UBTVQH tán thành mở rộng địa giới TP. Thái Nguyên
Tại phiên họp thứ 13 diễn ra vào chiều 18/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xem xét, cho ý kiến về việc điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính TP. Thái Nguyên và thành lập 2 phường thuộc TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.
Báo cáo thẩm tra Đề án điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính TP. Thái Nguyên và thành lập mới 2 phường thuộc TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên của Ủy ban Pháp luật (UBPL) của Quốc hội cho biết, ngày 14/8/2017, UBPL đã họp phiên toàn thể để thẩm tra Đề án số 340/ĐA-CP của Chính phủ về điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính TP. Thái Nguyên và thành lập mới 2 phường thuộc TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên (gọi tắt là Đề án) theo Tờ trình số 339/TTr-CP ngày 14/8/2017 của Chính phủ.
Theo Đề án của Chính phủ, tính đến ngày 31/12/2016, tỉnh Thái Nguyên có 9 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 2 thành phố, 1 thị xã và 6 huyện) và 180 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 30 phường, 10 thị trấn và 140 xã). Trong đó, TP. Thái Nguyên có 170,53 km2 diện tích tự nhiên, dân số 317.580 người với 27 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 19 phường và 8 xã).
Chính phủ đề nghị điều chỉnh toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của 5 đơn vị hành chính cấp xã (gồm xã Sơn Cẩm thuộc huyện Phú Lương; xã Linh Sơn, xã Huống Thượng, thị trấn Chùa Hang thuộc huyện Đồng Hỷ; xã Đồng Liên thuộc huyện Phú Bình) với 52,4 km 2 diện tích tự nhiên, dân số 45.341 người về TP. Thái Nguyên quản lý. Đồng thời, đề nghị thành lập 2 phường trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Đồng Bẩm (TP. Thái Nguyên) và thị trấn Chùa Hang (sau khi điều chỉnh từ huyện Đồng Hỷ về TP. Thái Nguyên).
UBPL của Quốc hội cho rằng, Thái Nguyên là tỉnh có vị trí địa chiến lược quan trọng cả về kinh tế và quốc phòng, an ninh của vùng trung du và miền núi phía bắc và vùng Thủ đô, là tỉnh có bề dày lịch sử văn hóa và cách mạng. Ngày nay, Thái Nguyên đang tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, tiềm năng, lợi thế là địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của vùng trung du và miền núi phía bắc. Việc điều chỉnh mở rộng địa giới TP. Thái Nguyên và thành lập mới 2 phường thuộc TP. Thái Nguyên là yêu cầu phát triển khách quan, phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đáp ứng yêu cầu tổ chức quản lý hành chính Nhà nước trên địa bàn; nhằm tiếp tục cải thiện môi trường thu hút đầu tư trong và ngoài nước, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của TP. Thái Nguyên đối với sự phát triển của tỉnh Thái Nguyên nói riêng, vùng trung du và miền núi phía bắc nói chung, xứng đáng là đô thị hạt nhân thuộc cực phát triển phía bắc của Thủ đô Hà Nội.
Vì vậy, UBPL của Quốc hội tán thành sự cần thiết điều chỉnh mở rộng địa giới TP. Thái Nguyên và thành lập 2 phường thuộc Thành phố như được nêu trong Tờ trình và Đề án của Chính phủ.
UBPL của Quốc hội cũng cho rằng, theo Đề án của Chính phủ, việc điều chỉnh toàn bộ diện tích và dân số của 5 xã, thị trấn thuộc 3 huyện về TP. Thái Nguyên không làm tăng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Thái Nguyên, do đó không làm tăng tổ chức, biên chế cán bộ, công chức các cấp, mà chỉ bố trí lại một số chức danh cho phù hợp chức năng đơn vị hành chính đô thị đối với hai phường mới được thành lập.
Về hồ sơ, trình tự, thủ tục lập đề án, UBPL cho rằng, trình tự, thủ tục lập Đề án về cơ bản đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu cần thiết theo quy định của Luật Tổ chức CQĐP, cụ thể là UBND các xã, thị trấn được điều chỉnh địa giới đã tổ chức lấy ý kiến toàn thể cử tri hộ gia đình tại các thôn, tổ dân phố (97,71% cử tri dự họp đồng ý với Đề án). Trên cơ sở ý kiến tán thành của nhân dân 5 xã, thị trấn, Đề án đã được HĐND các xã, thị trấn được điều chỉnh địa giới và HĐND TP. Thái Nguyên, các huyện Đồng Hỷ, Phú Lương, Phú Bình tán thành. UBND tỉnh đã trình Đề án và được HĐND tỉnh Thái Nguyên thông qua. UBND tỉnh Thái Nguyên đã có Tờ trình đề nghị Chính phủ xem xét, trình UBTVQH quyết định. Bộ Nội vụ đã tổ chức Hội nghị liên ngành thẩm định hồ sơ Đề án. Chính phủ đã nhất trí thông qua Đề án.
Sau khi nghe các ý kiến thảo luận tại phiên họp, phát biểu kết thúc thảo luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, UBTVQH tán thành với việc điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính TP. Thái Nguyên và thành lập 2 phường thuộc TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên như đã được nêu trong Tờ trình và Đề án của Chính phủ để xây dựng TP. Thái Nguyên trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội và đô thị động lực của khu vực phía bắc.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng nêu rõ, các tiêu chuẩn, điều kiện để thành lập 2 phường thuộc TP. Thái Nguyên cũng như việc mở rộng TP. Thái Nguyên đều đạt các yêu cầu, quy định đề ra. Hồ sơ, trình tự, thủ tục làm Đề án này bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật và việc điều chỉnh này đạt sự đồng thuận rất cao của cử tri và nhân dân trong vùng.
“Tôi tin tưởng sau khi điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính TP. Thái Nguyên và thành lập 2 phường thuộc TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên sẽ tạo cho Thái Nguyên một khí thế mới, một động lực mới để phát triển tốt hơn”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu.
Tiếp đó, trong biểu quyết, với 100% thành viên tán thành, UBTVQH đã thông qua Nghị quyết của UBTVQH về việc điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính TP. Thái Nguyên và thành lập phường thuộc TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên./.
Chinhphu.vn