thị trường vừa qua, vừa khắc phục hậu quả cho nhà đầu tư, vừa củng cố niềm tin vào thị trường", ông Lực nói.

Niềm tin đi cùng sự phát triển bền vững

Sau những thông điệp và hành động quyết liệt của Chính phủ, dù thị trường chứng khoán bước vào giai đoạn điều chỉnh nhất định so với các đỉnh cao trong lịch sử của VN-Index, song những tín hiệu về dòng tiền lại cho thấy sự tích cực đối với những ai có tầm nhìn dài hạn.

Do chính sách tăng lãi suất "khủng" của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, lãi suất đồng USD lẫn trái phiếu Chính phủ Mỹ đã tăng cao hơn, thu hút vốn ngoại bán ròng toàn cầu. Trong tháng 4, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng hàng ngàn tỷ đồng cổ phiếu tập trung vào những phiên VN-Index giảm sâu. Động thái đảo chiều này được đánh giá có ý nghĩa lớn với chứng khoán Việt Nam.

Chứng khoán Việt Nam điều chỉnh mạnh khiến định giá cổ phiếu ngành cơ bản và nhóm vốn hóa lớn như ngân hàng, năng lượng, bất động sản, xây dựng, bán lẻ, tiêu dùng thiết yếu… trở về mức thấp hơn, hấp dẫn cho việc chọn thời điểm gia nhập thị trường.

Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành VinaCapital cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở mức giá rất hợp lý cho đầu tư dài hạn với mức P/E (thị giá trên thu nhập của một cổ phiếu) năm 2022 là 11,5 lần, thấp hơn hẳn so với mức trung bình 5 năm gần nhất (14,5 lần). Do đó, ông tin tưởng thị trường có thể vượt qua những sự kiện tiêu cực trong ngắn hạn và diễn biến tích cực hơn trong phần còn lại của năm 2022.

Nhìn về dài hạn, thị trường chứng khoán lẫn trái phiếu không chỉ còn dư địa lớn mà còn có bệ phóng lớn hơn để nhà đầu tư đầu tư đặt kỳ vọng.

TS. Cấn Văn Lực phân tích. "Nhu cầu vốn trung và dài hạn của nền kinh tế rất lớn. Ước tính từ 2022-2025, nền kinh tế cần 3,15 triệu tỉ đồng/năm để đầu tư toàn xã hội. Trong đó, vốn nhà nước chiếm 25%-26%, trái phiếu DN chiếm khoảng 22,7%, còn nguồn vốn huy động qua phát hành cổ phiếu chỉ chiếm 3,5% tổng lượng vốn đưa ra nền kinh tế, nên dư địa phát triển rất lớn."

Còn theo đại diện World Bank, quy mô thị trường của Việt Nam đã trở nên quá lớn để ở lại nhóm Thị trường Cận biên. Thị trường cổ phiếu của Việt Nam đã có trọng số trên 30% trong Chỉ số Thị trường Cận biên Toàn cầu của MSCI. Nói ví von, Việt Nam giống như võ sĩ hạng trung nhưng vẫn đang tham gia thi đấu trong nhóm hạng nhẹ.

Mặt khác, những bước đi của Chính phủ hiện nay là nỗ lực cần thiết để nâng cấp lên thị trường Mới nổi, thứ hạng để thị trường chứng khoán Việt Nam vừa cải thiện chất lượng vừa thu hút được các dòng vốn quốc tế lớn. Theo đó, Thị trường Mới nổi có thể đem lại thêm 10 tỷ USD đầu tư gián tiếp mới cho Việt Nam, trong đó riêng năm đầu tiên có thể tiếp nhận thêm từ 2-5 tỷ.

Rõ ràng, một khi Việt Nam được vào "mâm" Mới nổi, vị thế và sức hút thị của thị trường chứng khoán sẽ rất khác. Theo những bước đi, lộ trình của Chính phủ đồng hành cùng nhà đầu tư như hiện tại, tương lai tốt đẹp đó đang đến rất gần.

https://cafef.vn/tuong-lai-thi-truong-von-viet-nam-20220430172839177.chn

Mai Trang

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên