MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tỷ giá lập đỉnh, Ngân hàng Nhà nước sẽ can thiệp?

18-04-2024 - 08:44 AM | Tài chính - ngân hàng

Ngày 17/4, giá USD tại nhiều ngân hàng chạm mốc 25.442 đồng/USD. Nhiều chuyên gia dự báo, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ can thiệp và có thể bán ngoại tệ can thiệp thị trường.

Tỷ giá tăng liên tiếp

Ngày 17/4, NHNN công bố tỷ giá trung tâm ở mức 24.231 đồng/USD, tăng đến 90 đồng so với hôm qua. Như vậy, chỉ trong 2 ngày, tỷ giá trung tâm đã tăng đến 135 đồng/USD và là mức cao nhất trong vòng 1 năm trở lại đây. Với biên độ +/-5%, các ngân hàng thương mại được phép ấn định giá bán USD cao nhất là 25.442 - 25.443 đồng/USD, thấp nhất là 23.019 đồng/USD.

Tỷ giá lập đỉnh, Ngân hàng Nhà nước sẽ can thiệp?- Ảnh 1.

Tỷ giá USD ngân hàng lập đỉnh mới lên trên 25.400 đồng/USD. Ảnh: Như Ý.

Tại nhiều ngân hàng, giá USD hôm nay được nâng lên mức kịch trần. Ngân hàng VietinBank niêm yết giá bán USD ở mức 25.105 - 25.443 đồng/USD mua vào - bán ra. Ngân hàng ACB cũng niêm yết giá bán USD ở mức kịch trần 25.160 - 25.442 đồng/USD mua vào - bán ra. Trong khi đó, ba ngân hàng lớn khác là Vietcombank, Eximbank, BIDV nâng giá bán USD lên sát trần: 25.440 đồng/USD. Giá mua vào dao động từ 25.040 - 25.130 đồng/USD. Tính từ đầu năm đến nay, mỗi USD trong ngân hàng đã tăng hơn 1.000 đồng, tương đương gần 5%.

Trên thị trường tự do, giá USD tiếp tục đi lên. Giá USD tự do được giao dịch phổ biến quanh mức 25.520-25.670 đồng/USD mua vào - bán ra. So với phiên liền trước, giá USD tự do tăng 50 đồng ở chiều mua và tăng 70 đồng ở chiều bán. Chênh lệch giá USD trên thị trường tự do và ngân hàng đã được thu hẹp. Hiện tại, giá mua vào USD trên thị trường tự do đang cao hơn tại các ngân hàng thương mại khoảng 300-400 đồng/USD. Giá bán đắt hơn so với ngân hàng khoảng hơn 200 đồng/USD.

Từ đầu năm đến nay, tỷ giá liên tục biến động theo chiều hướng tăng. Trong bối cảnh đó, từ hồi đầu tháng 3, NHNN liên tục có các đợt phát hành tín phiếu nhằm hút bớt thanh khoản ở các ngân hàng thương mại, giúp tránh tình trạng các ngân hàng gom mua USD để tìm kiếm lợi nhuận. Đây là động thái giúp giảm áp lực lên tỷ giá.

Tuy nhiên, như Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận định, việc phát hành tín phiếu để điều tiết thị trường của NHNN không đạt được hiệu quả như mong muốn.

NHNN có bán ngoại tệ can thiệp?

Dự trữ ngoại hối luôn được coi là “kim bài” để ổn định tỷ giá và được NHNN tăng cường tích trữ trong nhiều năm qua. Dữ liệu được NHNN công bố gần nhất cho thấy, quy mô dự trữ ngoại hối đã đạt trên 109,9 tỷ USD vào cuối năm 2021, gấp 10 lần quy mô dự trữ ngoại hối ghi nhận năm 2010 và gấp gần 4 lần so với năm 2015.

Tuy nhiên, sau khi đạt kỷ lục vào đầu quý I năm 2022, dự trữ ngoại hối đã giảm mạnh trong năm 2022 do NHNN phải bán một lượng lớn ngoại tệ để ổn định tỷ giá.

Sau khi bán ra lượng lớn ngoại tệ để ổn định tỷ giá, từ đầu năm 2023, NHNN bắt đầu mua ngoại tệ trở lại khi tỷ giá trong nước quay đầu giảm. Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 5/5/2023, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, cơ quan này đã mua vào khoảng 6 tỷ USD kể từ đầu năm 2023. Mặc dù chưa có con số thống kê mới nhất về dự trữ ngoại hối đến thời điểm này nhưng theo ước tính của các tổ chức quốc tế cũng như các công ty phân tích thị trường, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang đạt mức cao.

Tại hội thảo “ Thị trường tài chính Việt Nam 2023 và triển vọng 2024” do Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC) tổ chức ngày 16/4, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho biết, những biến động tỷ giá thời gian gần đây cơ bản là do đồng USD tăng giá. Từ đầu năm đến nay, USD đã tăng 4,5%. Đồng USD tăng với 2 lý do: Thứ nhất, Fed có vẻ lưỡng lự hạ lãi suất, thứ hai là kinh tế Mỹ không suy thoái mà còn phục hồi tốt hơn năm ngoái. Điều này khiến USD tăng giá và các đồng nội tệ neo với USD đều bị giảm trong thời gian qua.

“Cơ bản quan hệ cung cầu ngoại tệ tại Việt Nam vẫn ổn. Khi Fed bắt đầu hạ lãi suất, có thể từ quý III thì ngay lập tức tỷ giá sẽ bớt đi áp lực”, ông Lực nói.

Trả lời câu hỏi về việc liệu có khả năng NHNN bán ngoại tệ, ông Lực cho rằng, NHNN sẽ phải tính toán cẩn thận, vì còn liên quan đến chuyện nhập khẩu vàng. Nếu thị trường ngoại hối biến động mạnh, NHNN cũng sẽ sẵn sàng can thiệp, bằng nhiều nguồn lực khác nhau.

Các chuyên gia cũng nhìn nhận, NHNN nhiều khả năng sẽ có động thái phù hợp, trong đó không loại trừ việc bán ngoại tệ can thiệp.

Theo Ngọc Mai

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên