Tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng chờ ngày "thay áo"
Cục Đường sắt Việt Nam kiến nghị đầu tư hơn 2.200 tỉ đồng để nâng cấp, cải tạo tuyến đường sắt liên vận quốc tế Hà Nội - Đồng Đăng (Lạng Sơn) nhằm tăng cường an toàn chạy tàu và năng lực vận tải liên vận quốc tế
- 05-09-2024Giấc mơ ăn sáng Hà Nội, ăn trưa TP.HCM bằng đường sắt 350km/h trị giá 70 tỷ USD: "Thời điểm đã chín muồi"
- 03-09-2024Đã đến lúc hiện thực hóa tuyến đường sắt tốc độ cao đầu tiên của Việt Nam
- 31-08-2024Khách đi tàu hỏa tăng mạnh, đường sắt 'cháy vé' dịp 2/9
Tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng dài 167 km, hiện là 1 trong 2 tuyến đường sắt liên vận quốc tế kết nối với Trung Quốc (Hà Nội - Đồng Đăng, Hà Nội - Lào Cai). Dù là tuyến đường sắt liên vận quốc tế, có vai trò quan trọng trong hệ thống vận tải đường sắt nhưng kết cấu hạ tầng tuyến đã lạc hậu, xuống cấp, nguy cơ gây mất an toàn chạy tàu và hạn chế năng lực khai thác vận tải.
Xuống cấp từng ngày
Ông Nguyễn Quang Long, Giám đốc Công ty CP Đường sắt Hà Lạng, cho biết tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng là đường ray lồng khổ 1.435 mm với khổ 1.000 mm, đạt vận tốc trung bình gần 60 km/giờ, thế nhưng trên tuyến có tới 105 đường cong bán kính nhỏ, nguy hiểm. Cùng với đó, nhiều thanh ray có thời gian khai thác dài, đã bị mòn, khuyết tật quá mức nhưng chưa được đầu tư thay thế.
Theo ông Long, hiện nay mỗi ngày trung bình có 6-7 đoàn tàu hàng chạy trên tuyến. Đoàn tàu khi đi vào khúc đường cong bán kính nhỏ làm mòn đường ray nhanh hơn nhiều lần so với đoạn đường thẳng. Vì thế, tại các vị trí đường cong bán kính nhỏ phải lắp 4 đến 5 ray để đề phòng ray mòn dẫn đến tàu trật bánh. Bất cập hiện nay là quy định về khối lượng định mức hạn chế nên không cho phép đảo thanh ray nhiều, mỗi năm chỉ được cấp vài trăm thanh ray để thay cho toàn tuyến, nên dẫn đến vài năm mới được đảo thanh ray một lần. Điều này khiến hạ tầng đường xuống cấp, khó khăn trong việc bảo đảm an toàn chạy tàu.
Cùng với đường ray, một số hầm trên tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng cũng có dấu hiệu xuống cấp, nguy hiểm cho khai thác vận tải. Theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, trên tuyến có 8 hầm (thuộc địa bàn tỉnh Lạng Sơn), đều được xây dựng từ năm 1970. Vật liệu xây dựng tường, vỏ hầm bằng bê-tông cốt thép, bảo đảm đủ tiêu chuẩn về khổ giới hạn tiếp giáp kiến trúc theo quy định. Trải qua thời gian khai thác sử dụng, trạng thái kỹ thuật cơ bản đáp ứng an toàn khai thác, chỉ có một số vị trí xuất hiện tình trạng rò rỉ nước, một số vị trí vỏ hầm bằng bê-tông đã có dấu hiệu phong hóa, nứt vỡ, hở cốt thép. Toàn bộ 8 hầm chưa được kiểm định, đánh giá chất lượng cũng như gia cố, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp.
Tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng hiện bị hạn chế năng lực khai thác và hạn chế tốc độ chạy tàu do hệ thống thông tin tín hiệu lạc hậu, khiến nhiều ga trên tuyến vẫn phải đón, tiễn tàu theo phương pháp thủ công.
