MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tỷ giá USD/VND trở lại như thời cam kết?

19-10-2019 - 19:55 PM | Tài chính - ngân hàng

Diễn biến năm 2019 và một dự báo từ giới chuyên môn cho thấy tỷ giá USD/VND có thể trở lại như quãng cam kết mức độ thay đổi trước đây.

Những ngày gần đây, tại một số ngân hàng thương mại lớn, giá USD mua vào tiền mặt sụt hẳn so với giá bán ra trên biểu niêm yết, mức chênh lên tới 150 VND.

Nhiều năm qua, trong diễn biến bình thường, chênh lệch giá mua vào thấp hơn giá bán ra USD của các ngân hàng thương mại chưa từng doãng rộng đến như vậy, phổ biến chỉ chênh khoảng 80 - 100 VND, cá biệt một vài thời điểm nới ra 120 VND.

Chênh lệch này lớn, ngân hàng áp giá mua vào rất thấp phản ánh nhu cầu mua của họ không áp lực, cung ngoại tệ thuận lợi. Mặt khác, giá mua vào thấp hơn nhiều so với giá mua của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước (như mức 23.115 VND tại Vietcombank so với 23.200 VND) tiếp tục tạo triển vọng gia tăng dự trữ ngoại hối quốc gia khi các ngân hàng thương mại bán lại.

Về mức giá bán ra, sau đợt biến động trong quý II kéo sang đầu quý III, mức niêm yết của các ngân hàng thương mại đã nhanh chóng bình ổn và hiện thậm chí còn thấp hơn cả cuối năm 2018. Sau 9 tháng đầu năm, tỷ giá USD/VND ở kênh này lại trở về vạch xuất phát.

Trong khi đó, tỷ giá trung tâm tăng 1,46% qua 9 tháng đầu năm nay. Mức tăng này có thể đặt trong chủ động của Ngân hàng Nhà nước, với mục đích thiết lập lại cân bằng giữa tỷ giá ở các kênh, các điểm khác nhau. Tỷ giá trung tâm trước đó nằm quá thấp so với mặt bằng giao dịch trên các thị trường; mức tăng 1,46% đó đưa nó trở nên… trung tâm hơn.

Như vậy, qua 9 tháng đầu năm, cũng như chỉ còn hơn hai tháng nữa kết thúc năm 2019, tỷ giá USD/VND đang hướng về một năm gần như không có thay đổi lớn (dù một vài thời điểm có biến động mạnh).

Quãng ổn định đi ngang này được kỳ vọng sẽ tiếp tục thể hiện trong năm 2020.

Một khảo sát gần đây cho thấy, có tới 48/104 người làm công tác nghiên cứu thị trường tại các ngân hàng thương mại dự tính tỷ giá USD/VND sẽ chỉ tăng khoảng 0,5-1% trong năm 2020 mà thôi. Còn lại, 40 người dự báo mức tăng từ 1-2%, 10 người dự báo trên 2% và 6 người cho rằng sẽ đi ngang.

Với phần lớn lựa chọn trong khảo sát trên, dù có phạm vi nhất định ở nhóm những người làm công tác nghiên cứu thị trường, dự báo tỷ giá USD/VND chỉ thay đổi nhẹ trong năm 2020 là đáng chú ý, vì những năm gần đây dự báo đưa ra ban đầu hầu hết đều ứng với mức biến động cao hơn với khoảng 2-3%.

Với kết quả đi ngang sau 9 tháng đầu năm 2019 và dự báo nghiêng về khả năng chỉ biến động nhẹ 0,5-1% nói trên, tỷ giá USD/VND đang có xu hướng trở lại giai đoạn bình lặng với cam kết trước đây.

Cụ thể, sau cú sốc phá giá trên 9% hồi tháng 2/2011, từ giữa năm 2011 tỷ giá USD/VND lần đầu tiên sau nhiều biến động được đánh dấu bằng cam kết từ Ngân hàng Nhà nước với mức độ thay đổi tiếp theo không quá 1%.

Những năm sau đó 2012-2015, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đưa ra cam kết định hướng quãng ổn định tỷ giá trong phạm vi 2% mỗi năm. Đây cũng là giai đoạn tỷ giá USD/VND ổn định, thậm chí có năm gần như không thay đổi, và cam kết đó như một chốt chặn. Nhưng cuối giai đoạn, sự kiện trên biển Đông cùng lộn xộn tại một số khu công nghiệp phía Nam… tạo biến số thay đổi lớn đối với tỷ giá USD/VND.

Từ 2016 đến nay, về cơ bản tỷ giá USD/VND tiếp tục được giữ ổn định, và đặc biệt là đi cùng với việc gia tăng liên tục quy mô dự trữ ngoại hối quốc gia. Trong giai đoạn này, một số sự kiện nổi bật có gây xáo trộn nhất định về tỷ giá như kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ và Brexit, đồng Nhân dân tệ có những đợt phá giá mạnh…

Còn năm nay, như trên, tỷ giá USD/VND của các ngân hàng thương mại hiện thậm chí còn giảm nhẹ so với cuối năm 2018. Quãng ổn định hàng đầu thế giới của đồng tiền Việt Nam (trong cặp tỷ giá với USD) được kỳ vọng sẽ tiếp tục nối sang năm 2020.

Có những khía cạnh và lợi ích khác nhau, nhưng khi tỷ giá ổn định kéo dài, rủi ro tỷ giá giảm thiểu thì doanh nghiệp và nhà đầu tư đỡ mất thời gian, giảm thiểu chi phí phòng ngừa để tập trung hơn trong xử lý những công việc khác, chủ động hơn trong sản xuất, kinh doanh.

Còn trong chính sách điều hành, sự ổn định có được khi không đi cùng với một cam kết cứng về giới hạn biến động.

Theo Minh Đức

Bizlive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên