Tỷ phú tương ớt gốc Việt chịu "cơn sóng nhiệt": nguồn hàng thiếu hụt 2 năm liên tiếp, giá bán có khi lên đến 3 triệu đồng/chai
“Giờ hết sạch rồi”, Andre Nguyen, người làm phục vụ cho biết gia vị cần thiết cho nhiều món ăn, từ phở đến cơm đang thiếu trầm trọng.
- 03-07-2023Trung Quốc, Ấn Độ ‘vớ bẫm’ nhưng đây mới là những người kiếm tỷ USD ‘trong 1 nốt nhạc’ nhờ dầu Nga
- 03-07-2023Giá vé máy bay hè giảm mạnh
- 03-07-2023Đây là nguyên nhân chính kìm hãm giá dầu trong năm 2023
Theo The Guardian, những người yêu thích Sriracha ở khắp mọi nơi đang cảm thấy khó chịu khi tình trạng thiếu loại tương ớt nổi tiếng bước sang năm thứ hai. Hạn hán ở Mexico đã dẫn đến tình trạng khan hiếm ớt, đặc biệt là ớt jalapeños đỏ, nguyên liệu thô của Sriracha.
Điều này khiến Huy Fong Foods - nhà sản xuất loại tương ớt mang tính biểu tượng có trụ sở tại California - phải thu hẹp quy mô sản xuất.
“Trồng Jalapeños quả thực tốn rất nhiều công sức, đòi hỏi mọi người phải loại bỏ cuống bằng tay trước khi đem đi chế biến”, Stephanie Walker, nhà khoa học thực vật tại Đại học Bang New Mexico, cho biết.
Loại cây trồng này đòi hỏi sự chăm sóc đặc biệt và chúng dễ bị tổn thương hơn nhiều trước các điều kiện thời tiết khắc nghiệt, chẳng hạn như hạn hán kéo dài ở miền Bắc Mexico, do nguồn cung cấp nước cạn kiệt ở sông Colorado.
Paul Gepts, nhà nghiên cứu cây trồng tại Đại học California, Davis cho biết: “Thông thường, ớt được trồng bằng phương pháp tưới tiêu. Nhưng nguồn cung cấp nước đang giảm dần và nếu không có một lượng nước tối thiểu nhất định để tưới cho cây trồng, thì mùa màng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề trừ khi có mưa”.
Có 5 loại ớt, trải dài khắp châu Mỹ, từ Mexico đến Bolivia, có độ cay thích hợp cho tương ớt Sriracha. Nhưng những người hâm mộ loại nước sốt có nắp xanh có thể nhận ra sự khác biệt và ưa thích hương vị nguyên bản hơn.
Phans 55, nhà hàng Việt ở quận Cam, California, đã cạn kiệt nguồn cung Sriracha trong 3 tháng qua.
“Giờ hết sạch rồi”, Andre Nguyen, người làm phục vụ, nói thêm nước sốt cần thiết cho nhiều món ăn, từ phở đến cơm.
“Hương vị của Sriracha rất độc đáo, rất khó để bắt chước”, Nguyen nói. “Mọi người đều thích Sriracha hơn là một nhãn hiệu khác đang cố sao chép nó”.
Các đại lý trên trang thương mại eBay bán tương ớt với 2 dung tích khác nhau từ 39,98 - 70 USD (khoảng 943.000 đồng - 1,6 triệu đồng). Nếu thêm phí vận chuyển, mức giá còn tăng cao hơn nhiều. Thậm chí trên trang Amazon, chai tương ớt này còn có giá lên tới 124 USD (khoảng 2,9 triệu đồng). Trong khi đó, bình thường một chai tương ớt chỉ có giá 5 USD.
Một đại diện của Huy Fong Foods cho biết mặc dù “việc sản xuất hạn chế gần đây đã được nối lại”, công ty cũng không thể ước tính khi nào nguồn cung sẽ tăng hoặc khi nào nó sẽ tiếp tục được bày lên kệ siêu thị.
Sriracha là thương hiệu tương ớt thuộc công ty Huy Fong Foods do ông David Tran thành lập. Công ty Huy Fong chuyên sản xuất tương ớt Sriracha theo công thức có nguồn gốc từ Thái Lan.
Hơn 40 năm, tương ớt Sriracha đã có mặt trên seri phim truyền hình Survivor, Trạm Vũ trụ Quốc tế và các bàn ăn trên khắp thế giới. Theo công ty nghiên cứu thị trường NPD, 10% hộ gia đình Mỹ sử dụng chai tương ớt in logo con gà trống, với phần nắp màu xanh lá cây.
Sriracha trở thành sản phẩm đứng thứ ba trong thị trường tương ớt trị giá 1,5 tỷ USD của Mỹ, sau Tabasco của gia đình Mcllhenny và Frank's Redhot thuộc tập đoàn gia vị McCorrmick&Co.
Tương ớt huyền thoại của Huy Fong với vị cay nồng đặc trưng của ớt tươi, vị chua nhẹ của giấm và tỏi thơm nồng. Chúng được sử dụng trong hầu hết mọi món ăn, từ pizza, sushi, đến mì ống hoặc phở.
Công ty Huy Fong hiện nay có giá trị một tỷ USD, dựa trên doanh thu ước tính 131 triệu USD năm 2020, theo công ty nghiên cứu IBISWorld. Điều này biến ông Tran, 77 tuổi, người sở hữu toàn bộ công ty, trở thành tỷ phú tương ớt duy nhất tại Mỹ.
Sriracha trở thành thương hiệu khổng lồ mà không tốn một xu để quảng cáo cũng như chưa bao giờ tăng giá bán từ đầu những năm 1980. Huy Fong đã vượt qua nhiều khủng hoảng, như vụ kiện về mùi lạ ở nhà máy và gần đây là tình trạng thiếu ớt do mất mùa năm ngoái buộc công ty tạm ngừng sản xuất, khiến doanh số bán lẻ tăng đột biến khi những người tiêu dùng tăng cường tích trữ.
“Tôi muốn tiếp tục tạo ra những sản phẩm chất lượng tốt. Tôi không nghĩ nhiều đến việc kiếm thêm lợi nhuận đâu”, David Trần chia sẻ với Forbes.
Tham khảo: The guardian, CNN
Nhịp sống thị trường