Tại Cung thông tin tín hiệu Đồng Mỏ (Lạng Sơn), hệ thống thông tin tín hiệu phục vụ chạy tàu trên tuyến hiện là thiết bị "đóng đường của máy thẻ đường" được ngành đường sắt trang bị, sử dụng từ những năm 1970. Với thiết bị và phương pháp này, việc thông tin liên lạc giữa các ga để đón, tiễn tàu ra khỏi khu gian (đoạn đường, nhà ga) được thực hiện bằng máy điện thoại để bàn và máy liên thông tín hiệu giữa hai ga liền nhau để xác nhận cho tàu vào, ra. Mỗi khi đoàn tàu vào ga, phải giảm tốc độ để nhận "thẻ đường" từ nhân viên tại ga, sau khi chạy đến cuối ga thì trả thẻ. Đây là loạt thao tác bắt buộc nhưng đã khiến các đoàn tàu phải giảm tốc độ đến mức thấp nhất (để giao nhận thẻ an toàn).
Vẹn đôi đường
Cục Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) vừa có báo cáo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về các giải pháp khắc phục những điểm xung yếu trên mạng lưới đường sắt. Trong báo cáo này, Cục ĐSVN đề xuất đầu tư 2.238 tỉ đồng để nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng nhằm bảo đảm an toàn chạy tàu.
Theo ĐSVN, tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng có tổng chiều dài 167 km, được đơn vị này khai thác từ năm 1970. Trên tuyến có tổng số 60 cầu, gồm 1 cầu đặc biệt lớn, 4 cầu lớn, 9 cầu trung và 46 cầu nhỏ. Trong đó, cầu Long Biên hiện đã xuống cấp nghiêm trọng, cần sớm cải tạo sửa chữa để bảo đảm an toàn chạy tàu. Các cầu còn lại cơ bản đáp ứng được yêu cầu khai thác.
Bên cạnh đó, trên tuyến cũng có 8 hầm với tổng chiều dài 1.992 m. Hiện tại, kết cấu vỏ hầm bằng bê-tông đã xuất hiện các vết nứt nhỏ và rò rỉ nước nhưng chưa ảnh hưởng nhiều đến an toàn công trình. Tuy nhiên, theo Cục ĐSVN, cần có đánh giá về các hầm này để xem xét cải tạo, sửa chữa kịp thời, bảo đảm an toàn chạy tàu.
Về đường ray, theo Cục ĐSVN, kiến trúc tầng trên hiện chủ yếu là ray P43 cũ và tà vẹt bê-tông thường, cần được đầu tư thay thế bằng kiến trúc tầng trên mới để đáp ứng tốc độ khai thác và nhu cầu vận tải ngày càng tăng của tuyến. Đặc biệt, trên tuyến có tổng cộng 67 vị trí xung yếu, cần sửa chữa kiên cố hóa kết cấu hạ tầng trong kế hoạch quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt hằng năm.
Vì vậy, Cục ĐSVN đề xuất lập dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng với kinh phí dự kiến 2.238 tỉ đồng và thực hiện trong giai đoạn từ năm 2026-2031. Số kinh phí này dự kiến được dùng để cải tạo đường, nâng bán kính đường cong tại các điểm nghẽn về vận tải, bảo đảm an toàn chạy tàu; gia cố cải tạo cống, hệ thống thoát nước và nền đường yếu. Đường ga, nhà ga, hầm yếu cũng được cải tạo nhằm bảo đảm an toàn, xóa bỏ điểm đen gây hạn chế tốc độ...
"Dự án sau khi hoàn thành sẽ nâng cao an toàn chạy tàu và năng lực chuyên chở, tăng cường vận tải liên vận quốc tế giữa Việt Nam với Trung Quốc và châu Âu" - lãnh đạo Cục ĐSVN cho biết.
Tại quy hoạch mạng lưới đường sắt kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn hiện hữu dài 167 km, khổ đường lồng 1.000 mm và 1.435 mm lộ trình đầu tư cải tạo, nâng cấp giai đoạn trước 2030; tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng mới, dài 156 km, khổ 1.435 mm, lộ trình đầu tư sau 2030. Bộ GTVT đã giao Cục ĐSVN hợp tác với các tổ chức quốc tế triển khai lập quy hoạch chi tiết để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư dự án.
Người lao động