'Tướng' ngân hàng được trẻ hoá
Bà Trần Thị Thu Hằng là Chủ tịch ngân hàng trẻ nhất Việt Nam. Ảnh: Kienlongbank
Từ đầu năm tới nay đã có 8 ngân hàng có sự thay đổi lớn ở đội ngũ nhân sự cấp cao ở những vị trí chủ chốt như Chủ tịch HĐQT, Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc, phần nhiều là những người còn khá trẻ so với mặt bằng chung hiện nay.
- 05-08-2021Lãi dự thu tăng mạnh ở nhiều ngân hàng
- 05-08-2021Điểm danh ngân hàng có nợ xấu thấp
- 05-08-2021Ngân hàng nào đang tối ưu chi phí hoạt động nhất?
HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) vừa chấp thuận đơn xin nghỉ việc của Tổng giám đốc Nguyễn Văn Lê sau hơn 2 thập kỷ gắn bó. Ông Võ Đức Tiến, Phó Chủ tịch HĐQT tạm thời điều hành hoạt động ngân hàng cho đến khi bổ nhiệm nhân sự chính thức.
Từ đầu năm đến nay thị trường ngân hàng liên tục chứng kiến các cuộc thay đổi vị trí lãnh đạo cấp cao, thậm chí là đổi chủ của các nhà băng. Đáng chú ý, nhiều ngân hàng thay vị trí lãnh đạo bằng những nhân sự khá trẻ.
Ngày 29/7, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) đã họp ĐHĐCĐ bất thường bầu bà Bùi Thị Thanh Hương vào vị trí Chủ tịch HĐQT. Bà Bùi Thị Thanh Hương sinh năm 1980, từng giữ vai trò CEO tại Sun Group. Ngay sau đó, NCB tiếp tục có sự thay đổi lớn trong ban điều hành với việc bổ nhiệm Phó TGĐ thường trực Dương Thị Lệ Hà làm TGĐ thay ông Phạm Thế Hiệp, đồng thời bổ sung 2 Phó TGĐ mới là các bà Nguyễn Thị Thùy Dương và bà Hoàng Thu Trang.
Trước đó, cuối tháng 5/2021, Kienlongbank chính thức có Chủ tịch HĐQT mới là bà Trần Thị Thu Hằng. Bà Hằng sinh năm 1985, là Chủ tịch ngân hàng trẻ nhất Việt Nam. Bà từng là Tổng Giám đốc Tập đoàn Sunshine, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sunshine Homes, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư thương mại Sunshine Tech. Nữ doanh nhân năm nay 36 tuổi có hơn 10 năm kinh nghiệm trong ngành ngân hàng, giai đoạn 2011-2018 với một số vị trí quản lý ở LienVietPostBank và MSB.
Cùng trong tháng 5, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) ngày 15/5 có quyết định giao ông Trương Khánh Hoàng đảm nhận vị trí quyền Tổng Giám đốc SCB thay cho ông Jeremy Chen. Ông Trương Khánh Hoàng cũng được biết tới như một gương mặt sáng giá trong câu lạc bộ các CEO tài chính 8X.
Trước khi gia nhập SCB, ông Hoàng từng đảm nhiệm nhiều vị trí như: Giám sát phụ trách Thị trường vốn & Quan hệ đầu tư tại CTCP Tập đoàn Nova; Giám đốc phụ trách Tài chính dự án cấp cao tại CTCP Phát triển Bất động sản Alpha King. Tại SCB, ông Hoàng đã kinh qua nhiều vị trí quan trọng như: Phó Tổng giám đốc phụ trách Khối Tái thẩm định, Phó Tổng giám đốc phụ trách Điều hành Khối Phê duyệt Tín dụng và Xử lý nợ, Phó Tổng giám đốc thường trực.
HĐQT VietBank cách đây ít tháng cũng đã thống nhất bầu ông Dương Nhất Nguyên làm Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2021-2025. Ông Nguyên là con trai của ông Dương Ngọc Hoà - nguyên Chủ tịch HĐQT VietBank và bà Trần Thị Lâm - Chủ tịch Tập đoàn Hoa Lâm.
Tuy không cùng thuộc thế hệ 8X, nhưng sự tham gia của đại gia Nguyễn Đức Thụy cùng Thaiholdings ở Lienvietpostbank cũng là trường hợp thu hút sự chú ý. Ngay sau khi được bầu vào HĐQT tại ĐHĐCĐ thường niên 2021, 'Bầu' Thuỵ đã được HĐQT thống nhất bầu làm Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng.
Ông Nguyễn Đức Thụy, từng đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Thaiholdings. LienVietPostBank cho biết, với chức danh Phó chủ tịch HĐQT, cùng nhiều năm kinh nghiệm giữ vị trí lãnh đạo tại các doanh nghiệp lớn, ngân hàng tin tưởng ông Thụy sẽ đóng góp tích cực cho hoạt động của LienVietPostBank.
Ở hai ngân hàng có vốn nhà nước chi phối là Vietcombank và VietinBank, hồi đầu tháng 7, ông Nghiêm Xuân Thành và ông Lê Đức Thọ cùng thôi nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT để nhận nhiệm vụ mới, là Bí thư Tỉnh uỷ Hậu Giang và Bến Tre. Nhân sự tạm thời điều hành HĐQT đều là các vị Thành viên HĐQT đương nhiệm.
Năm 2021 là năm quan trọng với nhiều ngân hàng khi vừa kết thúc một nhiệm kỳ, một giai đoạn tái cơ cấu. Việc nhiều ngân hàng thay "ghế nóng" có thể gắn với chiến lược phát triển kinh doanh, trong một số trường hợp gắn liền với quá trình chuyển giao quyền lực giữa các nhóm cổ đông. Cùng với đó, các ngân hàng đang tích cực tiến hành tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, nâng cao hiệu quả hoạt động, khởi động chiến lược chuyển đổi và bước sang giai đoạn phát triển mới. Do vậy, việc thay đổi, bổ sung nhân sự cấp cao được cho là tất yếu.
Nhà đầu tư