MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tỷ phú bất động sản Việt: Khi siêu nhân bị ghét bỏ!

Tính đến ngày hôm nay (6/3), 7/10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam năm 2016 kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản. Giàu với gốc từ “bất động sản” đang dấy lên những tranh cãi không dứt. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận ở góc độ tích cực, đó có thể là một câu chuyện khác.

Chàng siêu nhân bị ghét bỏ

Năm 2008, các nhà làm phim Hollywood giới thiệu đến công chúng một siêu nhân không giống bất cứ người nào trước đó. Trông anh ta thật nhem nhuốc, luộm thuộm như tên phim được dịch ra tiếng Việt “Siêu nhân cái bang” do siêu sao Will Smith thủ vai. Điều đáng chú ý ở đây là anh ta bị xã hội ghét bỏ. Bởi lẽ, dù siêu nhân này giúp mọi người nhưng chẳng bao giờ chú ý đến thiệt hại phụ.

Trong cảnh quay khi anh ta cứu một người bị kẹt trong ô tô sắp bị đoàn tàu đâm vào, "Siêu nhân cái bang" với tên John Hancock đơn giản là hất tung chiếc xe lên, mặc kệ điểm rơi. Sau đó, chàng siêu nhân lại đấm vào đoàn tàu, cản nó lại. Kết quả, không một ai chết, chỉ là ngổn ngang một đống thiệt hại, cộng đồng phản ứng dữ dội, đòi bỏ tù anh chàng.

John Hancock chỉ là một nhân vật tưởng tượng của Hollywood, nhưng nếu liên tưởng, anh ta cũng có phần giống những tỷ phú có gốc từ bất động sản.

Sàn chứng khoán Việt Nam năm 2016 ghi nhận top 10 người giàu nhất, với 7 trong số đó (tính đến 6/3) có nguồn từ kinh doanh “đất”. Việc này đã làm dấy lên nhiều quan ngại, mà như chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan từng ưu tư: “Đất đai ở Việt Nam theo luật pháp thuộc sở hữu toàn dân, do đó, khi một số người khai thác mảng tài sản này và giàu lên nhanh chóng lại không minh bạch các thông tin dễ gây nên những bức xúc và dấu hỏi về sự giàu có của họ. Đấy là vấn đề”.

Tâm tư của bà Phạm Chi Lan cũng là tâm tư của nhiều người khác khi được hỏi vấn đề này. Nó trở thành một nỗi lo lắng chung khó lòng định lượng được của cộng đồng.

Tuy nhiên, nếu bỏ qua tất cả những vấn đề này, cho rằng việc kinh doanh của những người này là hợp pháp vì trên thực tế, những điều tiêu cực được gắn cho những công ty này đều không có bằng chứng xác tín thì họ cũng tạo ra được nhiều giá trị hữu ích đối với nền kinh tế.

Trao đổi với chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong, ông cho biết mặc dù chưa có một tổng kết đánh giá nào cụ thể để định lượng được những đóng góp của những tỷ phú bất động sản này, nhưng cũng có nhiều điều có thể nhìn thấy được.

Đó là những công trình lớn mang tính chất chuyên nghiệp, giúp thay đổi cảnh quan, đồng thời, tạo ra thị trường có tổ chức an toàn thay vì những hoạt động tự phát thiếu tính chuyên nghiệp. Những tập đoàn lớn này cũng tạo ra nhiều công ăn việc làm. Ví dụ, theo báo cáo hợp nhất của tập đoàn Vingroup năm 2015, tập đoàn này đã giúp cho 29.192 người có việc làm, thu nhập bình quân đầu người là 9,3 triệu đồng/tháng. Con số này ở tập đoàn FLC là 347 người, thu nhập là 16,6 triệu đồng/tháng.

Hay như việc tập đoàn FLC đầu tư vào bãi biển ở Thanh Hoá đã tạo ra sự thay đổi lớn cảnh quan ở đây khi đã xây dựng lên một khu nghỉ dưỡng với chuẩn mực 5 sao, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Tất nhiên, trong quá trình xây dựng đã xảy ra nhiều sự cố không mong muốn, nhưng nếu nhìn theo thuyết vị lợi của Jeremy Bentham (1748 – 1832) việc đúng là nên làm là bất cứ việc gì tối đa hoá sự hữu ích, điều gì sẽ làm cho cộng đồng, tổng chung được hạnh phúc nhất.

Thế kiềng ba chân PFK và lý do tỷ phú bị ghét bỏ

Trong cuốn sách mới nhất của ông Nguyễn Đình Thành, chuyên gia về truyền thông có nhắc đến một mô hình kiềng ba chân PFK. Trong đó: P là Politics – quan hệ giữa con người với con người, F là Force – các nguồn lực và tác động kinh tế; K là Knowlegde – công nghệ, kỹ thuật, kỹ năng. Mọi xung đột, khiến một công ty bị khủng hoảng, bị ghét, đều xuất phát từ việc “hổng” một trong 3 thế chân kiềng này.

