MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tỷ phú bất động sản đóng góp gì cho nền kinh tế Việt Nam?

Tại Việt Nam, số lượng các tỷ phú bất động sản chiếm phần đông trên danh sách người giàu nhất sàn chứng khoán. Còn trên thế giới, theo thống kê của Forbes, bất động sản đứng top 3 những ngành sản sinh ra tỷ phú đôla. Tuy nhiên, góc nhìn về tỷ phú bất động sản đóng góp ra sao cho nền kinh tế thì vẫn gây tranh cãi.

Tỷ phú giàu lên từ BĐS luôn là một vấn đề gây tranh cãi. Bởi lẽ, như nhận định của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: “Đất đai ở Việt Nam theo luật pháp thuộc sở hữu toàn dân. Do đó, khi một số người khai thác mảng tài sản này và giàu lên nhanh chóng dễ gây nên những bức xúc và dấu hỏi về sự giàu có của họ”. Đây dường như là nỗi lo lắng của phần đông dư luận khi nhắc đến vấn đề này.

Tuy nhiên, trong khi những tiêu cực được gắn cho những tỷ phú BĐS vẫn không có bằng chứng xác tín thì những giá trị do họ tạo ra cho nền kinh tế lại đang diễn ra.

Trong một lần trao đổi với Trí Thức Trẻ, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cho biết dù rằng đến nay chưa có một tổng kết, đánh giá cụ thể để định lượng được những đóng góp của các tỷ phú, nhưng cũng có nhiều điều có thể thấy được bằng trực quan.

TS. Minh Phong nói rằng đó là những công trình lớn, chuyên nghiệp, giúp thay đổi cảnh quan, biến không thành có như chuyện ở Đảo Tuần Châu hay khu nghỉ dưỡng của FLC ở Sầm Sơn... đồng thời tạo thị trường có tổ chức an toàn thay vì những hoạt động tự phát thiếu tính chuyên nghiệp.

Tranh cãi không chỉ dừng lại ở vấn đề trên. Một số quan điểm cho rằng BĐS không phải là ngành cơ bản mà nền kinh tế có thể phát triển lâu dài vì nó không đóng góp nhiều vào tăng trưởng chung trong khi thâm dụng lớn nguồn lực đất đai, tín dụng.

Trên thực tế, những quan điểm trên đã tách BĐS ra khi chỉ tính từ khâu công trình hoàn tất và bán cho người mua lần đầu và các lần tiếp theo, còn quá trình giải toả, xây cất được xếp vào lĩnh vực xây dựng. Thông qua đó, kết luận BĐS đóng góp thấp vào tăng trưởng kinh tế chung.

Nhưng thực ra, BĐS là một chu trình của chuỗi kinh doanh từ xây lắp, vật liệu, du lịch, nghỉ dưỡng… tức tham gia vào hầu hết các ngành kinh tế khác.

Hiệp hội Các nhà phát triển BĐS châu Âu (EPRA) hồi năm 2016 đã khẳng định: “Lĩnh vực BĐS cung cấp nền tảng cơ bản cho hầu hết lĩnh vực khác, giúp các đối tượng này có đầy đủ khả năng để phát triển hết sức mình”.

Và điều này dường như đang đúng với quy luật phát triển kinh tế của Việt Nam nếu xét về nhu cầu và trong bối cảnh của cách mạng công nghiệp 4.0 như lý giải của ông Đỗ Cao Bảo, Phó TGĐ FPT. Bởi lẽ nhu cầu xây dựng cơ bản của Việt Nam đang là rất lớn để tạo hạ tầng cho các ngành khác phát triển. Bên cạnh đó, cách mạng 4.0 ở Việt Nam chỉ mới là làn sóng được nói đến, thực tế, các ngành vẫn đang ở mức 1.5 như ông Bảo đánh giá. Do đó, việt BĐS ngôi đầu là điều có thể hiểu được.

Ghi nhận của Forbes từ những người giàu nhất thế giới cũng cho thấy, BĐS đứng top 3 những ngành sản sinh ra các tỷ phú đô la, sau đầu tư tài chính và công nghệ.

Năm 2017, Forbes cũng ghi nhận 2 tỷ phú Việt Nam vào danh sách những người giàu nhất thế giới. Đó là ông Phạm Nhật Vượng (Vingroup) và bà Nguyễn Thị Phương Thảo (Vietjet Air). Hai người này đều có bắt đầu kinh doanh từ BĐS và sau đó mở rộng phát triển kinh doanh đa ngành, đa nghề. Đặc biệt đối với bà Thảo, ngành hàng không sau này đã giúp bà nổi danh.

Hà Thu

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên