MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tỷ giá vẫn chưa hạ nhiệt dù lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh, NHNN sẽ ứng biến ra sao khi cuộc họp của Fed đến gần?

30-10-2023 - 07:34 AM | Tài chính - ngân hàng

Tỷ giá vẫn chưa hạ nhiệt dù lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh, NHNN sẽ ứng biến ra sao khi cuộc họp của Fed đến gần?

Giới phân tích cho rằng, trong trường hợp đồng bạc xanh tiếp tục leo thang trên thị trường quốc tế, NHNN có thể phải sử dụng thêm các công cụ điều hành khác, bên cạnh tín phiếu để ổn định tỷ giá.

Sau giai đoạn tương đối ổn định trong nửa đầu năm, tỷ giá USD/VND đã có những biến động khá mạnh trong quý III. Đến cuối tháng 9, giá USD tại nhiều ngân hàng đã chạm mốc 24.600 đồng ở chiều bán ra, tương ứng tăng 3,7% so với đầu năm và còn cách 1,1% so với mức đỉnh thiết lập vào quý cuối năm ngoái.

Tỷ giá USD/VND trong nước chịu nhiều sức ép khi chỉ số DXY - thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh – có chuỗi tăng điểm dài nhất trong gần một thập kỷ qua, chạm mức 107. Diễn biến tăng giá của đồng USD thể hiện sự điều chỉnh kỳ vọng của nhà đầu tư sau khi Fed thể hiện quan điểm cứng rắn trong cuộc họp chính sách tháng 9.

Tỷ giá vẫn chưa hạ nhiệt dù lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh, NHNN sẽ ứng biến ra sao khi cuộc họp của Fed đến gần? - Ảnh 1.

Diễn biến chỉ số DXY trong thời gian qua. (Nguồn: MarketWatch)

Mặt khác, do tăng trưởng tín dụng chậm, thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng trở nên dư thừa đã kéo lãi suất VND về mức rất thấp. Chênh lệch lãi suất USD – VND liên ngân hàng liên tục duy trì ở mức cao kỷ đã kích thích hoạt động kinh doanh chênh lệch lãi suất (carry trade), tạo nên áp lực mất giá tiền Đồng. Và thực tế, tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng trong quý III tăng khoảng 800 đồng, tương đương tăng 3,3%.

Trước bối cảnh đó, NHNN đã thực hiện việc phát hành tín phiếu 28 ngày nhằm hút bớt lượng tiền VND dư thừa trên thị trường liên ngân hàng về, nhằm mục đích tăng lãi suất ngắn hạn trên thị trường này. Từ đó, chênh lệch lãi suất giữa USD và VND được thu hẹp lại, khiến các ngân hàng không có động lực đầu cơ USD ở trạng thái lớn, giảm áp lực lên tỷ giá.

Sau hơn 1 tháng áp dụng phương án này, lượng tín phiếu lưu hành vào cuối ngày thứ sáu vừa qua (27/10) đã đạt gần 193.400 tỷ. Đồng thời lãi suất liên ngân hàng đã tăng mạnh (tính đến ngày 26/10, kỳ hạn qua đêm đã tăng từ 0,16% lên 1,89%, kỳ hạn 1 tháng từ 0,97% lên 2,66%). Tuy nhiên, tỷ giá USD/VND vẫn tiếp tục xu hướng tăng, với giá bán tại Vietcombank – ngân hàng có quy mô giao dịch ngoại tệ lớn nhất hệ thống - hiện đang được niêm yết ở mức 24.730 VND/USD, tăng khoảng 4,2% từ đầu năm và tăng 1,1% so với cuối tháng 9.

Tỷ giá vẫn chưa hạ nhiệt dù lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh, NHNN sẽ ứng biến ra sao khi cuộc họp của Fed đến gần? - Ảnh 2.

Lãi suất liên ngân hàng dù đã hạ nhiệt trong 2 phiên gần đây nhưng vẫn cao gấp cả chục lần so với cuối tháng 9

Trong bối cảnh cuộc họp chính tháng 11 của Fed đang tới gần (31/10 - 1/11) và NHTW Mỹ vẫn để ngỏ khả năng tăng lãi suất thêm một lần nữa, giới phân tích cho rằng NHNN có thể phải sử dụng thêm các công cụ điều hành khác để ổn định tỷ giá nếu đồng bạc xanh tiếp tục leo thang trên thị trường quốc tế.

Theo Chứng khoán ACB (ACBS), lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng đã bắt đầu tiệm cận lãi suất huy động tiết kiệm kỳ hạn 1-3 tháng trên thị trường 1. Do đó, nếu mức lãi suất này tăng thêm nữa, và duy trì một thời gian, sẽ có thể thúc đẩy các ngân hàng quay trở lại tăng lãi suất huy động tiết kiệm, từ đó tạo ra hiệu ứng "domino" trên hệ thống.

Trong khi đó, tỷ giá đã tăng mạnh trong thời gian qua và chỉ còn cách đỉnh 24.888 VND/USD năm 2022 không xa. Vì vậy, bất kỳ một sự biến động tăng nào của lãi suất hoặc tỷ giá trong những ngày tới, cũng có thể dẫn tới việc NHNN sẽ áp dụng thêm các chính sách mới nhằm đạt được mục tiêu ổn định và cân bằng.

ACB dự đoán, NHNN sẽ có 2 giải pháp trong ngắn hạn.