Lấy ví dụ ở trường hợp của tập đoàn SunGroup năm 2015 với việc xây dựng cáp treo trên đỉnh Fanssipan bị cư dân mạng phản đối, ông Thành cho rằng lý do chính là yếu tố K – công nghệ xây dựng như thế nào và P – mối quan hệ với người dân và thiên nhiên chưa được truyền thông hiệu quả.

“Nếu nhà đầu tư tập trung vào chữ P để nói về việc cáp treo giải quyết bao nhiêu công ăn việc làm cho người dân bản địa, nhiều nước phát triển đã tận dụng lợi thế từ thiên nhiên để làm kinh tế như thế nào mà vẫn giữ được thiên nhiên môi trường, việc có công ăn việc làm sẽ góp phần làm giảm tỷ lệ tế nạn xã hội, bài trừ hủ tục như thế nào. Chữ F để nói về công trình sẽ mang hiệu quả kinh tế như thế nào đối với địa phương và nâng cao thu nhập cho người dân bản địa (từ vài trăm nghìn/tháng đến vài triệu một tháng). Và chữ K tương đương với uy tín công ty thiết kế như thế nào... có lẽ sự phản đối của công chúng sẽ không mạnh mẽ đến thế. Với trường hợp của FLC cũng tương tự như vậy”, trích đoạn phân tích của ông Nguyễn Đình Thành.

Đối với trường hợp FLC xây dựng ở Thanh Hoá cũng tương tự. Đầu năm 2016, ngư dân Thanh Hoá đã đồng loạt biểu tình chống lại dự án đầu tư khu nghỉ dưỡng của tập đoàn FLC với lý do dự án này cắt đường sinh nhai của họ. Tác động kinh tế (F) của dự án không được truyền thông rõ ràng để người dân nắm được đồng thời yếu tố sinh kế của người dân cũng chưa được xử lý thoả đáng cho nên cân bằng với yếu tố P (quan hệ giữa người và người) cũng đổ vỡ. Điều này đã dẫn đến cuộc khủng hoảng trên các phương tiện truyền thông, gây hậu quả xấu đến tập đoàn cũng như danh tiếng của người đứng đầu.

Như vậy, dường như muốn được đẹp hơn trong mắt công chúng, được ghi nhận, thấu cảm vì những thứ mình làm, thế kiềng ba chân này cần được nghiên cứu nhiều hơn.

Di sản người giàu hay một cách khác để được thấu cảm

Trở lại câu chuyện của chàng siêu nhân bị ghét bỏ Hancock được dẫn ra ban đầu, sau này, anh ta đã nhận được sự giúp đỡ của một chuyên gia và thay đổi hình ảnh của mình, cách ứng xử, quần áo, cách nói năng và dần được yêu mến.

Đó cũng chính là câu chuyện của gia đình vua dầu mỏ Rockerfeller đầu thế kỷ 20. Theo đó, dù những người mang họ này tạo ra nhiều công ăn việc làm nhưng vẫn bị công chúng và báo chí nghi kỵ.

“Rockerfeller con không thích tiếp xúc với báo chí hay đưa ra các tuyên ngôn. Theo lời khuyên của Ivy Lee, một trong 2 người được coi là cha đẻ của PR hiện đại, gia đình Rockerfeller đổ tiền làm từ thiện, bảo trợ nghệ thuật. Đồng ý nói chuyện với báo giới, cho họ quay phim chụp ảnh. Sau hàng chục năm hoạt động, thay đổi này làm cho công chúng từ chỗ có ác cảm, hoặc không hiểu đã chuyển cảm tình và khâm phục những hoạt động này”, ông Nguyễn Đình Thành cho biết.

Thực tế, những hoạt động từ thiện mạnh mẽ ban đầu của Rockefeller bao gồm việc tài trợ thành lập Trường Y tế công cộng trực thuộc Đại học Harvard và Trường Y tế công cộng Johns Hopkins hay những bảo trợ nghệ thuật đã trở thành những di sản bền vững của dòng họ này, được công chúng nhắc đến với thái độ tôn trọng.

Trong số những tỷ phú bất động sản giàu nhất sàn chứng khoán, ông Phạm Nhật Vượng cũng đang có những đóng góp hào phóng vào Quỹ trái tim nhân ái do chính ông sáng lập. Bằng chứng là ông đã tài trợ hàng triệu đô la nhằm giúp cho các cộng đồng nghèo xây dựng nhà ở cũng như thực hiện các chương trình xã hội khác.

Tâm lý ghét, nghi kỵ người giàu có lẽ là một căn tính của con người, không dễ gì mà thay đổi. Tuy nhiên, cũng cần có cái nhìn bao dung hơn, nhìn vào tổng hoà lợi ích và nhìn được sâu vào bên trong hơn. Cũng phải nói ngược trở lại, các tỷ phú cũng nên để cho công chúng có thể hiểu mình, bởi lẽ, nếu không bước ra, không minh bạch từ chính bản thân, thì dù tốt, cũng chẳng ai có thể thấu cảm được.

Nam Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên