MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tưởng thắng lớn khi trúng đất đấu giá với mức giá rẻ, nhà đầu tư bất động sản ngậm ngùi nhận “trái đắng”

25-03-2023 - 12:51 PM | Bất động sản

Tưởng thắng lớn khi trúng đất đấu giá với mức giá rẻ, nhà đầu tư bất động sản ngậm ngùi nhận “trái đắng”

Trong bối cảnh thị trường diễn biến sôi động, các phiên đấu giá đất đều nhộn nhịp. Những người trúng đấu giá đất chỉ cần “lướt sóng” cũng lãi vài chục tới vài trăm triệu đồng. Tuy nhiên, ở hiện tại nhiều khu vực đấu giá đất rơi vào cảnh “ế ẩm”.

Nhà đầu tư nhận "trái đắng"

Giai đoạn từ 2020 đến đầu năm 2022, hầu hết các phiên đấu giá đất ở khắp các địa phương đều thu hút được lượng lớn nhà đầu tư. Theo đó, giá trúng đều cao gấp 2 - 3 lần, thậm chí tới 4 lần so với giá khởi. Dù vậy, người trúng đấu giá đất vẫn có thể sang tay nhanh chóng với mức chênh từ vài chục với vài trăm triệu đồng. Theo đó, đất đấu giá trở thành “món khoái khẩu” của nhiều nhà đầu tư khi đó.

Tuy nhiên, hiện tại thị trường bất động sản chung đã rơi vào trầm lắng, thanh khoản xuống thấp. Đặc biệt là phân khúc đất nền dù chủ đất giảm giá sâu cũng khó bán. Thậm chí, có trường hợp nhà đầu tư trúng đấu giá đất với mức giá thấp, tưởng rằng được “món hời” nhưng lại phải ngậm trái đắng.

Anh Nguyễn Quang, nhà đầu tư bất động sản tay ngang tại Hà Nội cho biết, thời điểm cuối năm 2021, nhiều khu vực tổ chức đấu giá đất. Khi đó, bạn bè anh tham gia, cứ trúng lô nào sẽ bán chênh ngay được từ 50 - 100 triệu đồng/lô. Thấy kiếm tiền nhanh, có 500 triệu đồng trong tay anh Quang cũng theo bạn bè để đi đấu giá đất.

“Thời điểm đó, tôi trúng đấu giá một lô đất tại ven Hà Nội, sau đó bán chênh ngay được 100 triệu đồng. Trong khi vốn bỏ ra chỉ 500 triệu đồng để đặt cọc. Đây cũng là thương vụ đầu tiên tôi kiếm được tiền từ bất động sản”, anh Quang nói.

Thấy lãi nhanh, đến đầu năm 2022, anh Quang tiếp tục dồn gốc và lãi lần trước tham gia một phiên đấu giá đất tại Bắc Giang và trúng lô đất có diện tích 90m2, với mức giá 2,1 tỷ đồng, tương đương 23 triệu đồng/m2.

Tưởng thắng lớn khi trúng đất đấu giá với mức giá rẻ, nhà đầu tư bất động sản ngậm ngùi nhận “trái đắng” - Ảnh 1.

“Khi đó, lô đất tôi trúng đấu giá có giá gần như thấp nhất phiên. Một số người trả chênh 50 - 70 triệu đồng nhưng tôi không bán. Tôi tính toán nếu ôm thêm một thời gian có thể sẽ trở thành món lời lớn. Do vậy, tôi quyết vay thêm ngân hàng 800 triệu đồng, còn 700 triệu đồng là vay người thân và bạn bè”, người này kể.

Tuy nhiên, thị trường nhanh chóng rơi vào trầm lắng, mọi thứ diễn ra trái ngược với tính toán của anh Quang ban đầu. Nên đến nay áp lực tài chính đè nặng khiến anh phải rao bán mảnh đất với mức giá 1,4 tỷ đồng để thu hồi vốn trả nợ, song vẫn chưa tìm được chủ mới.

“Tôi cũng xoay sở đủ kiểu để giữ lại lô đất chờ thị trường sôi động trở lại. Tuy nhiên, công việc hiện nay có phần ảnh hưởng nên không thể gồng tiếp, đành phải bán”, nhà đầu tư tay ngang này nói

Tương tự, anh Toàn, nhà đầu tư tại Hà Nội cho biết, cuối năm 2021, anh tham gia phiên đấu giá đất tại Thanh Oai (Hà Nội) và trúng một lô đất có diện tích 75m2 với mức giá 3 tỷ đồng, tương đương 40 triệu đồng/m2.

“Sau phiên đấu giá tôi rao bán trực tiếp tại khu đất nhưng không có người mua. Nếu bỏ cọc thì tiếc nên tôi đã xoay sở để xuống hết tiền mua lô đất này. Tuy nhiên, đến nay tôi rao bán với mức giá hơn 2,2 tỷ đồng nhưng vẫn chưa có người mua”, anh Toàn kể.

Đất nền vẫn là kênh đầu tư dài hạn tiềm năng

Thực tế, trong lúc thị trường bất động sản diễn biến sôi động, các phiên đấu giá đất ở khắp các tỉnh thành đều thu hút được lượng lớn nhà đầu tư tham gia. Khung cảnh của các phiên đấu giá lúc đó rất nhộn nhịp.

Tưởng thắng lớn khi trúng đất đấu giá với mức giá rẻ, nhà đầu tư bất động sản ngậm ngùi nhận “trái đắng” - Ảnh 2.

Tuy nhiên, hiện nay thị trường đã rơi vào trầm lắng, nhiều phiên đấu giá đất trở nên heo hút hơn trước. Thậm chí, có những lô đất không có khách hàng trả giá.

Đơn cử, tại Bắc Giang, trong phiên đấu giá đất tại các phường Trần Phú, Đa Mai và xã Tân Tiến, Đồng Sơn, Tân Mỹ (thuộc TP Bắc Giang) diễn ra đầu tháng 3 vừa qua có tới 40 lô không có khách trả giá.

Tại Nam Định, cách đây 1 năm, hầu hết phiên đấu giá đất đều tấp nập nhà đầu tư thì nay cũng rơi vào cảnh ế ẩm. Giá chênh thấp hơn nhiều so với giá khởi điểm. Trong tháng 3 này, Công ty Đấu giá hợp danh Xuân Trường phải phối hợp với một số đơn vị, cơ quan liên quan của huyện Hải Hậu đấu giá lại quyền sử dụng đất hàng chục lô đất tại các xã Hải Lộc, Hải Phúc, Hải Thanh, Hải Giang, Hải Sơn… do các phiên đấu giá trước chưa có người trả giá.

Tương tự, tại Hải Phòng, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản cũng đã 2 lần tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất thuê và đấu giá tài sản công gắn liền với đất để thực hiện dự án khu du lịch, dịch vụ thương mại Vịnh trung tâm Cát Bà (huyện Cát Hải) nhưng đều không có đơn vị đăng ký tham gia.

Hay đầu năm nay, các xã An Hưng, An Hòa và Đồng Thái, huyện An Dương có 85 lô đất đấu giá thì chỉ có 15 hồ sơ đăng ký. Số lô được trả giá cao hơn giá khởi điểm không cao.

Trao đổi với chúng tôi, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA) - Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, thị trường bất động sản chung đang chững lại, thanh khoản xuống thấp nên kéo theo các phiên đấu giá đất không còn nhiều người mặn mà.

“Giữa bối cảnh hiện nay, các nhà đầu tư đều đang nghe ngóng các tín hiệu mới của thị trường nên chưa xuống tiền, dù giá thấp. Bên cạnh đó, dòng vốn của các nhà đầu tư đang bị ảnh hưởng, lãi suất neo cao. Tuy nhiên, tôi khẳng định đây chỉ là xu hướng ngắn hạn. Về dài hạn đất nền vẫn là kênh đầu tư đem lại tỷ suất lợi nhuận tốt”, ông Đính nói.

Bất ngờ hời tiền tỷ khi mua căn hộ chung cư

Minh Tâm

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên