Tỷ phú bị chê cười vì chi hơn 107 tỷ đồng mua 2.000 mẫu đất sa mạc trồng 1 loại cây: 10 năm sau tiền về không ngớt, cơ nghiệp mở rộng gấp 5 lần ban đầu
Bị người nhà ngăn cấm, bạn bè chê cười vì rót tiền vào một dự án đầy rủi ro, tỷ phú Trung Quốc vẫn quyết tâm thực hiện bằng được. Kết quả sau đó khiến ai cũng phải ngả mũ khâm phục.
- 05-11-2024Nghỉ việc tại Big Tech với thu nhập 7,5 tỷ đồng/năm để khởi nghiệp, cô gái trẻ đi làm không không có lương, bị bạn bè cho là ‘ngốc nghếch, mạo hiểm’
- 17-10-2024Cả đời làm công nhân, 50 tuổi khởi nghiệp thất bại, 55 tuổi trở thành tỷ phú: “Ngày tôi quyết tâm khởi nghiệp lần 2, không một ai ủng hộ”
- 12-09-2024Chàng trai sinh năm 1995 sở hữu công ty hàng trăm tỷ đồng nhờ Tiktok: Khởi nghiệp vì muốn có thêm một chút tiền tiêu!
Tỷ phú biến sa mạc thành vàng
Năm 2008, Trương Trì, một tỷ phú hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, trong một lần nói chuyện với bạn đã được nghe về dự án xóa đói giảm nghèo ở Ninh Hạ - khu tự trị của dân tộc Hồi của Trung Quốc. Theo đó, đây là nơi có hành lang trồng nho rộng hàng nghìn mẫu đất. Còn dự án xây dựng nhà máy sản xuất rượu vang sắp được tiến hành sẽ phần nào giúp người dân có thêm việc làm và cải thiện thu nhập. Biết Trương Trì luôn hứng thú với những dự án đầu tư, người bạn này rủ ông cùng đi thực địa. Đại gia BĐS này nghe vậy không chút do dự mà đồng ý ngay.
Sau khi đến sa mạc Gobi ở Ninh Hạ, cả hai bị ấn tượng bởi những bãi cát dài, trải rộng mênh mông. Tuy nhiên, dưới cái nóng oi bức ở đây, người bạn của Trương Trì không thể chịu đựng được mà quay về khách sạn trước. Riêng ông vẫn quyết định đi theo đoàn đầu tư và khám phá vùng đất này.
Khi đi ngang qua một ngôi làng, đoàn của họ bắt gặp một đứa trẻ quần áo rách tả tơi. Qua thăm hỏi, Trương Trì biết được rằng cậu bé rất mong các ông chủ lớn đầu tư vào vùng đất này để cha mẹ cậu và những người dân ở đây có tiền cho con cái đi học. Hiểu được mong ước của cậu bé, Trương Trì nghẹn ngào gật đầu và tự hứa với bản thân nhất định phải giúp người dân nơi đây có cuộc sống tốt hơn.
Sau khi quyết định đầu tư vào dự án trên, tỷ phú Trương Trì lập tức chi 30 triệu NDT (hơn 107 tỷ đồng) để mua 2.000 mẫu đất sa mạc để trồng nho. Hành động này của ông được cho là ngông cuồng và mạo hiểm nên bị gia đình phản đối. Thậm chí, nhiều người bạn còn cho rằng Trương Trì bị điên mới dám nhận dự án này.
Tuy nhiên, đại gia BĐS này dường như không quan tâm đến lời khuyên của mọi người, thay vào đó, ông vẫn kiên trì với quyết định ban đầu của mình. Nguyên nhân một phần cũng vì sau quá trình nghiên cứu, Trương Trì nhận ra rằng sa mạc Gobi hoang vắng này thực sự là một vùng đất kho báu.
Theo đó, ở chân núi Helen phía đông ở Ninh Hạ, thời gian nắng kéo dài, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn, lượng mưa thấp, rất thuận lợi cho việc tích tụ glucose ở cây nho. Với món quà từ tự nhiên này, Trương Trì tin chắc rằng “bãi cát khô cằn” mình đang vun xới sẽ có ngày trở thành “bãi cát vàng” và có thể giúp bà con nơi đây thoát nghèo.
Đổ mồ hôi và tiền bạc để thu về quả ngọt
Nghĩ là làm, tỷ phú này lập tức chi tiền thuê và ký hợp đồng dài hạn với hơn 500 hộ dân. Ông cũng chi tiền khủng mời các kỹ thuật viên giỏi đến xây dựng các kênh dẫn nước từ sông Hoàng Hà đến sa mạc Gobi cho mục đích tưới tiêu; chi tiền trồng hơn 3 triệu cây dương nhằm xây bức tường xanh bảo vệ vườn nho và cho xây những hàng rừng phòng hộ quanh làng.
Đặc biệt, Trường Trì cũng đầu tư hệ thống lọc nước từ Israel nhằm giúp người dân ở đây có nước sạch để uống. Trong thời kỳ khai hoang, bản thân tỷ phú này cũng đi giày cao su, đội mũ rơm, vác cuốc làm việc với người dân.
Tuy nhiên, nhiêu đó là chưa đủ, tỷ phú này cho rằng muốn nấu được rượu vang chất lượng cao thì cần phải qua tay những người thợ lành nghề. Do đó, ông đã mạnh tay chi tiền thuê đội ngũ chuyên gia từ Pháp đến để hướng dẫn toàn bộ quy trình sản xuất.
Có công mài sắt, có ngày nên kim. Năm 2015, sản phẩm đầu tiên do nhà máy của Trương Trì xuất hiện trên thị trường. Với hương vị thơm ngon và đặc trưng, sản phẩm rượu của tỷ phú này được các chuyên gia đánh giá cao và cho rằng chất lượng không thua kém gì rượu vang ngoại. Tuy nhiên, khó khăn xảy ra khi người tiêu dùng vẫn chọn mua những thương hiệu ngoại quen thuộc thay vì một thương hiệu mới.
Để giải quyết bài toán này, năm 2018, Trương Trí quyết định tham gia Cuộc thi rượu vang quốc tế Pháp như một cách để quảng bá sản phẩm. Bất ngờ thay, sản phẩm của ông giành được huy chương vàng trong lần đầu tiên xuất hiện trên trường quốc tế, trở thành đại diện đầy triển vọng trong ngành chế biến này. Sau cuộc thi này, thương hiệu rượu của Trương Trí cũng trở nên vô cùng nổi tiếng, nhận được nhiều đơn đặt hàng ở Trung Quốc lẫn quốc tế. Tầm ảnh hưởng không ngừng được mở rộng.
Với sự phát triển đó, cơ nghiệp của tỷ phú này cũng ngày càng mở rộng. Từ 2.000 mẫu đất trồng nho ban đầu đã nhân rộng thành 10.000 mẫu với quy trình sản xuất cao cấp và kỹ thuật ủ cổ xưa, giúp nhà máy sản xuất hơn 10 triệu sản phẩm mỗi năm. Không những thế, vườn nho của Trương Trí luôn tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân địa phương và giúp họ có cuộc sống tốt hơn. Cái tâm và cái tầm của doanh nhân này cũng khiến nhiều doanh nhân Trung Quốc khác phải nể phục.
(Theo Sohu)
Đời sống và Pháp luật