Ứng dụng VNeID có thể thay thế sổ hộ khẩu như thế nào?
Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an, đã có hướng dẫn về 7 phương thức sẽ thay thế sổ hộ khẩu, để người dân và các cơ quan, đơn vị thực hiện. Trong đó có phương thức sử dụng ứng dụng VNeID.
- 10-11-2022Chân dung CEO sàn tiền số vừa mất gần 16 tỷ USD chỉ trong một ngày
- 10-11-2022Cắt giảm hơn 11.000 nhân sự, Meta “hào phóng” hỗ trợ nhân viên bị sa thải như thế nào?
- 08-11-2022Dãy số ở mặt sau CCCD gắn chip tiết lộ điều gì?
Theo khoản 3 Điều 38 của Luật Cư trú 2020:
- Từ ngày 1/7/2021:
+ Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng
+ Không cấp mới Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú
+ Thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú trong các trường hợp có thay đổi thông tin.
- Từ ngày 1/1/2023, toàn bộ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú không còn giá trị sử dụng.
Như vậy, Sổ hộ khẩu và Sổ tạm trú đã được cấp chỉ có thể sử dụng đến ngày 31/12/2022. Từ ngày ngày 1/1/2023 trở đi, 2 loại sổ này không còn giá trị sử dụng.
Khi người dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi sổ hộ khẩu đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về dân cư và không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu.
Để việc triển khai thực hiện quy định của Luật cư trú thống nhất, đồng bộ, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội đã có hướng dẫn các bộ ngành các phương thức sử dụng thông tin công dân thay việc xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Theo đó, các cơ quan Nhà nước có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNeID là giấy tờ pháp lý chứng minh thông tin về cá nhân, nơi thường trú của công dân.
Theo đó, người dân cần đến cơ quan công an đăng ký tài khoản định danh điện tử mức 2 và cài đặt ứng dụng VNeID. Khi nhận được tin nhắn thông báo đăng ký tài khoản định danh điện tử thành công, người dân có thể thực hiện kích hoạt tài khoản trên ứng dụng theo hướng dẫn.
Tài khoản định danh điện tử mức độ 2 có giá trị tương đương như việc sử dụng CCCD, có giá trị cung cấp thông tin trong các loại giấy tờ của công dân (thông tin về cư trú, đăng ký xe, thẻ BHYT…) trong các giao dịch.
Sau khi được kích hoạt, người dân thực hiện đăng nhập một lần trên cổng dịch vụ công quốc gia (liên thông với cổng dịch vụ công của các Bộ, ngành, địa phương) với tên tài khoản là số định danh cá nhân và mật khẩu để thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.
Tùy từng dịch vụ công trực tuyến, thông tin của người dân sẽ được điền vào biểu mẫu điện tử, người dân không phải điền và không sửa được thông tin.
Các thông tin (tùy theo dịch vụ) gồm: Họ, chữ đệm và tên khai sinh, Ngày, tháng, năm sinh, Giới tính, Quê quán, Dân tộc, Nơi thường trú, Họ, chữ đệm và tên của cha, mẹ, vợ hoặc chồng, Số chứng minh đã được cấp, Số thẻ CCCD (số định danh cá nhân)…
Đối với VNeID, người dân sử dụng tài khoản, mật khẩu đăng nhập ứng dụng trên thiết bị di động. Người dân có thể sử dụng các thông tin CCCD, thông tin dân cư được tích hợp hiển thị trên ứng dụng VNeID để phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và các giao dịch dân sự.
Thông tin hiển thị trên VNeID gồm: Số CCCD, Họ và tên, Ngày sinh, Giới tính, Quốc tịch, Quê quán, Nơi thường trú, CCCD có giá trị đến, Đặc điểm nhận dạng, Ngày cấp, Số điện thoại.
Ngoài ra, VNeID cũng sẽ hiển thị các thông tin về đăng ký xe, giấy phép lái xe, bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế, thông tin thuế... để người dân có thể thực hiện các giao dịch tài chính như thanh toán hóa đơn điện, nước, đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, chuyển tiền...
Trí thức trẻ