MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Ứng dụng AirVisual không chắc là đáng tin cậy”

09-10-2019 - 20:13 PM | Xã hội

Ông Cao Tung Sơn – Giám đốc Trung tâm Quan trắc (Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hồ Chí Minh) cho rằng các thông tin trên ứng dụng AirVisual không chắc là đáng tin cậy.

Chiều ngày 9.10, Sở Tài Nguyên và Môi trường TP.Hồ Chí Minh họp báo thông tin về chất lượng không khí, ô nhiễm nặng ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và các giải pháp khắc phục.

Trả lời câu hỏi thông tin môi trường trên ứng dụng AirVisual có thể tin tưởng được hay không? Ông Cao Tung Sơn cho biết ông cũng tải ứng dụng này về điện thoại để theo dõi nhưng các thông tin từ ứng dụng này không chắc là đáng tin cậy.

Ông Sơn cho biết, trong quá trình tìm hiểu không thấy thông tin AirVisual sử dụng trang thiết bị nào để quan trắc chất lượng không khí. Trong khi, để đánh giá về độ chính xác của việc quan trắc bắt buộc phải có các thông tin trên như: trang thiết bị, quy trình, phương pháp lấy mẫu,...

“Ứng dụng AirVisual không chắc là đáng tin cậy” - Ảnh 1.

Hồi cuối tháng 9, trang AirVisual thường xuyên cảnh báo không khí TPHCM ở mức ô nhiễm nặng (màu đỏ). Ảnh: Minh Quân

Theo ông Sơn, tại Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường  cũng có thông tư quy định cụ thể về yêu cầu và quy trình quan trắc chất lượng không khí. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng có quy định các thiết bị phục vụ việc quan trắc này phải được kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong 12 tháng.

Ông Sơn cho rằng AirVisual dùng phương pháp đo mà có sai số khá cao trong điều kiện thời tiết bất lợi như: nhiệt độ, thời tiết, ánh sáng,...

"Cần phải nhìn nhận đây là kênh của nước ngoài và các chỉ số không kiểm chứng nên không có cơ sở để xác định mức độ chính xác từ các chỉ số mà ứng dụng này cung cấp"- ông Sơn nhận định.

Về việc Trung tâm chậm trễ trong việc công bố thông tin ô nhiễm đến người dân, ông Sơn cho biết sự chậm trễ này xuất phát từ phương pháp đo thủ công, gián đoạn.

Theo đó, trung tâm lấy mẫu định kỳ, đem vào phòng thí nghiệm phân tích và chờ đợi kết quả nên thời gian kéo dài. "Đơn cử như lấy mẫu để đo mức độ bụi, mẫu mang về phòng thí nghiệm sấy trong 24 giờ, sau đó đưa ra ngoài cho ổn định rồi mới đem đi cân, tổng cộng mất 3 ngày mới có kết quả” - ông Sơn phân trần.

Từ kết quả này, trung tâm báo cáo về Sở Tài nguyên Môi trường trước khi chuyển qua Trung tâm Quản lý Hầm sông Sài Gòn công bố trên 48 bảng thông báo tại các tuyến đường. Do đó, kết quả quan trắc cùng các cảnh báo đến với người dân thường chậm một tháng.

Để khắc phục hạn chế của phương pháp đo thủ công, ông Cao Tung Sơn cho biết sắp tới, Sở Tài Nguyên và Môi trường thành phố sẽ triển khai đề án phát triển mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được UBND thành phố duyệt.

Theo đó, hệ thống quan trắc này không chỉ về chất lượng không khí mà còn quan trắc mưa axit, chất lượng nước, độ lún...

Trong đó, đầu tư 9 trạm quan trắc không khí tự động liên tục cố định và 1 trạm quan trắc không khí liên tục di động. Đồng thời, tìm kiếm các nguồn xã hội hóa để tiếp tục đầu tư thêm 11 trạm quan trắc tự động không khí từ nay đến 2030.

Đáng chú ý, theo ông Sơn, thành phố sẽ xây dựng các phần mềm chuyên dụng cung cấp thông tin về chất lượng môi trường đến người dân hàng ngày trên điện thoại thông minh và tiến đến dự báo về ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn thành phố.

Theo M.Quân - A.Tú

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên