MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

U40 thu nhập khá, nhưng mua nhà bằng lương vẫn là chuyện "xa xỉ": Đi vay thì sợ nợ nần, không mua sớm thì sợ giá tăng

12-04-2023 - 20:00 PM | Sống

U40 thu nhập khá, nhưng mua nhà bằng lương vẫn là chuyện "xa xỉ": Đi vay thì sợ nợ nần, không mua sớm thì sợ giá tăng

Sở hữu một căn nhà, tất nhiên, là mơ ước của đa số người trẻ. Thế nhưng để thực hiện mơ ước ấy thì bài toán với người trẻ tuổi càng ngày càng khó hơn.

photo-1681102738811

‏Anh N.V (39 tuổi) cho biết, ra trường từ năm 2007, tới giờ đã đi làm hơn 16 năm, sở hữu mức lương khá nhưng với anh, chuyện mua nhà bằng thu nhập của bản thân vẫn rất "xa xỉ".‏

‏"Khi mới tốt nghiệp, mức lương còn thấp, đó là thời điểm tôi chấp nhận đi thuê phòng trọ giá rẻ. Chi phí sinh hoạt hàng tháng cũng cắt giảm được chỗ nào, hay chỗ ấy, chẳng dám la cà quán xá hay tụ tập bạn bè. Sau 1-2 năm, mức thu nhập tăng lên khoảng hơn 10 triệu - 12 triệu đồng/tháng. Quen sống tiết kiệm nên tôi cũng để ra được khoảng 5 triệu đồng. Trung bình với mức sống và mức thu nhập như vậy, mỗi năm tôi có khoảng 60 triệu đồng, và sau 4 năm có khoảng 240 triệu đồng. ‏

‏Năm 2011, tôi cưới vợ và có con đầu lòng. Lúc này, tôi nhảy việc và làm thêm một số việc tay trái, thu nhập cán mốc 1.000 USD/tháng. Thế nhưng mọi thứ vẫn vậy, vì phát sinh thêm nhiều chi phí từ lúc có con."‏

‏"Cuối cùng, 16 năm đi làm, giờ tôi đã có nhà trong tay, nhưng nói thật đó là căn nhà mua được từ tiền bán đất của bố mẹ cho. Chứ nếu muốn mua nhà bằng tiền lương, đó vẫn là một giấc mơ xa xỉ lắm", anh cho biết.‏

photo-1681102744671

‏Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững vào sáng 17/02/2023, tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho biết giá bất động sản tại Việt Nam đang ở mức tương đối cao so với thu nhập của đa số người dân. Nếu một gia đình muốn mua một căn hộ hay căn nhà có giá 3 tỷ đồng, thì họ phải bỏ ra hơn 10 triệu đồng/tháng trong 23 năm rưỡi mới có thể mua được.‏

‏Ở thông số này, Việt Nam đứng thứ 14/107 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tương đương Thái Lan, Hàn Quốc (trong khi thu nhập của người Việt Nam thấp hơn 2 quốc gia này). Và với hơn 23 năm, thời gian để người Việt Nam hoàn thành ước mơ có một căn nhà lâu hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực. Có thể thể kể đến như Indonesia (18,5 năm), Singapore (15,5 năm), Ấn Độ (9,2 năm) và Malaysia (8,1 năm)...‏

photo-1681102748439

‏Nếu đặt mục tiêu mua nhà từ sớm, bằng chính thu nhập của mình làm ra, nhiều người chấp nhận phải gồng gánh những khoản nợ khổng lồ có thể kéo dài tới 1/3 cuộc đời.‏

‏Bản thân anh M.H (23 tuổi) là một ví dụ điển hình. "Mình xác định bản thân có thể sẽ trả nợ từ 16-18 năm thì mới hoàn toàn sở hữu được căn nhà này", anh cho biết.‏

‏Để làm được điều này, mức thu nhập mà anh cần đảm bảo là khoảng 25 triệu đồng/tháng. Đây là con số tối thiểu để anh vừa sinh hoạt giữa thành phố lớn đắt đỏ, vừa trả nợ vay ngân hàng để mua nhà.‏

‏"Ở thời điểm mua, căn hộ của mình có giá 2,9 tỷ đồng. Với khoảng 700 triệu đồng được hỗ trợ từ cha mẹ, mình vay thêm 2,2 tỷ đồng. Đó là con số may mắn, vì sau đó, giá nhà tiếp tục tăng lên. Nếu quyết định chậm một bước, có thể khoản nợ sẽ phải kéo dài lên tới 20 năm", anh chia sẻ. ‏

‏"Khi đó, trả nợ xong, chắc mình gần 45 tuổi, mà căn nhà cũng cũ kỹ, xuống cấp dần rồi."‏

photo-1681102751228

‏Chị Hương (32 tuổi) cũng đang trong quá trình trả nợ giống anh M.H, nhưng có tinh thần lạc quan hơn nhiều.‏

‏"Vợ chồng mình mua nhà cách đây 5 năm khi mới lấy nhau. Ban đầu, cả hai dự tính sẽ trả nợ trong 15 năm, nhưng vì thấy con số khá dài, ai cũng hơi nản. Thế nhưng đến khi thực hiện mới thấy chỉ cần khéo vun vén, cuộc sống vẫn khá tốt chứ không quá áp lực tiền bạc như mình vẫn sợ."‏

‏"Thay vì hàng tháng tốn 8-10 triệu đồng để thuê nhà, nhà mình chỉ cần tập trung tiết kiệm thêm một khoản, sau đó mang đi trả nợ. Thu nhập của hai vợ chồng cũng tăng lên theo từng năm, thỉnh thoảng còn được thưởng nóng, thưởng định kỳ nửa năm… Nhà mình không bao giờ chi tiêu hết ngay, mà đều giữ lại và coi đây là khoản tiền dùng để bù đắp chi phí phát sinh bất ngờ, dùng cho lúc khẩn cấp. Nhờ vậy mà cuộc sống gia đình vẫn khá ổn, chưa gặp vấn đề gì."‏

‏"Nếu thu nhập tăng lên, có thể gia đình sẽ sớm trả hết nợ", chị cho biết.‏

Phương Thùy

Thể thao & Văn hóa

Trở lên trên