Ứng dụng VNeID – 'Siêu' app của người Việt
Sau hai năm đi vào hoạt động, ứng dụng Định danh điện tử VNeID của Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư – Bộ Công an phát huy vai trò mạnh mẽ trên môi trường số.
- 24-12-2023Sức hút của kênh mua sắm giải trí trực tuyến
- 24-12-2023Cảnh giác trước các sản phẩm giảm giá trên mạng xã hội
- 24-12-2023Twitter quỵt hàng triệu USD tiền thưởng của nhân viên
Những thành tựu đạt được
Theo Nghị quyết số 124/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Công an được yêu cầu chủ trì, phối hợp với các cơ quan đẩy mạnh triển khai tiện ích trên VNeID, phấn đấu đến cuối năm 2023 phát triển ít nhất 10 tiện ích trên các ứng dụng này và có ít nhất 20 triệu người dân sử dụng.
Việc triển khai ứng dụng VNeID cũng là một nội dung quan trọng trong việc thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc, tính đến tháng 12/2023, Bộ hoàn thành, vượt chỉ tiêu triển khai 10 tiện ích trên VNeID theo chỉ đạo của Thủ tướng. Theo đó, tích hợp, sử dụng tài khoản định danh điện tử đăng nhập Cổng dịch vụ công Quốc gia qua QRCode với trung bình 15.312 lượt sử dụng tài khoản định danh điện tử đăng nhập/1 ngày, giúp người dân khắc phục tình trạng không có số điện thoại chính chủ để tạo tài khoản đăng nhập, sử dụng dịch vụ công.
Hiện Bộ cũng đã triển khai dịch vụ công thông báo lưu trú trên tài khoản định danh điện tử với 1,1 triệu lượt, tạo điều kiện cho người dân không phải đến cơ quan Công an để thực hiện khai báo lưu trú.
Ứng dụng tích hợp thẻ căn cước công dân, giúp người dân không phải mang theo nhiều giấy tờ, sử dụng VNeID làm thủ tục tại 22 các cảng hàng không nội địa mà không cần xuất trình thẻ căn cước công dân gắn chip.
Thông tin cư trú của công dân, gồm thông tin hành chính của chủ hộ và các thành viên khác trong hộ gia đình cũng đã được đưa lên tài khoản định danh điện tử, là giải pháp thay thế sổ hộ khẩu giấy.
Về việc triển khai tiện ích kiến nghị, phản ánh về an ninh - trật tự trên VNeID, đã có 5.974 kiến nghị phản ánh từ người dân. Tạo thuận tiện cho người dân trong việc phản ánh về tình hình an ninh - trật tự mà không phải đến cơ quan Công an, góp phần giúp phòng ngừa tội phạm từ sớm, từ xa.
Về công tác triển khai tuyên truyền, cảnh báo thủ đoạn tội phạm trên tài khoản định danh điện tử với các nội dung cảnh báo thủ đoạn giả danh các cơ quan Công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trung bình có 7,764 lượt truy cập/ngày, giúp người dân kịp thời nắm bắt thông tin mọi lúc, mọi nơi.
Không những vậy, hiện ứng dụng cũng được tích hợp ví điện tử lên tài khoản định danh điện tử. Bộ Công an đã tiến hành tích hợp xong với Công ty cổ phần đầu tư và công nghệ Epay, đang tiến hành triển khai tích hợp với dịch vụ ví điện tử của đơn vị Gtel, giúp người dân có thể thanh toán trên ví điện tử với các dịch vụ thiết yếu như: Thanh toán điện, nước, truyền hình, internet, nạp tiền điện thoại….
Về mặt dữ liệu, VNeID tích hợp 2,2 triệu dữ liệu đăng ký phương tiện, 10,2 triệu dữ liệu giấy phép lái xe, 148.537 dữ liệu thông tin bảo hiểm xã hội, 16,8 triệu dữ liệu thông tin bảo hiểm y tế trên tài khoản định danh điện tử, giúp người dân không phải mang theo nhiều giấy tờ khi cần thực hiện các dịch vụ liên quan.
Về công tác triển khai Sổ sức khỏe điện tử trên tài khoản định danh điện tử đã đạt 10,3 triệu hồ sơ, đang triển khai thí điểm tại Thành phố Hà Nội trước khi nhân rộng trên toàn quốc. Với ứng dụng sổ sức khỏe điện tử, mỗi người dân sẽ có 1 quyển sổ y bạ sức khỏe điện tử được kết nối trực tiếp với Hệ thống hồ sơ sức khỏe cá nhân của Bộ Y tế, tạo thuận lợi cán bộ y tế chẩn đoán, người dân theo dõi được tình hình sức khỏe của bản thân.
Theo Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc, hiện, Bộ cũng đang tập trung triển khai các tiện ích khác trên VNeID như: Tiện ích cấp Phiếu lý lịch tư pháp triển khai thí điểm tại tỉnh Thừa Thiên Huế trong tháng 01/2024; nghiên cứu triển khai nộp phạt vi phạm giao thông thuộc thẩm quyền của thanh tra giao thông trên tài khoản định danh điện tử….
Được biết, về nhiệm vụ trước mắt, Bộ Công an cũng đang phối hợp với Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và thành phố Hà Nội tổ chức hướng dẫn các cơ sở y tế và người dân sử dụng thông tin sổ sức khỏe điện tử trên VNeID. Mục tiêu hoàn thành trong tháng 01/2024 sau đó sẽ có đề xuất lộ trình triển khai trên toàn quốc.
Siêu ứng dụng của người Việt
Được xây dựng trên nền tảng cơ sở dữ liệu về định danh, dân cư và xác thực điện tử, kết nối với các cơ quan hành chính nhà nước và các tổ chức xã hội, hiện với VNeID, người dân có thể sử dụng để định danh cá nhân, thay thế các giấy tờ giấy truyền thống như căn cước công dân gắn chip, giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế…
Người dân cũng có thể khai báo y tế toàn dân, khai báo di chuyển nội địa, thông báo lưu trú, tố giác tội phạm, kiến nghị phản ánh… thông qua ứng dụng này một cách tiện lợi.
Đặc biệt, với VNeID, các cơ quan nhà nước cũng có thể dễ dàng truy xuất thông tin của công dân một cách chính xác, kịp thời, hỗ trợ cho việc thực hiện các thủ tục hành chính nhà nước, giúp giảm thiểu sự lãng phí và sai sót trong việc sử dụng giấy tờ truyền thống, tiết kiệm chi phí và thời gian cho cả người dân và nhà nước.
Để tải và cập nhật ứng dụng Định danh điện tử VNeID, người dân chỉ cần truy cập trên 2 kho ứng dụng Google Play và App Store và làm theo hướng dẫn, hoàn toàn miễn phí.
Với những nỗ lực không ngừng của Bộ Công an nói riêng, các cơ quan bộ ngành và địa phương trong cả nước nói chung, ứng dụng VNeID liên tục phát triển mạnh mẽ thời gian qua, góp phần tạo nên những tiện ích, thuận lợi cho đời sống của người dân, đồng thời đáp ứng được những yêu cầu của quá trình chuyển đổi số quốc gia, đưa người dân lên môi trường số và hội nhập toàn cầu.
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong tháng 8/2023, có 7 ứng dụng có số lượng tài khoản hoạt động đạt trên 10 triệu tại Việt Nam, gồm: Zalo, Zing Mp3, VNeID, Báo Mới, Ví MoMo, MBBank và My Viettel. Riêng với app VNeID đã, đang tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Tiếp đó, ngày 13/12, Apple công bố bảng xếp hạng ứng dụng, trò chơi được tải về nhiều nhất trên cửa hàng App Store năm nay ở thị trường Việt Nam. VNeID đứng thứ nhất, vượt qua app mạng xã hội hay video phổ biến như TikTok, Messenger, Facebook, YouTube. Hiện VNeID tương thích với thiết bị chạy iOS 13.0, iPadOS 13.0 hoặc Android 5.0 trở lên.
