MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tuyên bố không nhập dầu của Nga, nhưng đây là cách các doanh nghiệp châu Âu đang âm thầm mua thêm năng lượng bằng "cửa sau"

11-04-2022 - 07:06 AM | Tài chính quốc tế

Tuyên bố không nhập dầu của Nga, nhưng đây là cách các doanh nghiệp châu Âu đang âm thầm mua thêm năng lượng bằng "cửa sau"

Trên thị trường dầu mỏ, các trader đã rỉ tai nhau về "việc trộn dầu Latvia" - một nguồn nguyên liệu mới cho dầu diesel, được coi là một giải pháp để cung cấp sản phẩm của Nga và pha trộn với thứ gì đó khác.

Khi nào thì những thùng dầu diesel của Nga không còn là của Nga? Câu trả lời là khi Shell - hãng dầu mỏ lớn nhất châu Âu, biến những lô hàng này thành thứ mà các trader gọi là "Latvia blend" (hỗn hợp Latvia).

Mục đích của việc này là đưa ra thị trường một thùng dầu trong đó chỉ 49,99% là dầu của Nga và 50,01% lại có nguồn gốc từ nơi khác, theo góc nhìn của Shell. Do đó, những lô hàng dầu này về cơ bản không có nguồn gốc từ Nga.

Việc này đặt nền móng cho một thị trường mới, đang phát triển và còn nhiều chi tiết chưa rõ ràng đối với dầu diesel được pha trộn của Nga cùng những sản phẩm dầu mỏ tinh chế khác. Đây chính là một trong số nhiều hình thức mà các công ty dầu mỏ và những trader hàng hóa đang sử dụng để giúp năng lượng của Nga tiếp tục chảy vào châu Âu, đồng thời tránh được những phản ứng dữ dội từ dư luận.

Vì châu Âu không áp dụng giới hạn hay hình phạt với hoạt động mua dầu, khí đốt của Nga, nên việc bán một hỗn hợp dầu mới lại là hoàn toàn hợp pháp. Nếu Shell và những công ty dầu mỏ khác tuân theo quy định của châu Âu, thì họ hoàn toàn có thể mua các thùng dầu có xuất xứ 100% từ Nga. Song, dầu được pha trộn là một công cụ thuận lợi để các công ty "nói một đằng, làm một nẻo" mà không sợ mang tiếng xấu.

Javier Blas - biên tập viên chuyên mục Góc nhìn của Bloomberg về lĩnh vực năng lượng và hàng hoá, nói: "Đó là một điều kiện của đợt thầu này và là điều kiện của bất kỳ hợp đồng nào có hàng hóa được giao và bán với quy định không có xuất xứ từ Nga. Do đó, những lô hàng như vậy sẽ không được xếp vào diện có nguồn gốc từ Nga kể cả nếu sản xuất ở Nga hoặc 50% thành phần là từ Nga."

Trên thị trường dầu mỏ, các trader đã rỉ tai nhau về "việc trộn dầu Latvia" - một nguồn nguyên liệu mới cho dầu diesel, được coi là một giải pháp để cung cấp sản phẩm của Nga và pha trộn với thứ gì đó khác. Dầu sẽ đi từ Primorsk - một thị trấn xuất khẩu dầu của Nga gần St Petersburg đến Ventspils - một cảng ở Latvia có bến tiếp nhận dầu và công suất tàu lớn. Đó là nơi sự pha trộn này diễn ra.

Ngoài ra, một số địa điểm khác là nơi các công ty thực hiện "bí thuật" này Hà Lan và các vùng biển khơi, nơi mà diễn ra các giao dịch trực tiếp từ tàu này sang tàu khác. Đối với nhiều người trên thị trường này, "dầu pha trộn với Latvia" chỉ đơn giản là cụm từ viết tắt của bất kỳ hỗn hợp trộn dầu nào có thành phần từ Nga, bất kể quá trình đó diễn ra ở đâu.

"Trộn dầu Latvia" là một dấu hiệu nhắc lại về "cửa sau" mà các doanh nghiệp tận dụng để buôn bán dầu thô Iran và Venezuela cũng từng bị trừng phạt. Nhiều năm các hỗn hợp dầu như vậy được cung cấp ở vùng Viễn Đông, với tên gọi "trộn dầu Malaysia" hay "trộn dầu Singapore".

Đối với Shell, chiến lược này không phải là không có rủi ro. Công ty đã phải công khai xin lỗi hồi tháng trước, sau khi các trader của họ mua một lô hàng dầu thô Ural của Nga với giá chiết khấu, gây ra làn sóng phản đối kịch liệt. Sau đó, Shell đã phải rút khỏi các giao dịch mua dầu thô của Nga.

Trong khi Shell đã dần chấp nhận các lô hàng chưa tới 49,99% dầu diesel của Nga, thì các hãng khác lại không làm như vậy. TotalEnergies của Pháp đưa ra quy định rằng, hàng hóa có "toàn bộ hay một phần" có xuất xứ từ Nga đều không được chấp nhận. Repsol của Tây Ban Nha cũng có quy định tương tự.

Song, bất chấp những quy định, các doanh nghiệp vẫn tìm ra lỗ hổng và tất cả đều hợp pháp. Ví dụ, Intercontinental Exchange cho phép các trader giao dầu diesel của Nga theo hợp đồng dầu khí phổ biến của châu Âu. Trong thông báo hôm thứ Tư, sàn này đã nhắc nhở các trader rằng "sản phẩm có nguồn gốc từ đâu" cũng được giao hàng trong khu vực Antwerp, Rotterdam và Amsterdam. Do đó, một trader có thể đặt vị thế trong hợp đồng và giao dầu diesel của Nga, trong khi vẫn tuân thủ các quy tắc của EU.

Những "kẽ hở" và cửa sau trong hoạt động buôn bán dầu này là lời nhắc nhở về lý do tại sao các biện pháp trừng phạt lại khó thực thi một cách triệt để. Và khi các biện pháp trừng phạt không triệt để mà còn gây trở ngại cho chính bên đưa ra, thì các công ty sẽ tìm đến cửa sau khi họ thấy cần thiết.

Vậy kết quả là gì? Nga sẽ tiếp tục bán nhiên liệu hóa thạch và kiếm bộn tiền. Ngoài ra, châu Âu cũng được hưởng lợi từ việc nguồn cung dầu diesel cao hơn và giá năng lượng hạ nhiệt.

Tham khảo Bloomberg

https://cafef.vn/tuyen-bo-khong-nhap-dau-cua-nga-nhung-day-la-cach-cac-doanh-nghiep-chau-au-dang-am-tham-mua-them-nang-luong-bang-cua-sau-202204081833369.chn

Chi Lan

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên