Tỷ giá USD sáng 26/9 tiếp tục tăng mạnh lên gần mốc 24.600 đồng
Mở cửa sáng 26/9, giá USD niêm yết tại các ngân hàng thương mại tiếp tục tăng so với cuối ngày hôm qua. Giá bán ra USD tại một số nơi đã lên gần mốc 24.600 đồng.
- 26-09-2023Tỉ giá tăng có đáng ngại?
- 26-09-2023Ngân hàng rao bán loạt khoản nợ liên quan đến Tân Hoàng Minh và khu "đất vàng" 24 Quang Trung
- 26-09-2023"Bẫy" huy động vốn
Tại Vietcombank lúc 9h00, tỷ giá USD ở mức 24.215-24.555 đồng (mua vào – bán ra), tăng 20 đồng so với cuối ngày hôm qua. Tương tự, BIDV tăng 20 đồng lên 24.240-24.540 đồng.
Tại VietinBank, tỷ giá cuối ngày hôm qua (25/9) đã vượt mốc 24.600 đồng nhưng sáng nay lại quay đầu giảm. Giá bán ra USD tại ngân hàng này hiện ở mức 24.570 đồng.
Techcombank cũng tăng 37 đồng ngay đầu giờ sáng, đưa giá USD lên 24.250-24.585 đồng. ACB niêm yết 24.290-24.590 đồng, tăng 50 đồng so với hôm qua.
Trên thị trường tự do, giá USD hôm qua (25/9) tăng mạnh lên khoảng 24.300 đồng chiều mua vào và 24.400 đồng chiều bán ra. Hiện giá USD chợ đen vẫn còn thấp hơn khá nhiều so với giá USD các ngân hàng thương mại.
Tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố ngày 26/9 ở mức 24.084 đồng/USD, tăng 8 đồng so với ngày 25/9. Tỷ giá sàn và tỷ giá trần áp dụng cho các ngân hàng thương mại khi tính theo biên độ +/-5% là 22.879-25.288 đồng/USD.
Đáng chú ý, đồng USD trên thị trường quốc tế vẫn đang tiếp tục mạnh lên. Chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường sức mạnh đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt đã lên mức 106 điểm trong ngày 25/9 (giờ Mỹ), cao nhất nửa năm qua.
Theo Bộ phận phân tích Công ty chứng khoán MBS, đồng USD mạnh lên là nguyên nhân chủ yếu lý giải cho đà tăng của tỷ giá trong thời gian vừa qua. Các nhà đầu tư đang lo ngại sự phân cực ngày càng lớn giữa chính sách tiền tệ của Mỹ và NHTW các nước khu vực Châu Á, mà đại diện là Trung Quốc, Nhật Bản,… nên chuyển sự chú ý sang đồng USD, khiến chỉ số sức mạnh DXY index tăng liên tục trong 3 tháng gần đây. Sau cuộc họp vào ngày 20/09, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục giữ lãi suất ổn định nhưng củng cố lập trường diều hâu với việc tăng lãi suất một lần nữa vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, MBS cho rằng một vài yếu tố vĩ mô tích cực như: dòng vốn FDI giải ngân quay trở lại mạnh mẽ trong tháng 8 (tăng 24% so với cùng kỳ), lũy kế 8 tháng đầu năm ước đạt 13 tỷ USD (tăng 1,3% so với cùng kỳ); thăng dư thương mại 8 tháng năm 2023 ước đạt 20.1 tỷ USD, … sẽ góp phần “trung hòa” áp lực tăng giá tỷ giá vào cuối năm. Theo đó, nhóm phân tích dự báo tỷ giá có thể giao động trong khoảng 24.300 - 24.500 đồng/USD trong những tháng cuối năm, với giả định FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản nữa trong tháng 11.
Trong diễn biến liên quan, Ngân hàng Nhà nước mới đây đã quay trở lại phát hành tín phiếu sau hơn nửa năm tạm ngưng. Liên tục 3 phiên 21, 22, 25/9, NHNN đã hút ròng về khoảng 10.000 tỷ đồng mỗi phiên. Các chuyên gia cho rằng, động thái hút VND của NHNN lúc này sẽ thúc đẩy lãi suất liên ngân hàng tăng nhẹ, đồng thời giảm áp lực tỷ giá trong thời gian tới.
Nhịp sống thị trường