MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ứng dụng số dành cho công dân - Góp phần phát triển kinh tế số, tăng tốc chuyển đổi số

10-10-2024 - 14:24 PM | Kinh tế số

Ngày Chuyển đổi số quốc gia mùng 10/10 năm nay có chủ đề “Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”. Có thể thấy, những ứng dụng số dành cho công dân ở khắp mọi miền tổ quốc đang là 1 trong rất nhiều sáng tạo số, giúp người dân có thể tiết kiệm chi phí, không tốn thời gian khi thực hiện...

Sau thời gian thí điểm tại Hà Nội và tỉnh Thừa Thiên Huế, từ tháng 10 này, việc triển khai Sổ sức khỏe điện tử và cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng Định danh điện tử VNeID sẽ ở tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước. Việc triển khai các tiện ích trên VNeID không chỉ giúp người dân, doanh nghiệp được sử dụng các công nghệ số như dịch vụ, mà còn giúp các bộ, ngành địa phương kết nối chia sẻ dữ liệu theo thời gian thực với mục tiêu “đúng, đủ, sạch, sống”. Chưa kể, tại nhiều địa phương đã xây dựng ứng dụng công dân số, để người dân vẫn dùng được tài khoản định danh điện tử VNeID khi đăng nhập. Các ứng dụng công dân số sẽ giúp người dân có thể phản ánh hiện trường, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến các dịch vụ thiết yếu, xem camera trực tuyến, kiểm tra tình trạng giao thông, vi phạm giao thông, cập nhật thông tin tại địa phương mình sinh sống…

Ứng dụng số dành cho công dân - Góp phần phát triển kinh tế số, tăng tốc chuyển đổi số- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Dương Anh - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế - chia sẻ: 'Thừa Thiên Huế đã xây dựng được một cái app gọi là Huế-S. Đây chính là môi trường số - nơi mà người dân doanh nghiệp và chính quyền gặp nhau. Hiện nay thì Huế-S có khoảng hơn 20 dịch vụ đô thị thông minh, với hơn 1.000.000 lượt đã cài và đến 950.000 tài khoản công dân và những người ngoài Huế đã có mặt trên Hue-S. Trong đó chúng tôi đã xác thực được với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là hơn 25 %. Mỗi người sử dụng trung bình là khoảng 3h mỗi ngày ở cái app đó. App đó có mục phản ảnh hiện trường, là nơi nó tạo thành một cái cảm biến xã hội. Trên Hue-S này chúng ta vào những dịch vụ đô thị thông minh của các tỉnh, thành mà chúng ta quan tâm những cái phản ánh của người dân và doanh nghiệp, đó thì chúng ta sẽ có một bức tranh về xã hội của mình".

Chiến lược Hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 vừa được phê duyệt hôm qua (09/10/2024) đã nêu rõ các chỉ tiêu cần đạt được khi phổ cập cáp quang, hình thành các trung tâm dữ liệu hỗ trợ các ứng dụng trí tuệ nhân tạo, phát triển các nền tảng cung cấp các công nghệ số như dịch vụ, phủ sóng mạng băng rộng di động 5G, thử nghiệm 6G… Việc phát triển các nền tảng cung cấp các công nghệ số như dịch vụ đang đòi hỏi các doanh nghiệp công nghệ tăng cường nghiên cứu và xây dựng các giải pháp tiên tiến, hiện đại hơn. Mới đây, Tập đoàn VNPT giới thiệu thiết bị cung cấp dịch vụ Internet thế hệ mới, sử dụng nền tảng công nghệ tiên tiến XGS-PON WiFi 7 (của Qualcomm Technology). Sản phẩm công nghệ tiên tiến này sẽ mang tới giải pháp kết nối Internet cáp quang thế hệ mới kết hợp với công nghệ phủ sóng không dây WiFi 7, giúp trải nghiệm Internet tốc độ cao, ổn định về chất lượng dịch vụ, độ trễ giảm tới 75% so với công nghệ WiFi 6. Điểm đặc biệt của công nghệ mới chính là khả năng tích hợp nhanh chóng, kết nối liền mạch với các hệ sinh thái nhà thông minh và các thiết bị WiFi hiện có. Hệ sinh thái nhà thông minh cùng các ứng dụng chữ ký số trực tuyến có thể giúp mỗi người dân thực hiện các giao dịch trực tuyến nhanh chóng, dễ dàng trên các cổng dịch vụ công, cũng như đảm bảo tính xác thực và bảo mật thông tin. Với chủ trương miễn phí khởi tạo chữ ký số cho người, Tập đoàn VNPT hy vọng có thể tạo điều kiện thuận lợi cho mỗi người dân có ít nhất một chữ ký số, đáp ứng các mục tiêu trong Chiến lược Hạ tầng số.

