MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tuyến metro hơn 40.000 tỷ đồng đầu tiên ở Hà Nội cả 7 ga đều đi ngầm có tín hiệu mới tích cực

Đây là tuyến đường sắt đô thị có chiều dài 8,786km, trong đó chủ yếu đi ngầm theo lộ trình: Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông - Kim Ngưu - Nguyễn Tam Trinh.

Hôm nay, ngày 15/5, HĐND TP.Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức kỳ họp chuyên đề để xem xét, quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền. Trong đó, Hà Nội xem xét phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án hỗ trợ kỹ thuật "Chuẩn bị dự án đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội đến Hoàng Mai và hỗ trợ nghiên cứu xây dựng hệ thống giao thông đô thị tích hợp cho dự án đường sắt đô thị".

Theo tờ trình của UBND thành phố Hà Nội gửi năm 2022, dự án hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị đầu tư đường sắt đô thị số 3 đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai có tổng mức đầu tư hơn 343 tỷ đồng (khoảng 15 triệu USD, trong đó nguồn vốn viện trợ không hoàn lại 12,6 triệu USD, vốn đối ứng trong nước hơn 2 triệu USD).

Đoạn ga Hà Nội – Hoàng Mai có thời gian thi công trong giai đoạn 2020-2030 (10 năm), tổng mức đầu tư cho đoạn tuyến này dự tính toán khoảng 1.700 triệu USD, tương đương 40.500 tỷ đồng, nguồn vốn vay ODA.

Đây là tuyến đường sắt đô thị đặc biệt bởi tuyến có chiều dài 8,786km thì trong đó đoạn đi ngầm là 8,13km, đoạn hầm hở dẫn dài 0,57km, đoạn đi trên mặt đất dài 0,086km. Tuyến chủ yếu đi ngầm theo lộ trình: Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông - Kim Ngưu - Nguyễn Tam Trinh.

Kết cấu đoạn đi ngầm là ống hầm kép đi song song, ngầm qua nút giao Ô Đống Mác, Mai Động và kết thúc phía sau Vành đai 3, với 7 ga ngầm (Hàng Bài, Trần Thánh Tông, Kim Ngưu, Mai Động, Tân Mai, Tam Trinh, Yên Sở), 1 khu lập tàu (sát Trạm bơm Yên Sở). Tuyến đi qua các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai.

Tuyến metro hơn 40.000 tỷ đồng đầu tiên ở Hà Nội cả 7 ga đều đi ngầm có tín hiệu mới tích cực- Ảnh 1.

Tuyến metro ga Hà Nội - Hoàng Mai có 7 ga ngầm - Ảnh minh hoạ tạo bởi AI Chat GPT

Với hệ thống 7 nhà ga, ga Hàng Bài xây dựng ngầm tại ngã tư phố Hàng Bài với Trần Hưng Đạo; ga Trần Thánh Tông xây dựng ngầm dưới phố Trần Thánh Tông giáp phía Đông vườn hoa Pasteur; ga Kim Ngưu xây dựng ngầm dưới đường Tây Kim Ngưu; ga Mai Động xây dựng ngầm tại đường Nguyễn Tam Trinh (Đông Kim Ngưu).

Ở phía Nam nút giao cầu Mai Động; ga Tân Mai xây dựng ngầm giữa đường Nguyễn Tam Trinh quy hoạch, nằm tại nút giao với đường Tân Mai; ga Tam Trinh xây dựng ngầm giữa đường Nguyễn Tam Trinh quy hoạch, tại vị trí trước cổng vào siêu thị Metro Hoàng Mai; ga Yên Sở xây dựng ngầm tại tuyến đường quy hoạch kéo dài đường Nguyễn Tam Trinh, phía Nam nút giao với đường Vành đai 3 (cuối tuyến).

Theo kế hoạch, HĐND thành phố Hà Nội sẽ xem xét, quyết định nội dung này tại kỳ họp chuyên đề (kỳ họp thứ 16) HĐND thành phố khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026.

Vì sao tuyến metro ga Hà Nội-Hoàng Mai đi ngầm toàn tuyến?

Vào năm 2022, Chính phủ ban hành Quyết định về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Hỗ trợ kỹ thuật “Chuẩn bị dự án đầu tư Tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội đến Hoàng Mai và Hỗ trợ nghiên cứu xây dựng hệ thống giao thông đô thị tích hợp cho dự án đường sắt đô thị”. Trong quyết định có nêu toàn tuyến dài 8,786km, trong đó đoạn đi ngầm là 8,13km.

Lãnh đạo Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) đã từng lý giải trên VietnamPlus hồi năm 2022 về vấn đề tại sao gần như toàn tuyến đường sắt ga Hà Nội-Hoàng Mai phải đi ngầm.

Theo lãnh đạo MRB phân tích quỹ đất của thành phố Hà Nội dành cho giao thông rất hạn hẹp. Vì vậy, các tuyến đường sắt đô thị đi ngầm là phương án tối ưu để giải quyết các vấn đề giao thông nan giải của Thủ đô. Tuy nhiên, theo ông, việc đi ngầm toàn bộ tuyến cũng có những ưu và nhược điểm đi kèm.

Cụ thể, ưu điểm của toàn tuyến đi ngầm là giúp giảm thiểu diện tích giải phóng mặt bằng, tiết kiệm đất xây dựng, giảm xung đột với các công trình dân dụng, giao thông trên mặt đất, tăng khả năng kết nối với các tòa nhà và công trình ngầm xung quanh các nhà ga.

Tuyến metro hơn 40.000 tỷ đồng đầu tiên ở Hà Nội cả 7 ga đều đi ngầm có tín hiệu mới tích cực- Ảnh 2.

Ga ngầm cho tuyến đường sắt đô thị có nhiều ưu điểm - Ảnh minh hoạ tạo bởi AI Chat GPT

Bên cạnh đó, việc đi ngầm sẽ đảm bảo cảnh quan đô thị dọc theo tuyến không bị phá vỡ cũng như tạo điều kiện phát triển không gian phía trên mặt đất với các công trình đô thị, giao thông, cầu vượt và các loại hình giao thông công cộng khác. Việc đi ngầm cũng hạn chế chiếm dụng đất và cản trở giao thông trong quá trình thi công xây dựng từ đó giảm thiểu ô nhiễm môi trường, kinh tế-xã hội đối với khu dân cư dọc theo tuyến.

Tuy nhiên, lãnh đạo MRB thừa nhận nhược điểm lớn nhất của việc xây dựng tuyến metro ngầm chính là chi phí đầu tư xây dựng cao, quá trình thi công công trình ngầm phức tạp, đòi hỏi công nghệ thi công xây dựng tiến tiến.

Công nghệ TBM sẽ được sử dụng để làm cả 2 tuyến đường sắt đô thị - Ảnh: Đại Đoàn Kết

Công nghệ TBM sẽ được sử dụng để làm cả 2 tuyến đường sắt đô thị - Ảnh: Đại Đoàn Kết

Trao đổi với báo Lao Động vào năm 2022, ông Lê Trung Hiếu - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội khi đó là Phó Trưởng BQL án đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, thực tế có những phân tích về cấu trúc địa chất khu vực Hà Nội không thuận lợi cho các công trình ngầm do nền đất không đồng nhất, có các lớp đất yếu, nước ngầm và nước mặt.

Do đó, để giải quyết vấn đề này, phía MRB đã cùng đơn vị tư vấn lựa chọn công nghệ thi công ngầm bằng TBM (Tunnel Boring Machine). Đây là công nghệ thi công hầm tiên tiến bậc nhất trên thế giới, phù hợp với điều kiện địa chất yếu và đã được nhiều nước áp dụng.

Công nghệ TBM có thể thi công trên mọi loại địa chất từ đá cứng đến đất yếu, đất sét, đất bồi hay đất cát dưới mực nước ngầm, đi xuyên núi hay dưới lòng biển. TBM có độ an toàn cao, thân thiện môi trường và không làm rung động, chấn động, thích hợp áp dụng cho đường hầm đô thị và công nghệ này cũng đang áp dụng trong việc làm hầm tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội.

Theo Trang Anh

Đời sống & pháp luật

Trở lên trên