MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

UBS: 5 lý do để đầu tư vào TTCK mới nổi thời điểm này

Các thị trường mới nổi đã làm thất vọng các nhà đầu tư trong những năm gần đây.

Thị trường chứng khoán đã bị kìm hãm bởi giá hàng hóa yếu, tăng trưởng xuất khẩu chậm và các biến động chính trị. Kết quả là chỉ số chứng khoán MSCI Emerging Markets đã giảm 11% kể từ giữa năm 2011 cho tới nay, thấp hơn 49% so với chỉ số của các thị trường phát triển.

Tuy nhiên, xu thế này đang có chiều hướng đảo ngược trong thời gian gần đây. Thị trường chứng khoán mới nổi đã tăng 12% trong năm nay, gấp 3 lần mức tăng trưởng của các thị trường chứng khoán phát triển. Điều này có thể có dài hay không?

Giám đốc đầu tư toàn cầu Mark Haefele của UBS Wealth Management tin rằng các thị trường mới nổi sẽ tiếp tục cho các thị trường phát triển “ngửi khói” trong thời gian tới. Mới đây, UBS đã nâng cổ phần đầu tư tại các thị trường chứng khoán mới nổi trong các danh mục đầu tư toàn cầu. Dưới đây là 5 yếu tố thuận lợi hỗ trợ sự dịch chuyển danh mục này:

1. Tăng trưởng tại Trung Quốc ổn định hơn: Vận mệnh của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là chìa khóa đối với sự phát triển của các thị trường mới nổi. Với con số lên tới 11.000 tỷ USD, GDP của Trung Quốc lớn nhất trong các thị trường mới nổi và bằng tổng GDP của 10 quốc gia đứng sau nó. Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc đã giảm tốc trong năm 2015 nhưng lại không hề đột ngột. Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,7% trong quý II/2016 cho thấy những động thái kích thích kinh tế của chính phủ Trung Quốc đang giúp ổn định các hoạt động tại nước này. Chi tiêu tiêu dùng tăng cao cũng phần nào bù đắp cho những yếu kém của ngành công nghiệp.

2. Giá hàng hóa ổn định: Giá nguyên liệu thô không quá nóng cũng không quá lạnh. Chỉ số hàng hóa Bloomberg Commodity Spot đã tăng 20% sau khi bắt đáy vào hồi tháng 1, qua đó xóa bỏ những bất lợi đối với sự tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận của các thị trường mới nổi dựa vào xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là các nước Mỹ Latinh. Tuy nhiên, giá hàng hóa lại không tăng đủ cao để có thể ảnh hưởng tới triển vọng của các nước nhập khẩu hàng hóa tại châu Á.

3. Khoảng cách tăng trưởng trở lại: Năm 2015, tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi chỉ cao hơn 3% so với các nền kinh tế phát triển. Trong khi đó, con số này vào năm 2009 là 6%. Lợi thế tăng trưởng nhiều khả năng sẽ được nới rộng trở lại vào các năm tới, đặc biệt là với các nước đang ổn định sau suy thoái như Brazil hay Nga. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đã được cải thiện tại các thị trường mới nổi châu Á và châu Âu. Chính trị ổn định hơn và khí hậu cải thiện cũng đóng góp không nhỏ tới sự phát triển của các thị trường mới nổi vào thời điểm này.

4. Tăng trưởng lợi nhuận trong tay: Thu nhập trên cổ phiếu (EPS) đã bắt đầu ổn định sau khi giảm khoảng 33% kể từ đầu năm 2012 tới nay. Điều đó đã giúp thúc đẩy sự phục hồi gần đây của các thị trường chứng khoán mới nổi. Định giá thị trường hiện nay đang gần bằng mức trung bình trong vòng 10 năm qua và nhiều khả năng tăng cao hơn nữa nếu như lợi nhuận đạt được như dự kiến.

5. Chính sách ôn hòa của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED): FED nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì mức lãi suất thấp trong thời gian dài sắp tới bởi những bất ổn từ việc Anh rời Liên minh Châu Âu (EU). Việc FED trở nên ôn hòa trong các chính sách đã mang tới sự thúc đẩy mạnh mẽ cho tiền tệ tại các thị trường mới nổi. Kể từ đầu năm tới nay, rổ tiền tệ tại các thị trường này đã tăng 3% so với đồng USD. Các đồng tiền này tăng giá sẽ giúp hạ tỷ lệ lạm phát, giảm áp lực tăng lãi suất để ức chế tăng trưởng.

Ngoài những cơ hội, vẫn còn nhiều rủi ro cần được giám sát trên các thị trường mới nổi. Một sự phục hồi kéo dài sẽ cần có nguồn doanh thu ổn định để biến thành một sự phục hồi toàn diện. Cuộc đảo chính thất bại tại Thổ Nhĩ Kỳ là một lời nhắc nhở về việc các bất ổn chính trị có thể ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường chứng khoán ra sao. Nhưng nhìn chung, UBS tin rằng triển vọng của các thị trường chứng khoản mới nổi rất sáng sủa.

Theo Thạch Thảo

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên