Tưởng lịch sự nhưng lại là một sai lầm khiến người khác đánh giá thấp về bạn: Đừng "xin lỗi" như một phản xạ trong mọi tình huống
Cuộc sống có những tình huống mà lời “xin lỗi” không thể hiện sự lịch sự, biết điều như bạn vẫn nghĩ.
- 03-04-2019Người có EQ cao luôn ứng xử dễ chịu "như một cơn gió mùa xuân", làm gì cũng suôn sẻ, có được lòng người: Bí quyết là tuyệt đối tránh 3 lỗi giao tiếp đơn giản này
- 02-04-2019Con người ngày càng thông minh nhưng lại giao tiếp khó khăn hơn: Nhớ 5 điều đơn giản này để truyền tải thông điệp rõ ràng, ai cũng dễ dàng hiểu được
- 23-03-2019Tiết lộ của người ưu tú: Giao tiếp khéo quyết định sự thành bại của cuộc đối thoại, thậm chí quyết định sự thành công của một con người
Rất nhiều người thường sử dụng cụm từ "xin lỗi" trong các tình huống giao tiếp như một phản xạ tự động, cho dù họ không mắc lỗi gì. Có thể, chính bạn cũng là một trong số đó.
Một cuộc thăm dò năm 2015 từ công ty nghiên cứu YouGov với 1.600 người Anh và 1.000 người Mỹ cho thấy một vài điểm tương đồng: 73% người Anh và 71% người Mỹ sẽ xin lỗi khi làm gián đoạn công việc của ai đó. Khi làm một việc có ích nhưng bị hiểu sai, 60% người Anh xin lỗi, trong khi con số ở người Mỹ là 58%.
Tại sao bạn không nên nói "xin lỗi" trong các tình huống giao tiếp
Lạm dụng từ "xin lỗi" cho những tình huống nhỏ mà bạn khó kiểm soát có thể khiến mọi người đánh giá bạn không đúng. Ví dụ như, bạn không cần phải "xin lỗi" khi vô tình hắt hơi, va chạm ai đó khi di chuyển... Đây là lí do nó phản tác dụng:
1. Mọi người mất sự tôn trọng với bạn
Trong cuốn sách "Sức mạnh của lời xin lỗi", nhà tâm lý Beverly Engel đã nói rằng, lạm dụng lời "xin lỗi" cũng tương tự như lạm dụng lời khen. Bạn cho rằng bản thân đang thể hiện sự tốt bụng, chu đáo, lịch sự, nhưng thực tế, mọi người có thể nghĩ rằng bạn đang thiếu tự tin.
Engel cảnh báo: "Điều này có thể dẫn đến một số người đối xử không tốt với bạn, hoặc thậm chí lợi dụng bạn".
2. Làm giảm giá trị của lời "xin lỗi" thực sự
Nếu bạn sử dụng lời xin lỗi cho hầu hết các tình huống trong cuộc sống, khi thực sự cần xin lỗi, giá trị của lời nói đó sẽ giảm đi đáng kể.
3. Gây khó chịu
Thật không dễ chịu gì khi bạn bị bao quanh bởi những người liên tục nói "xin lỗi". Chúng ta hiểu rằng, họ chỉ cố gắng để trở nên tốt hơn, nhưng đôi khi điều đó khiến người khác cảm thấy mệt mỏi và khó chịu.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Frontier of Psychology phát hiện ra rằng, lời "xin lỗi" khi bạn phải hủy kế hoạch, hủy lịch hẹn với ai đó có thể khiến họ cảm thấy tồi tệ hơn.
4. Hạ thấp lòng tự trọng của bạn
Theo nghiên cứu được công bố trên Tạp Chí Tâm lý học xã hội châu Âu, lựa chọn không nói lời "xin lỗi" có thể đem lại nhiều lợi ích về mặt tâm lý hơn. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, những người từ chối bày tỏ thái độ "hối lỗi" trong bất kỳ tình huống nào cho thấy họ là những người có lòng tự trọng cao, đề cao tính kiểm soát và tính toàn vẹn.
Hãy kiểm soát lời "xin lỗi" của bạn
Để thay đổi thói quen giao tiếp "luôn nói xin lỗi", bạn sẽ phải mất rất nhiều nỗ lực và sự thực hành. Dưới đây là một số lưu ý giúp bạn sửa đổi lỗi giao tiếp này:
1. Tự giác hơn
Bước đầu tiên là đánh giá xu hướng và hành vi của chính bạn. Bạn có thực sự lạm dụng từ "xin lỗi" hay không. Xác định được điều đó sẽ giúp bạn quan sát cẩn thận các tình huống trước khi thốt ra lời "xin lỗi".
2. Biết những gì bạn nên và không nên "xin lỗi"
Nếu bạn không thể kiểm soát tình huống, hoặc đó chỉ là một sai lầm nhỏ thường gặp, bạn không cần phải xin lỗi. Nhưng nếu bạn thực sự gây ra lỗi lầm, hãy xin lỗi một cách chân thành. Thừa nhận sai lầm không bao giờ dễ dàng, nhưng nó có thể củng cố các mối quan hệ và cho thấy bạn là một người có trí tuệ cảm xúc cao.
3. Thoải mái với việc nói "không"
Nói "không" có thể khiến một số người khó chịu, nhưng đó là một cách hiệu quả để bảo vệ thời gian riêng của bạn. Nếu bạn đang "ngập" trong công việc và một đồng nghiệp yêu cầu giúp đỡ, bạn không cần phải "xin lỗi" vì không thể giúp họ. Hãy phản hồi đơn giản rằng: "Tôi không thể giúp đỡ vì đã có kế hoạch cho việc khác. Lần sau nhé". Dù bạn nói gì, hãy nói một cách rõ ràng.
Trong một số trường hợp giao tiếp, lời xin lỗi chân thành sẽ đem lại lợi ích nhiều hơn. Như Juliana Breines, giáo sư khoa học hành vi tại Đại học Rhode Island giải thích, một số kiểu xin lỗi có thể khuyến khích sự tha thứ, củng cố các mối quan hệ và xóa tan sự hận thù. Nhưng nó không đơn giản chỉ là bạn tới và nói "xin lỗi". Người có lỗi nên bày tỏ sự hối hận và thiện chí sửa đổi một cách thực sự để đối phương cảm nhận được chiều hướng tích cực trong lời xin lỗi.
CNBC