MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tỷ lệ điều tiết ngân sách 63 tỉnh thành năm 2023: Hai 'gương mặt mới' nào sẽ có điều tiết về ngân sách trung ương?

Tỷ lệ điều tiết ngân sách 63 tỉnh thành năm 2023: Hai 'gương mặt mới' nào sẽ có điều tiết về ngân sách trung ương?

So với năm 2022, danh sách tỉnh, thành phố có điều tiết về ngân sách trung ương đã giảm 2 địa phương là Hà Nam và TP. Cần Thơ; đồng thời tăng thêm hai địa phương mới.

Theo Nghị quyết số 70/2022/QH15 của Quốc hội: Về phân bổ ngân sách trung ương năm 2023, có 18/63 tỉnh, thành phố có điều tiết về ngân sách trung ương gồm TP. HCM (1), Hà Nội (2), Bình Dương (3), Đồng Nai (4), Quảng Ninh (5), Bà Rịa-Vũng Tàu (6), Vĩnh Phúc (7), Bắc Ninh (8), Hải Phòng (9), Quảng Nam (10), Đà Nẵng (11) Ninh Bình (12), Khánh Hòa (13), Quảng Ngãi (14), Long An (15), Thái Nguyên (16), Hải Dương (17), Hưng Yên (18).

Như vậy, so với năm 2022, danh sách tỉnh, thành phố có điều tiết về ngân sách trung ương đã giảm 2 địa phương là Hà Nam và TP. Cần Thơ; tăng 2 địa phương là Thái Nguyên và Long An. Số lượng địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương tương đương với năm 2022.

Thái Nguyên sẽ nộp 4% NSĐP về trung ương, trong khi Long An sẽ nộp 5%.

Tỷ lệ điều tiết ngân sách 63 tỉnh thành mới nhất: Hai gương mặt mới nào sẽ có điều tiết về ngân sách trung ương năm 2023? - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, việc xác định lại tỷ lệ điều tiết, số bổ sung cân đối cho từng địa phương trên cơ sở dự toán thu ngân sách nhà nước và dự toán chi ngân sách địa phương năm 2023 và áp dụng trong thời kỳ ổn định ngân sách đến năm 2025. Song nhiều địa phương sau khi xác định lại tỷ lệ điều tiết để lại cho địa phương có sự sụt giảm lớn, dẫn đến khó khăn cho các địa phương trong việc cân đối nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Do đó, Chính phủ dự kiến bố trí 32.000 tỷ đồng trên cơ sở mức đóng góp nguồn thu về ngân sách trung ương và mức tăng chi hàng năm trong thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2017-2021 và dự toán năm 2022 để cân đối cho một số địa phương có thêm nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp tăng thu cho ngân sách trung ương.

TP. HCM và TP. Hà Nội sẽ được xử lý hỗ trợ thêm để giữ nguyên tỷ lệ điều tiết như năm 2022, cụ thể: tỷ lệ điều tiết phần ngân sách địa phương được hưởng của thành phố Hà Nội là 32%, TP. HCM là 21% (ngân sách trung ương hỗ trợ thêm 5% so với phương án tính theo dự toán thu, chi).

Theo tỷ lệ này, trong năm 2023, Hà Nội được giữ lại hơn 62.600 tỷ đồng và TP. HCM được giữ lại hơn 51.100 tỷ đồng từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách địa phương và ngân sách trung ương.

Đây là hai thành phố trực thuộc trung ương đặc biệt của cả nước, cần tiếp tục hỗ trợ để tỷ lệ điều tiết năm 2023 tương đương với năm 2022 để hai địa phương tiếp tục có thêm nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở đó sẽ tiếp tục tăng đóng góp thêm cho ngân sách trung ương và tác động thúc đẩy phát triển của vùng và cả nước.

Phân bổ tăng chi thường xuyên cho 10 địa phương là 4.183 tỷ đồng, bảo đảm chi thường xuyên năm 2023 tăng không quá 5% so với dự toán năm 2022 (riêng tỉnh Quảng Ngãi, tăng ở mức cao hơn để đảm bảo mặt bằng chi thường xuyên chung do trong năm 2019-2020, tỉnh Quảng Ngãi là địa phương liên tục bị hụt thu ngân sách địa phương trong một số năm dẫn đến mặt bằng chi thấp); phân bổ tăng chi đầu tư xây dựng cơ bản tập trung 27.817 tỷ đồng cho 11 địa phương.

Cũng theo Nghị quyết, tổng số thu ngân sách trung ương là 863.567 tỷ đồng. Tổng số thu ngân sách địa phương là 757.177 tỷ đồng. Tổng số chi ngân sách trung ương là 1.294.067 tỷ đồng, trong đó dự toán 436.204 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.

Các khoản thu phân chia theo tỷ lệ % giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương

Theo Luật Ngân sách nhà nước , Thông tư 342/2016/TT-BTC, hiện nay thu ngân sách tại địa phương được chia làm 3 nhóm sau:

- Nhóm 1: Các khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100%;

- Nhóm 2: Các khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100%;

- Nhóm 3: Các khoản thu phân chia theo tỷ lệ phần trăm (%) giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.

Trong đó, các khoản thu phân chia theo tỷ lệ phần trăm (%) giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương bao gồm cả khoản tiền chậm nộp theo quy định của Luật quản lý thuế, gồm:

- Thuế giá trị gia tăng, bao gồm cả thuế giá trị gia tăng của các nhà thầu phụ phát sinh từ các hoạt động dịch vụ phục vụ hoạt động thăm dò và khai thác dầu, khí; không kể thuế giá trị gia tăng quy định tại điểm a và điểm đ khoản 1 Điều 3 Thông tư 342;

- Thuế thu nhập doanh nghiệp, bao gồm cả thuế thu nhập doanh nghiệp của các nhà thầu phụ phát sinh từ các hoạt động dịch vụ phục vụ hoạt động thăm dò và khai thác dầu, khí (kể cả thuế thu nhập từ chuyển nhượng vốn trong hoạt động dầu, khí); không kể thuế thu nhập doanh nghiệp quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 3 Thông tư 342;

- Thuế thu nhập cá nhân;

- Thuế tiêu thụ đặc biệt, không kể thuế tiêu thụ đặc biệt quy định tại điểm c khoản 1 Điều 3 Thông tư 342;

- Thuế bảo vệ môi trường, không kể thuế bảo vệ môi trường quy định tại điểm d khoản 1 Điều 3 Thông tư 342.

Đối với thuế bảo vệ môi trường thu từ xăng dầu sản xuất trong nước, việc xác định số thu phát sinh căn cứ vào sản lượng do doanh nghiệp đầu mối bán ra trên thị trường và tỷ trọng tổng sản lượng xăng dầu sản xuất trong nước và tổng sản lượng xăng dầu nhập khẩu. Hằng năm, Bộ Tài chính xác định tỷ trọng này.

Thái Quỳnh

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên