MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tuyến metro 43.757 tỷ chờ đợi 15 năm ở TP.HCM: Rót thêm 86.000 tỷ để nối dài 53km tới 2 tỉnh?

06-12-2023 - 08:22 AM | Bất động sản

Tuyến metro 43.757 tỷ chờ đợi 15 năm ở TP.HCM: Rót thêm 86.000 tỷ để nối dài 53km tới 2 tỉnh?

Sở Giao thông Vận tải TP.HCM vừa có văn bản khẩn đề xuất đầu tư 3,6 tỷ USD (khoảng 86.000 tỷ đồng) làm 53km metro số 1 nối TP.HCM với Bình Dương, Đồng Nai.

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM vừa có văn bản khẩn gửi Sở GTVT tỉnh Bình Dương và Đồng Nai về phương án đầu tư kéo dài tuyến metro số 1 kết nối hai địa phương này.

Đây là cơ sở báo cáo UBND các địa phương xem xét, thống nhất phương án kéo dài tuyến metro số 1, xin ý kiến Bộ GT-VT trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Sở GTVT TP.HCM đề nghị Sở GTVT tỉnh Bình Dương và Đồng Nai sớm có văn bản góp ý về phương án đầu tư.

Theo nội dung tóm tắt báo cáo phương án đầu tư do Sở GTVT TP.HCM phối hợp với tư vấn thực hiện, phương án kéo dài tuyến metro số 1 về Bình Dương, Đồng Nai được chia làm 3 đoạn với tổng chiều dài 53,3km.

Đoạn 1 từ ga Bến xe Suối Tiên đến ga Bình Thắng (S0) dài 1,8 km, tổng vốn gần 3.000 tỷ đồng. Tuyến bắt đầu từ sau ga Bến xe Suối Tiên (Metro số 1) đi cao dọc bên phải đường Xa lộ Hà Nội vào ga S0 dự kiến đặt trước nút giao Tân Vạn (tỉnh Bình Dương). Ga S0 là ga nối giữa hai hướng tuyến đi Bình Dương và Đồng Nai.

Đoạn 2 từ ga S0 đi Bình Dương dài 31,35 km với 14 ga và 1 Depot, tổng vốn gần 52.000 tỷ đồng. Tuyến bắt đầu từ ga S0 đi cao vượt qua đường ĐT.742 và tuyến đường sắt Trảng Bom - Hòa Hưng, sau đó tuyến đi cao bên phải chung hành lang với tuyến đường sắt Trảng Bom - Hòa Hưng, chuyển tiếp đi chung hành lang bên trái với tuyến đường sắt Sài Gòn - Lộc Ninh.

Tuyến tiếp tục chạy qua nút giao Bình Chuẩn và đi bên trái dọc theo đường Mỹ Phước - Tân Vạn, sau đó chuyển hướng vào giữa đường DX01 và đường Hùng Vương vào trung tâm hành chính TP Thủ Dầu Một để về Depot tại phường Phú Chánh (TP Tân Uyên).

Đoạn 3 từ ga S0 đi Đồng Nai dài 20,10 km với 11 ga và 1 Depot, tổng vốn hơn 31.400 tỷ đồng. Từ ga S0, tuyến đi cao bên dải đất cây xanh dọc theo đường Xa lộ Hà Nội đến trước khu vực nút giao đường Amata thì đi vào giữa đường Quốc lộ 1. Đến khu vực Công viên 30/4, tuyến rẽ phải đi cao dọc theo Quốc lộ 1, đến khu vực giao cắt giữa đường Thái Hòa (nhà thờ Thái Hòa) thì rẽ trái vào khu vực Depot tại xã Hố Nai 3.

Tổng mức đầu tư 3 đoạn trên hơn 3,6 tỷ USD (khoảng 86.000 tỷ đồng), dự kiến bằng vốn ngân sách. Trong đó, TP.HCM đầu tư đoạn 1, tỉnh Bình Dương đầu tư đoạn 2 và tỉnh Đồng Nai đầu tư đoạn 3.

Theo đánh giá của Sở GTVT TP.HCM, các đoạn tuyến từ ga S0 và các nhánh đi về Đồng Nai, Bình Dương đều đi trên cao nên công nghệ xây dựng không quá phức tạp so với xây dựng ngầm. Đồng thời, còn giúp nâng cao cảnh quan đô thị nếu được thiết kế tốt.

Căn cứ lưu lượng, nhu cầu vận chuyển khách, trong giai đoạn trước mắt, có thể nghiên cứu đầu tư trước đoạn tuyến từ ga S0 và một phần đoạn 1. Trong đó có thể tính toán sử dụng chung depot Long Bình của tuyến metro số 1 trong thời gian depot này chưa khai thác hết công suất. 

Đối với đoạn từ ga S0 về Khu liên hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ Bình Dương, trước mắt có thể tổ chức vận chuyển khách bằng các tuyến BRT (xe buýt nhanh) theo kế hoạch. Khi nhu cầu giao thông vận chuyển khách đạt mức cao hơn thì sẽ đầu tư xây dựng tiếp đoạn 2.

Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên được phê duyệt năm 2008, khởi công năm 2012, dự kiến đưa vào khai thác sau 6 năm nhưng cuối cùng phải hẹn ngày khai thác vào năm 2024.

Chậm giải ngân vốn, nhiều sự cố kỹ thuật phát sinh, khó khăn nhân sự, Covid-19 là những nguyên nhân khiến metro số 1 chậm trễ sau 11 năm khởi công.

Tổng mức đầu tư phê duyệt ban đầu là 17.387 tỷ đồng, sau được điều chỉnh tăng lên 43.757 tỷ đồng. Dự án sẽ chính thức đưa vào khai thác thương mại từ tháng 7 năm 2024.

Theo T.Hà

Đời Sống Pháp Luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên