Tỷ phú giàu thứ hai Thái Lan toan tính gì khi 'bạo chi' gần 5 tỷ USD mua cổ phần Sabeco?
Khi thực hiện thương vụ với Sabeco, có vẻ như thời gian gần đây, tập đoàn của Thái Lan đã tỏ ra rất thích thú đối với thị trường Việt Nam với lượng dân số trẻ và đông, khoảng 90 triệu người.
- 25-12-2017Bộ Tài chính đã đưa ra câu trả lời 5 tỷ USD thu về từ bán cổ phần Sabeco dùng làm gì
- 24-12-2017Sau thương vụ Sabeco: Không lo mất thương hiệu, lo dùng vốn hiệu quả
- 22-12-2017ThaiBev chính thức lên tiếng thương vụ mua Sabeco
Mạnh tay chi tiền phục vụ tham vọng mở rộng sang lĩnh vực đồ uống và bất động sản, tỷ phú tự thân Thái Lan Charoen Sirihadhanabakdi được nhiều người coi là "vua M&A tại thái Lan".
Ông đã củng cố danh vị này bằng việc thông qua Thai Beverage – doanh nghiệp chủ chốt của tập đoàn TCC Group tham gia đấu giá thành công mua một lượng lớn cổ phần Sabeco – hãng bia lớn nhất Việt Nam vào tháng này. Mức giá 4,8 tỷ USD của thương vụ khiến nhiều đơn vị muốn mua trước đó đã phải rút lui.
Sabeco chiếm hơn 1 nửa thị phần bia tại Việt Nam và sau thương vụ này, nhiều người ví họ như là viên đá quý mới nhất được bổ xung vào chiếc vương miện của TCC Group. Trước đó, tập đoàn này cũng đã thâu tóm nhà sản xuất đồ uống Oishi Group, Big C Thái Lan, Berli Jucker – công ty có tuổi đời 130 năm. Trong khu vực, TCC cũng thâu tóm được F&N – tập đoàn đồ uống khổng lồ của Singapore.
Có vẻ như thời gian gần đây, tập đoàn của Thái Lan đã tỏ ra rất thích thú đối với thị trường Việt Nam với lượng dân số trẻ và đông, khoảng 90 triệu người. Năm 2015, chính TCC đã mua chi nhánh Metro Việt Nam. Năm ngoái, tập đoàn này cũng nâng lượng cổ phần mà F&N nắm giữ tại Vinamilk từ 11 lên 20%.
Charoen là tỷ phú khá kín tiếng và ông thường tránh các phương tiện truyền thông. Trong một cuộc gặp gỡ hiếm hoi với phóng viên vào năm 2012, tại sự kiện mở nhà máy đóng chai tại Việt Nam, ông có phát biểu rằng: "Chúng tôi phải nỗ lực cung cấp càng nhiều lựa chọn sản phẩm càng tốt. Và đó phải là sản phẩm mà người tiêu dùng Việt Nam thực sự muốn chứ không phải thứ gì đó đắt tiền".
Với khối tài sản 19,3 tỷ USD, Charoen xếp vị trí thứ 2 chỉ sau Dhnin Chearavanont – chủ tịch tập đoàn Charoen Pokphand Group trong bảng xếp hạng những người giàu có nhất Thái Lan củai Forbes năm 2017.
Là con trai của người bán bánh tráng rong tại khu phố Tàu ở Bangkok nên không ngạc nhiên khi Charoen trở thành doanh nhân trong lĩnh vực đồ uống thực phẩm. Sau khi bỏ học sớm, ông bán hàng hóa trên đường phố và sau đó trở thành nhà cung cấp cho các nhà máy chưng cất rượu.
Khi chính phủ quyết định cho tự do hoá ngành rượu vào cuối năm 1970 đến đầu 1980, Charoen đã có được giấy phép sản xuất rượu Sangsom. Ông sau đó đã hợp nhất với Mekhong - thương hiệu sản xuất rượu. Cả hai thương hiệu hiện vẫn còn phổ biến và hoạt động tốt.
Tỷ phú 73 tuổi Charoen đang mở rộng vững chắc mảng kinh doanh của mình thông qua các thương vụ M&A và hợp tác. Năm 1995, Beer Chang được ra mắt thị trường thông qua liên doanh với Carlsberg của Đan Mạch. Thời điểm đó, thị trường đang bị thống trị bởi hãng Boonrawd Brewery - nhà sản xuất bia Singha.
Bia Chang đã có thời điểm thụt lùi nhưng sau đó lấy lại vị trí dẫn đầu thị trường với 54% cổ phần. Mặc dù liên doanh với Carlsberg kết thúc vào năm 2003, bia Chang vẫn vượt trên Singha nhưng sau đó bị Leo - một dòng bia rẻ hơn của Boonrawd dẫn trước.
Charoen là một người gốc Hoa. Dẫu vậy các kết nối ở Trung Quốc của TCC không rõ nét như các tập đoàn khác ở Thái Lan. Thay vào đó, Charoen lại có quan hệ mật thiết với chính phủ Thái Lan và hoàng gia.
Giống như nhiều doanh nghiệp Thái khác, TCC có nguồn dự trữ tài chính khổng lồ liên quan tới các tài sản bất động sản được sở hữu bởi những chi nhánh chưa niêm yết. Theo dữ liệu năm 2014, TCC là chủ sở hữu tư nhân lượng đất đai lớn bậc nhất tại Thái Lan với 100.800 hecta - số lượng tương đương 2/3 tổng diện tích Bangkok.
Tập đoàn này đã đa dạng hoá sang mảng bất động sản với tổ hợp thương mại, khách sạn và giải trí. Dự án mới nhất của họ là One Bangkok là dự án phát triển bất động sản tư nhất lớn nhất quốc gia này với chi phí dự kiến 3,6 tỷ USD.
Phillip Securites dự kiến khoảng 36 tỷ baht (tương đương hơn 1 tỷ USD) là khoản tiền Thai Beverage cần vay để phục vụ thương vụ mua cổ phần Sabeco cùng một vài nhà máy chưng cất rượu ở Myanmar vừa rồi. Một vài chuyên gia bày tỏ sự nghi ngờ về khả năng tài chính vững chắc của Thai Beverage. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng công ty này có sở hữu 28% cổ phần Frasers Centrepoint tại Singapore thông qua một công ty đầu tư. "Nếu Thai Beverage xem đó là khoản nợ quá lớn, họ có thể trả lại khoản vay này bằng cách bán cổ phần cho các công ty thành viên".
Hiện tại rất nhiều doanh nghiệp đồ uống thực phẩm của tập đoàn TCC đã niêm yết nhưng chưa có bất kỳ công ty nào về bất động sản và tài chính IPO cả.
Có vẻ như các nhà đầu tư tỏ ra lo ngại về những tác động trong ngắn hạn của khoản đầu tư khổng lồ mà TCC vừa rót vào Sabeco. Bằng chứng là cổ phiếu của hãng đã giảm 6% một tuần sau công bố về thương vụ được đưa ra.
Trí Thức Trẻ/Nikkei