Tỷ giá trung tâm: Nhìn lại để bước tiếp
Mục tiêu xuyên suốt là nâng cao vị thế của VND, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ sản xuất
-
Tăng tính chuyên nghiệp và uy tín thì sẽ củng cố niềm tin của nhà đầu tư với doanh nghiệp và tôi tin rằng, với việc hoàn thiện quy định và thực tiễn triển khai một cách đồng bộ thì thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ phát triển tốt trong thời gian tới
-
Việc tăng VĐL cho 4 NH trụ cột, nguồn vốn ngoài nhà nước, kể cả vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đóng vai trò quan trọng, nhất là khi nguồn vốn nhà nước ngày càng khó bố trí sắp xếp.
Một trong những gam màu sáng trong bức tranh điều hành chính sách tiền tệ năm 2016 cần nhắc tới là tỷ giá. Từ đầu năm 2016, NHNN quyết định điều hành tỷ giá theo cơ chế tỷ giá trung tâm, cho phép tỷ giá biến động theo diễn biến của thị trường thế giới.
Giữ thăng bằng giữa nhiều chiều sức ép
Ngày 4/1/2016, tỷ giá trung tâm được NHNN công bố là 21.896 VND/USD. Với biên độ tỷ giá +/-3%, tỷ giá trần là 22.552 VND/USD, tỷ giá sàn là 21.239 VND/USD. Năm qua, có bốn thời điểm tỷ giá VND/USD có sự biến động mạnh, giá mua bán USD tại các NHTM cũng như ngoài thị trường tự do có sự chênh lệch, kéo giãn hơn so với bình thường.
Thứ nhất, tháng 5/2016, việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) phát đi tín hiệu sẽ tăng lãi suất trong tháng 6/2016, thị trường nóng lên. Tỷ giá trung tâm tăng thêm 97 đồng. NHNN đã ban hành Thông tư số 07/2016/TT-NHNN gia hạn cho vay ngoại tệ đối với một số đối tượng khách hàng đã khiến tỷ giá nhanh chóng giảm nhiệt.
Thứ hai, hơn ba tháng sau, tỷ giá lại tăng nhanh trước kỳ vọng FED tăng lãi suất trong cuộc họp ngày 14/9/2016. Thứ ba, tròn một tháng, từ 14/8 đến 14/9/2016, tỷ giá tăng 118 đồng. Giảm vào cuối tháng 9, sau đó trong tháng 10, tỷ giá tăng 90 đồng. Và thứ tư, ở thời điểm tháng 11/2016, thị trường toàn cầu có những rung lắc biến động trước, trong và sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Sau ngày 9/11, với chiến thắng thuộc về ứng cử viên Đảng Cộng hoà Donald Trump, thị trường ghi nhận sự tăng lên mạnh mẽ của đồng USD. Thêm vào đó, việc trông chờ kết quả từ cuộc họp của FED ngày 15/12, nhu cầu ngoại tệ thời điểm cuối năm đã khiến tỷ giá VND/USD từ 9/11 đến cuối tháng 11/2016 tăng 93 đồng. Tuy có những đợt tăng mạnh nhưng có thể thấy sau những quyết sách kịp thời của NHNN từ phát ngôn đến hành động, thị trường đã dần trở lại ổn định.
So với đầu năm, tỷ giá VND/USD cuối năm 2016 tăng khoảng 1,1-1,2%. Đây là mức thấp so với những năm trước đây, khi tỷ giá thường dao động trong khoảng 2 - 3%. Và nếu so với các ngoại tệ khác, điển hình như sự leo thang mạnh mẽ của đồng USD đối với nhiều đồng tiền trên thế giới, đây là mức biến động rất nhẹ.
Chính sách tỷ giá hối đoái của nước ta trong năm 2017 cần tiếp tục nguyên tắc chủ động và linh hoạt
Đánh giá về việc điều hành tỷ giá mới theo cơ chế tỷ giá trung tâm, TS. Luật sư Bùi Quang Tín cho rằng, NHNN đã thực sự điều hành tỷ giá theo hướng linh hoạt, nhưng vẫn đảm bảo ổn định được thị trường. Việc điều hành theo cơ chế tỷ giá trung tâm đã hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt đối với các doanh nghiệp có nguồn vay ngoại tệ.
Xét về định tính, tỷ giá trung tâm cũng nói lên khá nhiều vấn đề so với cơ chế điều hành tỷ giá cũ. Thứ nhất, trong cơ cấu tỷ giá trung tâm trước đây chủ yếu neo theo USD. Nhưng hiện nay, tỷ giá trung tâm được NHNN điều hành linh hoạt theo 8 đồng tiền trong rổ tiền tệ của các nước có quan hệ thương mại, vay, trả nợ và đầu tư lớn vào thị trường Việt Nam. Tỷ giá còn được xét trên yếu tố tổng hoà giữa chỉ tiêu tình hình kinh tế vĩ mô trong nước cũng như kinh tế thế giới. Chính bởi thế, doanh nghiệp bớt đi lo lắng vì không phải phụ thuộc quá nhiều USD hay nhân dân tệ. Tỷ giá điều chỉnh linh hoạt mỗi ngày đã khiến giới đầu cơ không có đất diễn, và doanh nghiệp lẫn NHTM cũng bớt áp lực hơn.
Dù đâu đó cũng có ý kiến cho rằng, cơ chế này chưa hoàn toàn thoả mãn được thị trường. Song các chuyên gia cùng chung nhận định, cơ chế nào cũng có hai mặt. Quan trọng là với việc điều hành tỷ giá của NHNN theo cơ chế mới năm qua đã tạo ra nhiều ưu việt vượt trội hơn.
Tuy có những đợt tăng mạnh nhưng có thể thấy sau những quyết sách kịp thời của NHNN từ phát ngôn đến hành động, thị trường đã dần trở lại ổn định.
Linh hoạt trước áp lực
Để có được sự ổn định của tỷ giá suốt một năm qua, NHNN đã phải nỗ lực không ngừng nghỉ. Có nhiều kịch bản cho câu chuyện tỷ giá năm 2017. Theo đánh giá của các chuyên gia, tỷ giá năm 2017 sẽ nhiều áp lực và thách thức hơn so với 2016. Nguyên nhân một phần đến từ việc FED để ngỏ khả năng tăng lãi suất 3 lần trong năm 2017.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, TS. Luật sư Bùi Quang Tín cũng cho hay: việc FED có tăng lãi suất hay không phụ thuộc lớn vào nền kinh tế Mỹ. Giống như cơ quan này từng dự kiến cuối năm 2015 sẽ tăng lãi suất 4 lần trong năm 2016, nhưng thực tế chỉ tăng một lần. Như vậy, kịch bản điều hành tỷ giá của Việt Nam năm 2017 cũng phải tính đến yếu tố ảnh hưởng rất lớn từ tình hình kinh tế Mỹ. Bởi nếu xét theo hướng của nhà điều hành mới Donald Trump, kinh tế Mỹ có nhiều triển vọng phục hồi mạnh mẽ. Khi đó cơ hội để FED tăng lãi suất là vô cùng lớn. Và điều này sẽ tạo áp lực tỷ giá lớn với Việt Nam.
Điểm thứ hai là nền kinh tế Trung Quốc. Khi người đứng đầu chính quyền Mỹ thay đổi, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới quan hệ Mỹ - Trung Quốc. Hiện ông Trump đang rất quyết liệt với việc rút hết các nhà máy từ Trung Quốc trở về Mỹ. Điều này sẽ gây thâm hụt rất lớn cho nền kinh tế Trung Quốc. Kinh tế khó khăn, đồng tiền của quốc gia này nhiều khả năng sẽ lại phá giá để tăng cường xuất khẩu, gánh nặng lên tỷ giá Việt Nam sẽ lại thêm nặng. Chưa kể sang năm 2017, chỉ tiêu lạm phát chỉ còn 4% - là trọng trách nặng nề đối với ngành Ngân hàng và sẽ gây áp lực lớn lên điều hành lãi suất, tỷ giá.
Theo TS. Vũ Đình Ánh, sự lên giá của USD thúc đẩy các dòng tiền đầu tư quay trở về các nước phát triển, đặc biệt là Mỹ, khiến cho hàng loạt nước phát triển đột nhiên thiếu hụt hàng ngàn tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Dẫn đến hạn chế khả năng tăng trưởng kinh tế nói chung, tăng trưởng xuất khẩu nói riêng, đồng thời tác động tiêu cực tới cán cân vãng lai, cán cân thanh toán. Từ đó gây áp lực trả nợ nước ngoài của nhiều nước đang phát triển, nhất là những nước định hướng tăng trưởng dựa vào xuất khẩu, phụ thuộc vào thu hút FDI và vay nợ nước ngoài như Việt Nam.
Chính vì vậy, dự báo tỷ giá hối đoái giữa VND và USD trong năm 2017 sẽ biến động theo hướng sụt giảm giá trị của VND. Mức độ, thời điểm và thời gian biến động tỷ giá hối đoái phụ thuộc chủ yếu vào biến động kinh tế - tài chính toàn cầu, đặc biệt là yếu tố khủng hoảng kinh tế đã được dự báo trước và yếu tố chính sách tiền tệ của FED nói riêng, chính sách kinh tế của Mỹ nói chung.
Theo ông Ánh, chính sách tỷ giá hối đoái của nước ta trong năm 2017 cần tiếp tục nguyên tắc chủ động và linh hoạt. Song phải ở mức độ và trình độ cao hơn so với các năm trước, do biến động tỷ giá hối đoái được dẫn dắt bởi các yếu tố khách quan từ bên ngoài là chủ yếu. Đó là chưa kể giá trị của VND năm 2017 còn chịu tác động đáng kể của tốc độ lạm phát ở Việt Nam có thể gia tăng; trong khi quy mô nhập khẩu vẫn tăng, giá xăng dầu và một số hàng hóa phục vụ sản xuất trong nước có thể đảo chiều tăng lên, nghĩa vụ thanh toán nợ nước ngoài lớn và chi phí để xử lý nợ xấu...