MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ukraine vừa chặn khí đốt Nga, một quốc gia G20 bỗng nổi tham vọng trở thành nhà cung cấp thay thế trung chuyển khí đốt Moscow

05-01-2025 - 11:16 AM | Thị trường

Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn thay Nga vận chuyển khí đốt sang châu Âu.

Ukraine vừa chặn khí đốt Nga, một quốc gia G20 bỗng nổi tham vọng trở thành nhà cung cấp thay thế trung chuyển khí đốt Moscow- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Theo tờ AGBI, khi Ukraine quyết định dừng trung chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ đã hi vọng có thể trở thành nhà cung cấp thay thế, giúp Nga có tuyến đường đưa khí đốt thông qua mạng lưới đường ống dẫn khí riêng của Thổ Nhĩ Kỳ, với mức phí vận chuyển tăng lên. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ có thể chưa đạt được ngay do thiếu cơ sở hạ tầng.

Từ ngày 1/1/2025, khí đốt Nga cung cấp cho châu Âu thông qua đường ống dẫn khí ở Ukraine đã chấm dứt do Kiev quyết định không gia hạn thỏa thuận trung chuyển với Moscow.

Ước tính, việc đóng cửa tuyến đường ống dẫn khí cuối cùng để Nga xuất khẩu khí đốt sang châu Âu sẽ khiến công ty năng lượng nhà nước Gazprom thiệt hại khoảng 5 tỷ USD về doanh thu, trong khi Ukraine tổn thất 800 triệu USD tiền phí trung chuyển.

Đây chính là dòng khí đốt và khoản tiền phí mà Thổ Nhĩ Kỳ muốn khai thác.

Ukraine vừa chặn khí đốt Nga, một quốc gia G20 bỗng nổi tham vọng trở thành nhà cung cấp thay thế trung chuyển khí đốt Moscow- Ảnh 2.

Đường ống TurkStream nối từ Nga sang châu Âu đi qua Biển Đen.

Thổ Nhĩ Kỳ vốn đã được kết nối với thị trường châu Âu thông qua một mạng lưới đường ống dẫn khí lớn. Nước này vận chuyển khí đốt từ Nga qua TurkStream 2, nối liền hai quốc gia chạy dưới Biển Đen.

Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ còn có đường ống Trans Anatolian vận chuyển khí đốt từ Azerbaijan. Đường ống dẫn khí thứ 3 của Thổ Nhĩ Kỳ chạy từ đông sang tây để vận chuyển khí đốt từ Iran, với một lượng khí đốt qua đường ống này được sử dụng ở thị trường nội địa và một phần để bán cho châu Âu.

Tuy nhiên, TurkStream đang hoạt động gần hết công suất, bơm hơn 15 tỉ m3 mỗi năm cho các khách hàng ở châu Âu, trong khi đường ống Trans Anatolian - kết nối với đường ống dẫn khí Trans Adriatic chạy qua Hy Lạp, Albania và tới Italy - có công suất khoảng 10 tỉ m3 mỗi năm nhưng chưa đạt công suất định mức như thiết kế.

Ông Mehmet Öğütçü - Chủ tịch Câu lạc bộ Năng lượng London - chỉ ra, việc nhận định Thổ Nhĩ Kỳ có thể ngay lập tức thay thế Ukraine làm tuyến đường trung chuyển khí đốt của Nga vào châu Âu là điều còn nghi ngờ. Dù vậy, hiện tại, vẫn có khả năng tăng lưu lượng vận chuyển qua Thổ Nhĩ Kỳ và về lâu về dài, nước này có tiềm năng trung chuyển khí đốt Nga.

Ông chỉ ra, công suất đường ống dẫn khí của Thổ Nhĩ Kỳ để trung chuyển khí đốt Nga là chưa đủ. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cần đầu tư đường ống dẫn khí và trạm bơm mới.

Buğra Zeynep Özdemir, nhà nghiên cứu năng lượng của Quỹ Nghiên cứu Chính trị, Kinh tế và Xã hội, đánh giá Thổ Nhĩ Kỳ có thể được hưởng lợi nhờ khả năng lưu trữ khí đốt ngày càng tăng tại các cơ sở quy mô lớn mà nước này đang phát triển. Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ có thể điều tiết nguồn cung và trở thành trung tâm giao dịch khí đốt lớn.

“Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã có tham vọng không chỉ trở thành quốc gia trung chuyển khí đốt mà còn là quốc gia định giá khí đốt. Thỏa thuận Nga - Ukraine hết hạn, Thổ Nhĩ Kỳ có thể tăng tốc nỗ lực đạt được mục tiêu này” - ông nói.

Hiện quốc gia thuộc G20 đang tăng sản lượng từ các mỏ khí đốt tại Biển Đen. Đến năm 2026, Ankara dự kiến sản lượng trong nước sẽ chiếm khoảng 30% trong tổng số 50 tỷ m3 tiêu thụ hàng năm của nước này. Điều này có thể giải phóng một lượng khí đốt nhập khẩu tương tự để vận chuyển đến các khách hàng ở châu Âu nếu xương sống cơ sở hạ tầng của Thổ Nhĩ Kỳ được củng cố thêm.

Khánh Vy

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên