Tưởng vô hại nhưng lại là dấu hiệu của căn bệnh chết người: Bác sĩ BV 108 khuyến cáo cần đề phòng khi đau thượng vị kéo dài
Theo bác sĩ bệnh viện Trung ương Quân đội 108, ung thư tụy là nhóm bệnh có tiên lượng xấu vì đa phần khi được chẩn đoán người bệnh đã ở giai đoạn muộn. Chỉ 15-20% bệnh nhân đến viện còn chỉ định phẫu thuật.
- 23-11-2020Nên ăn chuối vào thời điểm nào trong ngày để tốt nhất cho sức khỏe?
- 20-11-2020Khoa học chỉ ra 5 chỉ số có thể dự báo tuổi thọ: Tất cả đều liên quan đến một thói quen ít tốn kém lại nâng cao sức khỏe bền vững nhất!
- 19-11-20208 thói quen "nhất định phải bỏ" trước khi đi ngủ để không tự hại sức khỏe: Ai đủ cả thì đừng hỏi vì sao căng thẳng, mệt mỏi
Tuyến tụy là một cơ quan hình lá tạo ra các enzyme tiêu hóa và hormone như insulin. Tuyến tụy nằm ở vị trí bụng cao, gần các động mạch và tĩnh mạch chính. Tuyến tụy có ba phần - đầu, đuôi và thân tụy. Các enzyme tiêu hóa và hormone sản xuất trong tuyến tụy đi từ tuyến tụy đến tá tràng (phần đầu tiên của ruột non) thông qua một ống gọi là ống tụy.
Phần của tuyến tụy sản xuất hormone được gọi là tuyến tụy nội tiết, và phần sản xuất enzyme tiêu hóa được gọi là tuyến tụy ngoại tiết. Ung thư tuyến tụy là một loại ung thư hình thành tại một số tế bào của tuyến tụy. Hầu hết các bệnh nhân bị ung thư tuyến tụy (khoảng 95%) bắt đầu trong tuyến tụy ngoại tiết.
Theo bác sĩ ThS. BS. Hồ Văn Linh, Khoa Phẫu thuật Gan Mật Tụy, bệnh viện TƯ Quân đội 108, ung thư tụy xếp thứ 8 ở nam và thứ 9 ở nữ trong các nguyên nhân gây chết vì ung thư toàn cầu (khoảng 250.000 trường hợp tử vong hàng năm ở cả hai giới). Đây là nhóm bệnh có tiên lượng xấu vì đa phần khi được chẩn đoán người bệnh đã ở giai đoạn muộn: chỉ 15 – 20% bệnh nhân đến viện còn chỉ định phẫu thuật. Hơn thế nữa, dù còn chỉ định phẫu thuật thì tiên lượng sống sau mổ cũng không cao: tỷ lệ sống sau mổ 5 năm khoảng 25 – 30% và 10% khi đã di căn hạch.
Bác sĩ Linh chỉ ra, bệnh ung thư tụy ngoại tiết thường ít biểu hiện lâm sàng đặc hiệu. Người bệnh thường cảm thấy đau bụng âm ỉ, vàng da và gầy sút cân. Trong một nghiên cứu 2005 trên 185 bệnh nhân ung thư tụy, tác giả Porta và cộng sự nhận thấy các triệu chứng cơ năng thường gặp gồm: mệt mỏi (86%), gầy sút cân (85%), chán ăn (83%), đau bụng (79%), nước tiểu sẫm màu (59%), vàng da (56%), đau lưng (49%).
Theo bác sĩ, đau bụng là triệu chứng hay gặp nhất, dù kích thước u nhỏ (<2cm), thường đau âm ỉ vùng thượng vị, có thể lan ra sau lưng; người bệnh thường xuất hiện đau 1-2 tháng trước khi phát hiện bệnh. Đau cấp tính rất hiếm gặp, thường do u bít tắc ống tụy chính gây viêm tụy cấp. Vì thế, bác sĩ lưu ý, nếu bệnh nhân có biểu hiện đau bụng thượng vị âm ỉ, kéo dài và đồng thời có những yếu tố nguy cơ như tuổi cao, hút thuốc, tiểu đường thì luôn cần được bác sĩ chẩn đoán phân biệt với ung thư tụy.
Theo bác sĩ Linh, phương pháp chẩn đoán hiệu quả ung thư tụy là chụp cắt lớp vi tính (CT Scan). Phẫu thuật cắt tụy là chỉ định điều trị triệt căn duy nhất cho những trường hợp ung thư tụy, nhưng chỉ 1/5 số người bệnh đến viện khi khối u còn ở giai đoạn có thể phẫu thuật.
Bác sĩ Linh cho biết, đây là một phẫu thuật phức tạp đòi hỏi kỹ năng phẫu tích, vét hạch và thực hiện các miệng nối nhằm giảm nguy cơ rò tụy (biến chứng xem là nguy hiểm và hay gặp nhất trong phẫu thuật tụy). Vì thế, người bệnh nên được khuyến cáo phẫu thuật ở những trung tâm ngoại khoa lớn (hàng năm phẫu thuật từ 12 trường hợp cắt khối tá tụy trở lên).
Từ những điều kể trên, bác sĩ Linh lưu ý: "Mỗi chúng ta cần chú ý, có thái độ đề phòng với triệu chứng tưởng chừng như vô hại như đau thượng vị. Khi xuất hiện triệu chứng trên kết hợp với gầy sút cân hoặc ở người có nguy cơ như cao tuổi, hút thuốc lá hay tiểu đường cần đến thăm khám ở những cơ sở y tế lớn, để có những tư vấn và điều trị phù hợp nhất".