Ukraine quyết 'chặn' đường ống khí đốt từ Nga, quốc gia EU lo ngại lên tiếng: Nguồn cung mới chưa có, vẫn rất cần năng lượng từ Nga
Công ty mua khí đốt thuộc sở hữu nhà nước của Slovakia, SPP, mới đây cho biết châu Âu vẫn chưa đạt được thoả thuận thay thế khí đốt Nga qua đường ống bằng khí đốt từ Azerbaijan.
Trong khi đó, EU đang nỗ lực tìm nguồn cung thay thế cho khí đốt Nga từ ngày 1/1. Lượng khí đốt còn lại ở đường ống từ Nga đến EU qua tuyến trung chuyển Ukraine sẽ bị “chặn” từ ngày 31/12 vì thoả thuận giữa Nga và Ukraine sẽ kết thúc sau 5 năm.
Ukraine đã nhiều lần tuyên bố không gia hạn thoả thuận trung chuyển khí đốt. Về phía Nga, nước này phát tín hiệu sẵn sàng đàm phán gia hạn song Ukraine vẫn không thay đổi quyết định.
Một số quốc gia thành viên EU, bao gồm Slovakia và Hungary, vẫn tiếp tục nhận khí đốt Nga qua đường ống đi qua Ukraine, dù Gazprom đã cắt nguồn cung cho nhiều khách hàng EU.
Trước bối cảnh này, Slovakia cho biết họ muốn tiếp tục sử dụng tuyến trung chuyển qua Ukraine. SPP thường xuyên lên tiếng ủng hộ nỗ lực duy trì hoạt động vận chuyển khí đốt qua đường ống này, bất chấp mâu thuẫn Nga và Ukraine. Nguyên nhân là các tuyến đường thay thế sẽ tốn kém hơn và phải đối mặt với rủi ro tắc nghẽn ở các đường ống khác.
Các bộ trưởng năng lượng của EU đã thảo luận về việc thay thế nguồn cung khí đốt từ Nga bằng Azerbaijan, song cho đến nay vẫn chưa có thông tin chi tiết cụ thể được tiết lộ.
Tuần trước, các hãng truyền thông đưa tin, các công ty của Hungary và Slovakia sắp ký một thoả thuận nhận 12-14 tỷ m3 khí tự nhiên mỗi năm từ Azerbaijan. Tuy nhiên, SPP nói với Reuters rằng vẫn không có thoả thuận nào sắp được ký kết để thay thế khí đốt của Nga.
SPP cho hay: “Chúng tôi thường xuyên thảo luận về chủ đề này với các đối tác. Tuy nhiên, thông tin về việc sắp ký kết hợp đồng cung cấp khí đốt với sự tham gia của SPP là không đúng sự thật.”
Hiện tại, EU vẫn chưa đạt được thoả thuận về việc thay thế dòng chảy khí đốt của Nga. Cũng có thể, một thoả thuận tiềm năng sẽ được thông qua vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau.
Na Uy hiện là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất của EU, chiếm khoảng 30%. Tuy nhiên, theo Oilprice, vấn đề của châu Âu là an ninh năng lượng. Đây là điều thúc đẩy các nước châu Âu nỗ lực lấp đầu kho dự trữ năng lượng trước khi mùa đông bắt đầu. Hiện tại, kho dự trữ của EU đã ở mức kỷ lục là 95% nhưng chưa đủ để đáp ứng nhu cầu nếu mùa đông lạnh hơn 2 năm trước.
Dù khối thường nói nhiều về việc chuyển dịch sang khí đốt của Na Uy và Mỹ, nhưng thực tế là Nga vẫn đang cung cấp nhiều khí đốt hơn cho châu Âu so với Mỹ, bất chấp các chính trị gia EU cố gắng cắt giảm nguồn cung này.
Dòng chảy khí đốt từ Azerbaijan đang được nhiều người mong đợi nhưng điều cần thiết là phải có thỏa thuận hoán đổi giữa Azerbaijan và Nga, vì Azerbaijan không có đủ năng lực xuất khẩu để thay thế các nguồn cung hiện có. Nếu EU không tìm được nguồn thay thế hoàn toàn cho khí đốt Nga, họ có thể kết thúc mùa đông với lượng khí đốt dự trữ chỉ còn 30% và giá cao hơn. Trong trường hợp xấu nhất, kho dự trữ của EU có thể sẽ cạn kiệt.
Tham khảo Oilprice; Reuters
Nhịp sống thị trường