MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tỷ lệ nợ công sát trần, báo động với Việt Nam đang là màu gì?

Chuyên gia kinh tế cho rằng mức nợ công sát trần 65% GDP mang nhiều ý nghĩa cảnh báo chứ chưa phải là báo động đỏ, nhưng cần lưu ý việc hạn chế nợ công bắt đầu từ những dự án nghìn tỷ đồng thua lỗ.

Tỏ ra lo lắng với tỷ lệ nợ công cũng như nghĩa vụ trả nợ của Việt Nam đang tăng cao từng năm nhưng các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, nợ công nếu có vượt trần chưa chắc đã “chết” và với Việt Nam, báo động hiện chưa tới màu đỏ.

“Không có bằng chứng nói nợ công quá 65% GDP là chết”

Chuyên gia kinh tế Vũ Sỹ Cường đã chỉ ra thực tế nợ công Việt Nam từ mức hơn 61% GDP năm ngoái đã tăng sát ngưỡng 65% GDP trong năm 2016.

Tuy nhiên, theo ông, việc GDP không đạt được như mục tiêu ban đầu của Quốc hội đã khiến “mẫu số” trong phép tính nợ công nhỏ đi và điều này dẫn tới tỷ lệ nợ công tăng lên.

Nói về cách tính nợ công, ông cho rằng, các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IFM) hay Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ đưa ra khuyến nghị mà không có tiêu chuẩn cho các nước.

“Nước thì tính nợ của doanh nghiệp Nhà nước vào nợ công, nước thì không tính. Định nghĩa doanh nghiệp Nhà nước của mỗi nước cũng khác nhau, tùy luật từng nước,” vị chuyên gia lên tiếng.

Bởi vậy, theo ông Cường, nếu nói cách tính nợ công của Việt Nam là thiếu hay đủ, đúng theo chuẩn quốc tế hay không thì cũng “không rõ.”

Ông khẳng định, trần nợ công không quan trọng vì có nước nợ 200% GDP như Nhật Bản cũng “không vấn đề gì” trong khi Hy Lạp chỉ nợ 85% GDP là “chết.” Vấn đề theo ông là phụ thuộc vào bản thân từng nước.

Lý giải cụ thể hơn, tiến sỹ Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính dẫn lại ví dụ về Nhật Bản với việc vay nợ chủ yếu là trong nước với lãi suất rất thấp, thậm chí theo ông, có khoản vay trái phiếu Chính phủ về 0%.

Trở lại với Việt Nam, ông Độ cho rằng có những khác biệt nhất định khi lãi suất vay nợ của Việt Nam tương đối cao, hiện cỡ khoảng 6-7%. Điều này theo ông gây áp lực lên nợ công đặc biệt trong điều kiện tăng trưởng kinh tế chỉ khoảng 6% và lạm phát hơn 1%. Ngoài ra, trong cơ cấu nợ của Việt Nam có không ít là nợ nước ngoài. Bởi vậy, nếu “tỷ giá tăng bao nhiêu thì nợ sẽ tăng bấy nhiêu.”

Trong khi ấy, ông Độ cũng chỉ ra thực tế khác là tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ (bao gồm cả đảo nợ và cho vay lại) trên tổng thu ngân sách Nhà nước đang có xu hướng tăng nhanh. Tỷ lệ này theo ông đã vượt quá mức 25% và là vấn đề đáng lo ngại.

Tổng kết lại những điểm theo ông là đáng ngại nhưng ông cũng thẳng thắn cho rằng quan trọng là Chính phủ đã nhận thức được điều này và đang gấp rút tìm ra giải pháp để hạn chế nợ. Một trong những giải pháp được đặt ra mục tiêu giữ bội chi ngân sách dưới 3,5% GDP.

Lo dự án nghìn tỷ đắp chiếu

Cho rằng mức nợ công sát trần 65% GDP mang nhiều ý nghĩa cảnh báo chứ chưa phải là báo động đỏ nhưng ông Độ cũng lưu ý việc hạn chế nợ công bắt đầu từ những dự án nghìn tỷ đồng thua lỗ.

“Quan trọng là ta phải cơ cấu lại đầu tư khu vực Nhà nước. Nhà nước chỉ đầu tư cơ sở hạ tầng, an ninh quốc phòng,…, không nên tham gia đầu tư sản xuất hàng hóa tiêu dùng như dệt may hay sắt thép. Như thế là rủi ro, xác suất có lãi cũng có nhưng thua lỗ thì cũng có. Nhà nước không nên tham gia vào những chương trình như thế,” ông Độ lên tiếng.

Chuyên gia kinh tế Đỗ Thiên Anh Tuấn cũng nhắc tới điều tương tự trong Diễn đàn kinh tế tổ chức hồi cách đây ít lâu. Theo ông, cần kiểm soát chặt tình trạng đội vốn đầu tư trong các dự án đầu tư công nói chung, các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng nói riêng.

“Chủ đầu tư dự án phải chịu trách nhiệm trong số vốn đầu tư được dự toán, nếu vượt dự toán phải tự bỏ tiền ra để tài trợ, nếu không phải chịu trách nhiệm cá nhân về hiệu quả tài chính của dự án được giao quản lý,” vị chuyên gia nêu ý kiến.

Cũng theo ông, Chính phủ phải siết chặt lại kỷ cương, kỷ luật tài khóa một cách nghiêm minh. Các khoản chi ngân sách của bộ ngành và địa phương chỉ được cho phép trong giới hạn ngân sách đã dự toán. Mọi trường hợp chi vượt dự toán đều không được chấp nhận và người đứng đầu đơn vị được cấp dự toán ngân sách phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng vượt chi.

Góp ý thêm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Độ nhấn mạnh lại, trong tương lai, để có nền tài chính công an toàn thì một trong những biện pháp quan trọng là cắt giảm chi tiêu, đặc biệt là chi thường xuyên.

“Đây là vấn đề liên quan tới bộ máy hành chính. Như vậy mới có thể đưa nợ công về mức an toàn hơn,” ông Độ nêu lên.

Đặt vấn đề khác, ông Đỗ Thiên Anh tuấn cung cho rằng, phải chấn chỉnh lại công tác lập dự toán ngân sách. Theo đó, các con số hình

thành nên dự toán ngân sách phải được xác định có căn cứ và chính xác hơn chứ không thể mang tính ước đoán rất khái quát và sơ sài như hiện nay.

“Nếu dự toán được lập sơ sài thì việc thực thi ngân sách sẽ dễ bị tùy tiện dẫn tình trạng thiếu kỷ luật kỷ cương tài khóa. Việc thông qua quyết toán ngân sách cũng từ đó có nhiều lỗ hổng khó giám sát hơn,” vị chuyên gia kinh tế nêu quan điểm.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Độ nói về tình hình nợ công Việt Nam.

Theo Văn Quế

TTXVN

Trở lên trên