Thứ nhất, để số dư tín phiếu đáo hạn và dòng tiền quay trở lại thị trường liên ngân hàng. Từ đó, thanh khoản và lãi suất thị trường liên ngân hàng hạ nhiệt. Mục đích cuối cùng đó là lãi suất liên ngân hàng ở mức cao, gần với mức lãi suất huy động thị trường 1 các kỳ hạn 1-3 tháng, nhưng không tạo ra cuộc đua tăng lãi suất trên thị trường 1.

Thứ hai, trong trường hợp công cụ điều tiết thanh khoản thông qua tín phiếu không phát huy tác dụng, tỷ giá vẫn tăng nóng, và lãi suất vẫn ở mức cao, NHNN có thể xem xét sử dụng phương án bán kỳ hạn USD kỳ hạn 3-6 tháng và cho phép các ngân hàng hủy ngang.

Theo ACBS, các giải pháp trên đây có thể linh hoạt phối hợp và sẽ phụ thuộc nhiều vào tốc độ tăng trưởng tín dụng của hệ thống cũng như cung cầu USD trong quý 4 này. Trong trường hợp tăng trưởng tín dụng có thể bứt phá lên vào quý cuối cùng, NHNN thậm chí có thể xem xét tới việc bổ sung thanh khoản thông qua kênh OMO.

ACBS cũng nhấn mạnh, NHNN vẫn còn đủ các công cụ để duy trì tình trạng ổn định của tỷ giá và lãi suất. Bên cạnh đó, nguồn cung USD tương đối dồi dào từ các hoạt động Xuất nhập khẩu, FDI, FII và kiều hối, cũng như áp lực trả nợ nước ngoài không tăng đột biến sẽ ủng hộ cho quan điểm này.

Trong báo cáo thị trường tiền tệ gần đây, Chứng khoán KB (KBSV) cũng đưa ra ba kịch bản hành động của NHNN ứng với từng vùng tỷ giá khác nhau.

Kịch bản thứ nhất, nếu tỷ giá USD duy trì ở khoảng 24.000 đến 24.400 đồng, NHNN có thể sẽ phát hành khối lượng tín phiếu trung bình khoảng 12.000 tỷ đồng mỗi phiên.

Trong trường hợp tỷ giá vượt ngưỡng 24.500 đồng, NHNN có thể phát hành với khối lượng trung bình 20.000 tỷ đồng/phiên đến khi tỷ giá có dấu hiệu hạ nhiệt rõ nét hơn.

Trường hợp thứ ba, nếu tỷ giá USD tiến gần mốc 25.000 đồng, KBSV không loại trừ khả năng NHNN sẽ thực hiện động thái bán USD kỳ hạn để ổn định tỷ giá.

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, hoạt động phát hành tín phiếu cùng với kỳ vọng tăng trưởng tín dụng tăng tốc cuối năm có thể sẽ giúp cho chênh lệch lãi suất VNĐ và USD thu hẹp hơn. Cùng với việc tỷ giá đã tăng mạnh kể từ đầu năm, nhóm phân tích không kỳ vọng các hoạt động kinh doanh chênh lệch lãi suất tạo thêm áp lực lên tỷ giá.

VDSC giữ nguyên quan điểm về tỷ giá sẽ biến động quanh vùng 24.500 đồng/USD và giảm trở lại vào cuối năm. Tuy nhiên, rủi ro đối với dự báo là đồng USD tăng vượt ngưỡng 110, dẫn đến việc NHNN phải bán bớt dự trữ ngoại hối để đối phó với việc tiền đồng mất giá mạnh hơn.

“Trong kịch bản tiêu cực nhất, DXY tăng vượt 110, NHNN có thể sẽ phải can thiệp bằng bán ngoại hối kết hợp hút ròng trên kênh tín phiếu, điều này có thể làm trầm trọng thêm tâm lý đầu tư do lo ngại về sự thay đổi sâu sắc hơn trong điều hành chính sách tiền tệ”, VDSC nhân định.

Tỷ giá vẫn chưa hạ nhiệt dù lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh, NHNN sẽ ứng biến ra sao khi cuộc họp của Fed đến gần? - Ảnh 3.

Còn theo ông Nguyễn Khánh, Founder Hedge Academy và là chuyên gia nhiều năm làm việc trong lĩnh vực ngoại hối tại các ngân hàng, trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục phát hành tín phiếu nhằm kiểm soát mặt bằng lãi suất liên ngân hàng, giảm áp lực tỷ giá.

Ông Khánh cho rằng, biện pháp bán ngoại tệ giao ngay để can thiệp thị trường thường là biện pháp cuối cùng mà NHNN tính tới, bởi điều này ảnh hưởng lớn tới dự trữ ngoại hối. Do đó, trước khi bắt buộc phải bán giao ngay, nếu áp lực dòng tiền đi ra không quá lớn, NHNN sẽ sử dụng công cụ bán kỳ hạn để cân đối trạng thái với hệ thống ngân hàng thương mại. Đây là cách làm được sử dụng trong năm 2022. Tuy nhiên cách làm này sẽ chỉ hiệu quả trong điều kiện áp lực về tỷ giá không quá lớn.

"Hiện tại, tỷ giá trên thị trường chưa chạm giá bán USD can thiệp của NHNN. Vì vậy, cơ quan này chưa cần phải thực hiện can thiệp, kể cả là bán kỳ hạn hay giao ngay", ông Khánh nhận định.

Quang Hưng

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên