Uber, Grab đang cạnh tranh với taxi truyền thống bằng giá cước không tưởng 10.000 đ/5km?
Trong văn bản gửi lên Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Tư pháp cuối tháng 6/2017, Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng thị trường taxi truyền thống ngày càng khó khăn do loại hình vận tải như taxi (Uber, Grab) áp dụng giá cước không tưởng 10.000 đồng/5km.
- 25-06-2017Cuộc chiến sân bay của Uber và Grab với taxi truyền thống
- 03-06-2017Taxi truyền thống liên tục “tố” Uber, Grab phá giá thị trường, các Bộ nói gì?
- 07-03-2017Nhìn Grab tổ chức "đại hội võ lâm" quy tụ vài nghìn anh em thế này, Uber, xe ôm và taxi truyền thống có thấy "hãi"?
Theo văn bản kiến nghị về quy chế quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn thành phố Hà Nội gửi Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Tư pháp, Thành ủy Hà Nội… do ông Nguyễn Anh Quân, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội ký cuối tháng 6/2017, đại diện Hiệp hội này nêu rõ: hiện nay các doanh nghiệp kinh doanh taxi tại Hà Nội đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, đã chịu rất nhiều quy định về điều kiện kinh doanh.
Trong khi đó, với việc bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để lôi kéo khách hàng, thưởng cho lái xe chạy taxi với giá cước không tưởng 10.000 đồng/5km (taxi truyền thống có giá cước mở cửa khoảng từ 6.000 đồng, từ km tiếp theo đến 20km là 11.000 đồng/1km – PV), loại hình vận tải như taxi (Uber, Grab) đã làm gia tăng lượng lớn xe tham gia kinh doanh, khiến thị trường taxi ngày càng bị thu hẹp, kinh doanh thêm khó khăn.
Đầu tư taxi là đầu tư chiều sâu, thời gian thu hồi vốn dài, rất cần có chính sách ổn định và thông thoáng để các doanh nghiệp yên tâm hoạt động kinh doanh. Hiệp hội vận tải Hà Nội nêu quan điểm cần có sự cạnh tranh bình đẳng từ đó đem lại nhiều giá trị hơn cho xã hội.
Trước đó, tại hội thảo “Đổi mới quản lý, hoạt động taxi, đảm bảo công bằng, bình đẳng trong kinh doanh và quyền lợi của hành khách đi xe taxi” do Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam tổ chức, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội taxi TP.HCM cũng nhấn mạnh trong khi các hãng taxi truyền thống phải chịu nhiều loại thuế, trong đó có 2 loại thuế cao là thuế giá trị gia tăng (VAT) 10% và thuế thu nhập doanh nghiệp 20% thì Uber và Grab chỉ bị áp theo thuế suất VAT 3% trên doanh thu được hưởng của các doanh nghiệp này, tạo ra bất bình đẳng trong kinh doanh.
Đáng chú ý, trong khi taxi truyền thống phải “chống chọi” với hai tên tuổi là Grab và Uber thì mới đây lại tiếp tục bị đe dọa bởi hình thức dịch vụ đi chung của Công ty TNHH Grab Taxi (GrabShare, cho phép kết hợp 2 cuốc xe có cùng lộ trình di chuyển trên một chuyến xe, triển khai từ ngày 9/5/2017 tại TP.HCM và từ ngày 8/6/2017 tại Hà Nội); còn Công ty TNHH Uber Việt Nam cũng có kế hoạch triển khai giải pháp đi chung UberPOOL.
Giá cước của GrabCar so với các hãng taxi truyền thống không có sự chênh lệch nhiều, tuy nhiên khách hàng thường xuyên được đi rẻ hơn rất nhiều do Grab liên tục thực hiện các chương trình khuyến mại, giảm giá. Còn với dịch vụ GrabShare, mức cước rẻ hơn 30% so với GrabCar và khi khách hàng tiếp tục được giảm giá, khuyến mại sẽ vô cùng rẻ.
Trước thực tế này, mới đây Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu Công ty TNHH Grab Taxi và Công ty TNHH Uber Việt Nam không thực hiện dịch vụ đi chung xe đối với xe hợp đồng vì không phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.
Trong Công văn số 4752 gửi cho Grab, Bộ GTVT đã trích dẫn quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 45 Thông tư 63/2014 quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ôtô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, đã quy định các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và lái xe chỉ được đón, trả khách tại các địa điểm đã ghi trong hợp đồng và thu cước vận tải theo giá trị hợp đồng đã ký kết; đối với mỗi chuyến xe đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký kết 1 hợp đồng vận chuyển hành khách...
ICTnews