Ông Nguyễn Song Tùng - Phó Giám đốc Trung tâm Chữ ký số và Hợp đồng điện tử VNPT cho biết: "Người dùng chữ ký điện tử cũng rất nhiều, từ khách hàng cá nhân, cho đến cá nhân thuộc tổ chức, doanh nghiệp, hoặc tổ chức, doanh nghiệp. Các loại chữ ký điện tử, trong đó như là chữ ký điện tử công vụ, chữ ký số, rồi chữ ký số công vụ,.. là đều có giá trị pháp lý. Chữ ký số từ xa là một giải pháp dịch vụ chữ ký số, mà không phụ thuộc vào thiết bị phần cứng giống token, mà chúng ta có thể ký được thông qua thiết bị smartphone. Tất cả các giải pháp chữ ký số được xây dựng dựa trên những nền tảng giải pháp tiên tiến 4.0, như là Cloud (điện toán đám mây), AI (Trí tuệ nhân tạo), BigData (Dữ liệu lớn), IoT (Internet kết nối vạn vật), Blockchain (công nghệ chuỗi khối".

Ứng dụng số dành cho công dân - Góp phần phát triển kinh tế số, tăng tốc chuyển đổi số- Ảnh 2.

Chiến lược Hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 cũng đặt ra các mục tiêu cung cấp hạ tầng số cho người dân một cách cụ thể: Đến năm 2025 mỗi người dân có 1 định danh số, trung bình mỗi người dân có 1 kết nối Internet vạn vật, tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử đạt trên 50%. Đến năm 2030, mạng băng rộng di động 5G phủ sóng 99% dân số, tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử đạt trên 70%.

Có thể thấy, phát triển hạ tầng số sẽ là nền tảng để phát triển kinh tế số, là động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động như chia sẻ của ông Vũ Ngọc Dương - Phó trưởng phòng Phát triển Hạ tầng, Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông: "Phát triển Kinh tế số đã xác định mục tiêu là đến 2025 là kinh tế số sẽ chiếm 25 % GDP và đến 2030 chiếm 30 % GDP. Đây chính là những điểm nhấn mạnh đến khát vọng Việt Nam và thúc đẩy Việt Nam hùng cường vào năm 2030. Chuyển đổi số quốc gia sẽ cần một hạ tầng mới, đó chính là hạ tầng số. Hạ tầng số bao gồm 4 thành phần chính là Hạ tầng viễn thông, Internet (bao gồm băng rộng di động, cố định), Hạ tầng dữ liệu (đây là các trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây), Hạ tầng tiện ích số và công nghệ số như dịch vụ (đây chính là các hạ tầng về các nền tảng, như là nền tảng chữ ký số, định danh số) Hạ tầng vật lý số (là các cảm biến, các dữ liệu, các phần mềm trung gian)".

Để Việt Nam đạt mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và đạt mức thu nhập cao vào năm 2045, bên cạnh các giải pháp nền tảng số, ứng dụng công nghệ số được phát triển bởi các doanh nghiệp công nghệ thông tin, thì sử dụng một cách thành thạo và an toàn cũng là việc cần làm của mỗi người khi thực sự mong muốn tăng tốc chuyển đổi số.

Theo Mai Hạnh

Báo điện tử VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên