UBCKNN vừa công bố dự thảo quan trọng nhằm gỡ nút thắt “prefunding” cho nhà đầu tư nước ngoài, hướng tới nâng hạng thị trường
Theo quy định hiện hành, nhà đầu tư nước ngoài phải ký quỹ 100% giao dịch, và đây được coi là điểm nghẽn cần được gỡ bỏ trong tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán.
Sau thời gian lấy ý kiến các đối tượng chịu sự tác động theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về Giao dịch chứng khoán (GDCK) trên hệ thống GDCK; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán (CTCK) và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán (TTCK).
Dự thảo Thông tư có một số nội dung đáng chú ý liên quan đến giao dịch ký quỹ của nhà đầu tư nước ngoài như sau:
(1) Bổ sung Điều 9a "Giao dịch mua cổ phiếu của nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức" vào sau Điều 9 của Thông tư số 120/2020/TT- BTC ngày 31/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định giao dịch cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch và chứng chỉ quỹ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng quyền có bảo đảm niêm yết trên hệ thống GDCK.
- CTCK thực hiện đánh giá rủi ro thanh toán của nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức để xác định mức tiền phải có khi đặt lệnh mua cổ phiếu (nếu có) theo thỏa thuận giữa CTCKvà nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức.
- Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức không thực hiện thanh toán đủ cho giao dịch mua cổ phiếu, nghĩa vụ thanh toán phần còn lại được chuyển cho CTCK nơi nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức đặt lệnh thông qua tài khoản tự doanh, ngoại trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này.
- CTCK được bán thỏa thuận trên hệ thống giao dịch chứng khoán hoặc chuyển quyền sở hữu ngoài hệ thống giao dịch chứng khoán theo quy định tại điểm q1 khoản 2 Điều 6 Thông tư 119/2020/TT-BTC ngày 31/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán đối với số cổ phiếu đã chuyển về tài khoản tự doanh của mình cho nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức thiếu tiền thanh toán giao dịch mua cổ phiếu theo quy định tại khoản 2 Điều này chậm nhất vào ngày giao dịch liền kề sau ngày cổ phiếu được hạch toán vào tài khoản tự doanh của CTCK trong trường hợp giao dịch này không làm vượt quá hạn mức tối đa về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định pháp luật đối với cổ phiếu đó. Các khoản tài chính phát sinh khi thực hiện giao dịch theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này được thực hiện theo thỏa thuận giữa công ty chứng khoán và nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức hoặc đại diện theo ủy quyền của nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức.
- Ngoại trừ giao dịch được quy định tại khoản 3 Điều này, CTCK thực hiện bán cổ phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán. Các khoản tài chính phát sinh khi thực hiện giao dịch theo quy định tại khoản 2, khoản 4 Điều này được thực hiện theo thỏa thuận giữa CTCK và nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức hoặc đại diện theo ủy quyền của nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức.
- Ngân hàng lưu ký nơi nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức mở tài khoản lưu ký chứng khoán chịu trách nhiệm thanh toán số tiền thiếu hụt và các chi phí phát sinh (nếu có) trong trường hợp xác nhận sai số dư tiền gửi của nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức với công ty chứng khoán dẫn tới thiếu tiền thanh toán giao dịch mua cổ phiếu.
Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 7 của Thông tư số 120/2020/TT- BTC: Nhà đầu tư phải có đủ tiền khi đặt lệnh mua chứng khoán, ngoại trừ các giao dịch sau:
- Giao dịch ký quỹ theo quy định tại Điều 9 Thông tư này.
- Giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền khi đặt lệnh của nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức theo quy định tại Điều 9a Thông tư này.
(2) Bổ sung điểm q1 sau điểm q khoản 2 Điều 6: Chuyển quyền sở hữu đối với số cổ phiếu đã chuyển về tài khoản tự doanh của CTCK quy định tại khoản 2 Điều 35a Thông tư này sang tài khoản nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức trong trường hợp việc bán thỏa thuận trên hệ thống giao dịch chứng khoán theo quy định tại khoản 3 Điều 9aThông tư 120/2020/TT-BTC ngày 31/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định giao dịch cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch và chứng chỉ quỹ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng quyền có bảo đảm niêm yết trên hệ thống giao dịch chứng khoán không thực hiện được do giá chuyển nhượng cổ phiếu nằm ngoài biên độ giá hoặc khối lượng cổ phiếu không đáp ứng khối lượng giao dịch tối thiểu của Sở giao dịch chứng khoán tại ngày thực hiện chuyển quyền sở hữu.
Bổ sung Điều 35a vào sau Điều 35: Thanh toán giao dịch mua cổ phiếu của nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức quy định tại Điều 9a Thông tư số 120/2020/TT-BTC ngày 31/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định giao dịch cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch và chứng chỉ quỹ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng quyền có bảo đảm niêm yết trên hệ thống giao dịch chứng khoán.
- Nhà đầu tư tổ chức nước ngoài phải có đủ tiền trên tài khoản để thanh toán cho các giao dịch mua chứng khoán của mình trước thời điểm thành viên lưu ký xác nhận kết quả giao dịch chứng khoán với Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC). Việc bù trừ, thanh toán GDCK được thực hiện theo quy định pháp luật và quy chế của VSDC.
- Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức đặt lệnh mua cổ phiếu không thực hiện thanh toán đủ theo quy định tại khoản 2 Điều 9a Thông tư số 120/2020/TT-BTC ngày 31/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định giao dịch cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch và chứng chỉ quỹ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng quyền có bảo đảm niêm yết trên hệ thống giao dịch chứng khoán, VSDC thực hiện chuyển nghĩa vụ thanh toán tiền giao dịch mua cổ phiếu còn lại của nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức thành nghĩa vụ của công ty chứng khoán nơi nhà đầu tư đặt lệnh mua cổ phiếu (qua tài khoản tự doanh của công ty chứng khoán) tại ngày thanh toán, căn cứ vào các thông báo sau đây:
a) Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức mở tài khoản lưu ký tại công ty chứng khoán, công ty chứng khoán thông báo cho Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam về việc nhà đầu tư nước ngoài không đủ tiền thanh toán giao dịch mua cổ phiếu và thông tin giao dịch đề nghị chuyển thành nghĩa vụ thanh toán của công ty chứng khoán.
b) Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức mở tài khoản lưu ký tại ngân hàng lưu ký, ngân hàng lưu ký thông báo cho Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam về việc nhà đầu tư nước ngoài không đủ tiền thanh toán giao dịch mua cổ phiếu và từ chối thanh toán giao dịch thiếu tiền đó.
- CTCK phải đảm bảo đủ nguồn tiền để thanh toán cho giao dịch theo quy định tại khoản 2 Điều này. CTCK bị xử lý viphạm theo quy định pháp luật và Quy chế của VSDC trong trường hợp không đảm bảo thực hiện nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều này.
(3) Sửa đổi khoản 8 Điều 16 như sau: Trường hợp khách hàng mở tài khoản lưu ký tại thành viên lưu ký không phải là thành viên giao dịch, thành viên giao dịch và thành viên lưu ký phải ký hợp đồng thỏa thuận trách nhiệm đảm bảo nguyên tắc thành viên giao dịch chịu trách nhiệm thực hiện lệnh giao dịch, thành viên lưu ký chịu trách nhiệm kiểm tra số dư tiền, chứng khoán của khách hàng và đảm bảo thanh toán cho khách hàng theo quy định pháp luật, trừ trường hợp CTCK nhận lệnh mua cổ phiếu của nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức khi chưa đủ tiền theo quy định tại Điều 9a Thông tư 120/2020/TT-BTC ngày 31/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định giao dịch cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch và chứng chỉ quỹ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng quyền có bảo đảm niêm yết trên hệ thống giao dịch chứng khoán."
Bổ sung khoản 9, khoản 10 vào sau khoản 8 Điều 16 như sau:
Khoản 9: CTCK nhận lệnh giao dịch mua cổ phiếu của nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức không yêu cầu đủ tiền khi đặt lệnh quy định tại Điều 9a Thông tư số 120/2020/TT-BTC ngày 31/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định giao dịch cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch và chứng chỉ quỹ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng quyền có bảo đảm niêm yết trên hệ thống giao dịch chứng khoán phải tuân thủ:
a) Hạn mức nhận lệnh giao dịch mua cổ phiếu được xác định theo quy định tại khoản 10 Điều này;
b) Không nhận lệnh mua cổ phiếu của công ty mẹ của CTCK;
c) Không nhận lệnh mua cổ phiếu của chính CTCK.
Khoản 10: CTCK phải xác định hạn mức nhận lệnh giao dịch mua cổ phiếu vào đầu ngày giao dịch và lưu giữ tài liệu, thông tin xác định hạn mức này. Hạn mức nhận lệnh giao dịch mua cổ phiếu được xác định như sau:
- Hạn mức nhận lệnh giao dịch mua cổ phiếu = Các khoản có khả năng chuyển đổi thành tiền của CTCK nhưng không vượt quá hiệu số của 2 lần giá trị vốn chủ sở hữu của công ty chứng khoán và dư nợ giao dịch ký quỹ chứng khoán.
- Các khoản có khả năng chuyển đổi thành tiền của CTCK bao gồm tiền mặt tại quỹ; tiền gửi ngân hàng, công cụ nợ của Chính phủ, chứng chỉ tiền gửi chưa được sử dụng để đảm bảo cho các nghĩa vụ tài chính; hạn mức thấu chi khả dụng; hạn mức bảo lãnh thanh toán (nếu có) được các tổ chức tín dụng trong nước và nước ngoài cấp; tiền bán chứng khoán tự doanh chờ về; phải thu ứng trước tiền bán chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch và tiền của nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức ứng trước để đảm bảo khả năng thanh toán cho giao dịch mua cổ phiếu của mình.
- Giá trị vốn chủ sở hữu của CTCK được xác định căn cứ theo báo cáo tài chính quý liền trước thời điểm tính toán. Trường hợp công ty chứng khoán là công ty mẹ, giá trị vốn chủ sở hữu được xác định căn cứ theo báo cáo tài chính quý hợp nhất sau khi đã loại trừ lợi ích của cổ đông không kiểm soát."
Bổ sung khoản 7 vào sau khoản 6 Điều 28 như sau: Trường hợp việc thực hiện thanh toán theo quy định tại khoản 2 Điều 9a Thông tư số 120/2020/TT-BTC ngày 31/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định giao dịch cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch và chứng chỉ quỹ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng quyền có bảo đảm niêm yết trên hệ thống giao dịch chứng khoán dẫn tới vượt quá hạn mức đầu tư theo quy định tại khoản 4 Điều này, CTCK không được tiếp tục nhận lệnh giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền của nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức cho đến khi tuân thủ hạn mức đầu tư.
Ngoài ra, dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên TTCK.
Trong thời gian vừa qua, Bộ tài chính, UBCKNN cùng các đơn vị có liên quan, đặc biệt là sự tham gia tích cực của các thành viên thị trường (CTCK, nhà lưu ký, nhà đầu tư) đã đặt ra rất nhiều giải pháp để khắc phục được tiêu chí của tổ chức xếp hạng FTSE để đưa từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
Việt Nam còn nhiều tiêu chí cần cải thiện để được xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi (Emerging Market). Việc giải quyết trước mắt vấn đề prefunding, tiến tới sớm vận hành hệ thống giao dịch mới, triển khai lộ trình công bố thông tin bằng tiếng Anh… sẽ là những điểm cộng tích cực trong đánh giá của MSCI, FTSE đối với Việt Nam thời gian tới.