Ứng dụng bắt đầu cho tải về từ 23/8/2021 và đạt hơn 10 triệu lượt tải trên Android, 55.000 lượt đánh giá. Với iOS và iPadOS, ứng dụng nhận hơn 11.000 lượt đánh giá nhưng không có thông tin về lượt tải.
Hiện tại VNeID có 2 mức độ, trong đó mức 1 có thể trực tiếp thực hiện trên điện thoại, và mức 2 sẽ thực hiện tại trụ sở công an phường/xã ở bất cứ đâu (không phụ thuộc vào nơi đăng ký thường trú).
Có thể nói, ứng dụng VNeID đã, đang trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống số của người dân và chính phủ số, phục vụ đắc lực cho quá trình chuyển đổi số quốc gia. Với sự quyết tâm chung tay của các bộ ngành, địa phương cũng như sự chỉ đạo điều hành của chính phủ, ngày càng có nhiều tiện ích thiết thực được tích hợp trong “siêu ứng dụng” này.
Mới đây nhất, Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư - Bộ Công an tuần trước phát hành phiên bản VNeID 2.1.1 để khắc phục lỗi và cập nhật tính năng mới gồm: Bổ sung hướng dẫn sử dụng; Đổi thuật ngữ "Cảnh báo lừa đảo" thành "Cảnh báo thủ đoạn tội phạm"; Bổ sung tính năng Thông báo kết quả phê duyệt tích hợp của Bảo hiểm y tế, Giấy phép lái xe, Đăng ký xe, Người phụ thuộc, lịch sử cấp CMND/CCCD; Tích hợp thông tin đối tượng truy nã đồng thời bổ sung xử lý đối với các tài khoản bị hết hiệu lực tại cơ quan chức năng: Kích hoạt tài khoản, Quên mật khẩu...
Trong đó, tính năng "Thông báo kết quả phê duyệt tích hợp của Bảo hiểm y tế, Giấy phép lái xe, Đăng ký xe, Người phụ thuộc, lịch sử cấp CMND/CCCD" đã được thêm vào VNeID. Đây là tính năng giúp người dùng có thể dễ dàng theo dõi và biết được quá trình cũng như kết quả của tích hợp trên Ví giấy tờ của mình.
Tất cả vì người dân phục vụ
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình 2 năm triển khai thực hiện Đề án 06 về Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đặc biệt nhấn mạnh về vai trò của việc phát triển, ứng dụng VNeID trong việc mang lại những lợi ích thiết thực trong công tác quản lý, phục vụ đời sống nhân dân, đồng thời cũng đặt ra những nhiệm vụ, yêu cầu cụ thể đối với các bộ ngành, địa phương.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp phối hợp Bộ Công an triển khai cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID tại Thừa Thiên Huế trong quý 1/2024 để hoàn thiện nhân rộng trên toàn quốc. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp Bộ Công an hoàn thiện CSDLQG về cán bộ, công chức, viên chức, kết nối, chia sẻ dữ liệu với CSDLQG về dân cư, hoàn thành trong tháng 1.2024…
Đồng thời, yêu cầu các bộ, ngành đẩy mạnh cung cấp các tiện ích cho người dân, quản lý xã hội trên ứng dụng VNeID, gồm các lĩnh vực quản lý xã hội như tố giác tội phạm, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường, khai báo tạm trú, tạm vắng; dịch vụ ngân hàng, mua sắm, giáo dục, y tế...
Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp Bộ Công an nghiên cứu, xây dựng "Tài khoản an sinh xã hội" để mỗi người dân VN có tài khoản an sinh xã hội trên ứng dụng VNeID.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh yếu tố quyết định thành công của Đề án 06 là sự vào cuộc của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương. Ông quán triệt "phải làm lợi cho người dân và doanh nghiệp, tất cả vì nhân dân phục vụ".
VTC News