Tuyến Metro 1 đội vốn, vì sao?
Trưởng Ban Quản lý Đường sắt Đô thị TP HCM Lê Nguyễn Minh Quang nói rõ diễn biến này tại buổi làm việc giữa Đoàn Đại biểu Quốc hội TP và UBND TP.
- 29-09-2017Tuyến metro 1 TPHCM: Đội vốn, nguy cơ vỡ kế hoạch về đích năm 2020
- 13-09-2017TPHCM xin Thủ tướng gia hạn làm tuyến metro số 2 vào năm 2020
- 02-09-2017TP HCM tiếp tục kêu khó về nguồn vốn thực hiện tuyến metro số 1
Trong buổi làm việc về tình hình kinh tế - văn hóa – xã hội, quốc phòng – an ninh 9 tháng đầu năm 2017 vào ngày 17-10, Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TP Lê Nguyễn Minh Quang cho biết dự án Metro 1 (Bến Thành - Suối Tiên) có tổng vốn 2,49 tỉ USD (hơn 47.000 tỉ đồng) được khởi công vào tháng 8-2012. Dài gần 20 km, tuyến metro đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP HCM) và thị xã Dĩ An (Bình Dương).
Giải thích về vấn đề đội vốn của metro 1, ông Quang cho hay năm 2006, Thủ tướng đã thông qua báo cáo đầu tư xây dựng dự án do Cục Đường sắt Việt Nam thuộc Bộ GTVT làm chủ đầu tư.
Đơn vị được giao lập dự án đầu tư là Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam (Tedi-South).
Đoàn đại biểu Quốc hội TP làm việc với UBND TP chiều 17-10.
"Thời điểm này, Việt Nam chưa làm tuyến metro nào, đơn vị tư vấn lập dự án cũng chưa có kinh nghiệm thực tiễn. Tổng mức đầu tư dự án được lập là 17.000 tỉ đồng. Sau khi tổng mức đầu tư 17.000 tỉ đồng được duyệt, chúng ta đã ký hiệp định vay số 1 với phía Nhật Bản vào năm 2007 với số tiền là 4.000 tỉ đồng" – ông Quang thông tin. Cuối năm 2006, dự án được giao về cho TP HCM.
Từ tháng 1-2008, đơn vị tư vấn trúng thầu là liên danh NJPT (gồm các công ty tư vấn Nhật Bản, đứng đầu là Công ty Nippon Koei) đã nghiên cứu và khẳng định các thiết kế ban đầu như nhà ga, số lượng các đoàn tàu,... là chưa phù hợp. Sau đó, NJPT thiết kế lại và đề xuất tổng mức đầu tư là 47.000 tỉ đồng.
TP HCM đã mời các Công ty Singapore Mass Rapid Transit và Công ty CPG (Singapore) thẩm tra độc lập và kết luận tổng mức đầu tư là phù hợp. Sau đó, Cơ quan Hợp tác Nhật Bản (JICA) cam kết sẽ xem xét việc tăng vốn ODA cho dự án.
Đến năm 2010, TP đã có báo cáo Thủ tướng và Thủ tướng đã cho lấy ý kiến các Bộ GTVT, Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư. Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho phép điều chỉnh tổng mức đầu tư và các bộ khác cũng đồng thuận vấn đề này.
Trên cơ sở đó, tháng 8-2011, Thủ tướng Chính phủ có công văn đồng ý để UBND TP phê duyệt điều chỉnh dự án và triển khai các bước tiếp theo.
Đến tháng 9-2011, UBND TP đã ra quyết định phê duyệt tổng mức đầu tư dự án này là 47.000 tỉ đồng. "Khi được duyệt, chúng ta đi vay tiếp bằng 2 hiệp định vay. Tổng vay đến giờ đã là 31.000 tỉ đồng. Chúng ta được duyệt mới đi vay. Nếu nói dự án vốn lớn, chưa được duyệt là không chính xác" – ông Quang khẳng định.
Theo Nghị quyết 49, dự án có vốn từ 35.000 tỉ đồng phải trình Quốc hội. Do đó, tháng 5-2011, TP đã có một văn bản gửi Bộ Kế hoạch- Đầu tư kiến nghị báo cáo Quốc hội về công tác điều chỉnh vốn với dự án.
Ông Quang cho biết hằng năm UBND TP đều có báo cáo với Bộ GTVT và Bộ GTVT thừa ủy quyền của thủ tướng, thay mặt chính phủ báo cáo quốc hội về dự án. "Chúng tôi xin khẳng định rằng đây là dự án trọng điểm về cơ sở hạ tầng giao thông, hết sức quan trọng với sự phát triển của TP. TP đã nhiều lần báo cáo, kiến nghị chứ không phải thiếu trách nhiệm" – ông Quang nói.
Ngườil lao động