Tuột mất 1 tỷ USD đầu tư từ Apple: Cần nhìn lại mình
Dư luận những ngày qua đã đưa tin về việc hãng công nghệ Apple của Mỹ đã lựa chọn Ấn Độ thay vì đã có dự định đầu tư vào Việt Nam cho dự án nhà máy công nghệ với vốn đầu tư lên tới 1 tỷ USD.
- 02-04-2017Nếu muốn bán những chiếc iPhone giá 1.000 USD, Apple phải giải được bài toán hóc búa này
- 31-03-2017Từng kêu gọi tẩy chay Apple nhưng Tổng thống Donald Trump rốt cuộc cũng dùng iPhone!
- 23-03-2017Ông Nguyễn Đức Tài khuyên startup đừng ảo tưởng chuyện thay đổi thế giới, nhưng thực tế cho thấy nếu ngừng “mơ”, đến cả Apple hay Microsoft cũng lao đao!
Nguyên nhân nào?
Năm 2016, Tập đoàn công nghệ Apple đã tới một số nước châu Á để tìm kiếm địa điểm phát triển dự án nhà máy sản xuất trị giá khoảng 1 tỷ USD. Sau đó, 2 nước lọt vào “chung kết” là Việt Nam và Ấn Độ, tuy nhiên, lựa chọn của hãng công nghệ hàng đầu thế giới này giờ đây lại là Ấn Độ. Mặc dù giá trị đầu tư của Apple vào dự án này thua xa số tiền đầu tư của Samsung vào Việt Nam thời gian qua, nhưng những cơ hội mà dự án này mang lại cho nền kinh tế Việt Nam sẽ không hề nhỏ nếu Tập đoàn này lựa chọn Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư nước ngoài cho hay, đây là một cuộc đấu đáng tiếc, bởi nếu Việt Nam đón nhận được dự án này của Apple, các DN công nghiệp hỗ trợ, DN phụ trợ… tại Việt Nam sẽ có cơ hội để phát triển. Hơn nữa, đây cũng là cơ hội để nâng cao trình độ nhân lực tại Việt Nam. Đặc biệt, một DN lớn và nổi tiếng tại Mỹ như Apple nếu vào Việt Nam sẽ là cách quảng bá hiệu quả về môi trường kinh doanh tại Việt Nam, tạo sức hấp dẫn thu hút thêm các DN FDI khác cùng tới đầu tư.
Nói về nguyên nhân của việc Apple không lựa chọn Việt Nam, ông Nguyễn Văn Toàn cho rằng, đây có thể là nguyên nhân từ môi trường kinh doanh tại Việt Nam nhưng cũng có thể là lựa chọn từ ý muốn chủ quan của lãnh đạo Apple. “Về nguyên nhân đến từ Việt Nam, theo tôi, thứ nhất là trình độ nhân lực, nhất là nhân lực công nghệ cao của Việt Nam chưa sẵn sàng để đáp ứng cho dự án nhà máy của Apple. Điển hình như cách đây vài năm khi Microsoft đầu tư vào Việt Nam, họ đã phải rất vất vả để tìm được nhân viên, nhân công đủ trình độ. Thứ hai là các nước tiên tiến tại Mỹ, châu Âu thường đòi hỏi cao về tính minh bạch và sở hữu trí tuệ, vấn đề này ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế… Đây có thể là những vấn đề mà Apple đánh giá Việt Nam thua Ấn Độ”, ông Toàn nhận định.
Trên thực tế, theo báo cáo hồ sơ thị trường của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ấn Độ là nước XK chính nhân công tay nghề cao trong lĩnh vực phần mềm. Ngành dịch vụ và phần mềm ở Ấn Độ được cả thế giới biết đến nhờ những giải pháp phần mềm chất lượng cao và giá rẻ. Các lĩnh vực khác như chế tạo, công nghệ sinh học, công nghệ nano, viễn thông… cũng có rất nhiều tiềm năng và đang đạt mức tăng trưởng ngày càng cao hơn.
Cần thay đổi
Hiện nay, các cơ quan quản lý còn nhiều việc để làm nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, không chỉ thu hút đầu tư nước ngoài mà còn phải thay đổi cơ cấu đầu tư. Theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong quý I/2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 7,71 tỷ USD, tăng 77,6% so với cùng kỳ năm 2016. Tính đến tháng 3/2017 đã có 116 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam, trong đó đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký 54 tỷ USD (chiếm 17,9% tổng vốn đầu tư). Nhật Bản đứng thứ hai với 42,49 tỷ USD (chiếm 14,1% tổng vốn đầu tư), tiếp theo lần lượt là Singapore, Đài Loan, Hồng Kông…
Nhìn vào những số liệu trên cho thấy, cán cân đầu tư FDI tại Việt Nam đang chủ yếu nghiêng về các nước khu vực châu Á, rất thiếu vắng các nhà đầu tư đến từ Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU). Hiện nay, theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến quý I/2017, có 1.959 dự án từ 24 quốc gia thuộc EU còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 21,563 tỷ USD, chỉ chiếm 8,5% số dự án của cả nước và chiếm 7,2% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước. Các nhà đầu tư của Mỹ hiện mới đầu tư tại Việt Nam trên 10 tỷ USD, xếp hạng thứ 9 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Như vậy, nếu so sánh với tổng số đầu tư của Hàn Quốc, Nhật Bản thì các DN khu vực này đang thua kém rất nhiều.
Đặc biệt, nghịch lý này càng rõ hơn nếu nhìn vào cán cân thương mại XNK giữa Việt Nam với các nước Mỹ và EU, khi hai thị trường này liên tục đạt kim ngạch XNK đứng đầu so với các thị trường khác. Điều này khiến nhiều người đặt ra câu hỏi, phải chăng môi trường đầu tư của Việt Nam chưa thích hợp với các DN Mỹ và EU? Đặc biệt, thời gian gần đây, chủ nghĩa bảo hộ lên ngôi tại một số nước phát triển, mặc dù ảnh hưởng chung tới toàn bộ nền kinh tế thế giới, nhưng chắc chắn sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới tình hình thu hút đầu tư của Việt Nam.
“Việc Apple bỏ qua Việt Nam sẽ là một bài học trong thu hút đầu tư, để thông qua đó, các nhà quản lý sẽ nhìn ra mình còn thiếu gì để đặt ra phương hướng nâng cao chất lượng đầu tư nước ngoài. Nếu thay đổi được, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hơn nữa để thu hút các nhà đầu tư”, ông Nguyễn Văn Toàn cho hay.
Báo hải quan