MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sức hút của kênh mua sắm giải trí trực tuyến

24-12-2023 - 15:30 PM | Kinh tế số

Thương mại điện tử sẽ tạo động lực thúc đẩy kinh tế TP HCM và cả nước; TP HCM đã bắt đầu thí điểm mô hình mua sắm kết hợp giải trí trực tuyến

Ngày 23-12, Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) TP HCM (HUBA) tổ chức chương trình Cà phê doanh nhân HUBA với chủ đề "Cơ hội mới cùng kênh mua sắm giải trí trực tuyến".

Xu hướng "xanh" và "số"

TS Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, cho biết Chủ tịch UBND TP HCM đã đặt hàng viện cùng các đơn vị nghiên cứu tham mưu giải pháp thúc đẩy những mô hình, xu hướng kinh doanh mới. "Xu hướng kinh doanh mới của TP HCM có thể tóm gọn trong 2 từ là "xanh" và "số". Trong đó, thành phố đã có đề án về thương mại điện tử và triển khai thành công trong 2 năm qua" - ông Huy Vũ thông tin.

Cũng theo TS Trương Minh Huy Vũ, social commerce (thương mại điện tử xã hội) là trào lưu mới, không chỉ xuất hiện trên các sàn thương mại điện tử mà cả trên mạng xã hội thông qua các nhà sáng tạo nội dung số.

Dưới sự chỉ đạo của UBND TP HCM, các cơ quan của thành phố đã bắt đầu thí điểm social commerce, chẳng hạn thí điểm livestream (phát trực tiếp) bán sản phẩm OCOP (chương trình "Mỗi xã một sản phẩm") tại huyện Cần Giờ, livestream bán hàng ở chợ Bến Thành.

Bên cạnh đó, qua thí điểm ứng dụng công nghệ số để "người ảo" livestream bán hàng ở chợ Bến Thành đã ghi nhận 70% tiểu thương mong muốn chuyển đổi số và 900 tiểu thương được tiếp xúc mong muốn được tham gia chương trình.

"Về lâu dài, thương mại điện tử sẽ tạo động lực thúc đẩy kinh tế TP HCM và cả nước. Cần suy nghĩ về hệ sinh thái livestream, đây không chỉ là câu chuyện nhất thời, theo trend (xu hướng - PV) mà cần hình dung một cách tổng thể hơn" - ông Huy Vũ nhìn nhận.

Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho rằng thương mại điện tử đóng góp lớn trong tổng doanh thu thương mại dịch vụ và bán buôn, bán lẻ khoảng 707.000 tỉ đồng của 11 tháng đầu năm 2023.

"Thương mại điện tử tăng trưởng với tốc độ khủng khiếp, trên 50% trong 11 tháng. Cạnh tranh trên kênh thương mại điện tử cũng trở nên khốc liệt hơn khi có đến 18% số gian hàng trên sàn Shopee phải đóng cửa. Doanh nghiệp cần có hướng đi khác biệt để kinh doanh hiệu quả trên kênh này" - ông Hoàng Vũ lưu ý.

Thương mại điện tử với các phiên bản khác nhau sẽ là xu thế phát triển lâu dài, đóng góp lớn vào thương mại nói chungẢnh: HOÀNG TRIỀU

Thương mại điện tử với các phiên bản khác nhau sẽ là xu thế phát triển lâu dài, đóng góp lớn vào thương mại nói chungẢnh: HOÀNG TRIỀU

Doanh nghiệp nhập cuộc

Ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam, cho hay hiện có hàng trăm ngàn nhà sáng tạo nội dung, hàng triệu video được đưa lên nền tảng này mỗi ngày.

Tại Việt Nam, có khoảng 12 tỉ lượt xem video/ngày trên TikTok và có đến 1-2 triệu đơn hàng/ngày được bán thành công thông qua nền tảng này. Người Việt đang dành 1-2 giờ/ngày để lướt TikTok.

Ông Trần Quốc Bảo, phụ trách kênh E2E (Entertainment & E-commerce) của Tập đoàn KIDO, dẫn số liệu cho thấy có đến 80% người dân đang dùng internet, 71% người dân dùng mạng xã hội và hình thức mua sắm online cũng trở nên phổ biến.

Đã xuất hiện nhiều phiên bản khác nhau của thương mại điện tử như mua sắm trên sàn, mua sắm trên mạng xã hội (social commerce) và mua sắm kết hợp giải trí (shoppertainment). Do đó, tất yếu Việt Nam sẽ hình thành một nền kinh tế social commerce.

Từ xu hướng này, Tập đoàn KIDO đã đầu tư vào kênh E2E nhằm tạo nên một kênh tiếp thị, một trung tâm thương mại online. Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng Giám đốc Tập đoàn KIDO, cho biết nền tảng mạng đã xóa bỏ các rào cản về vật lý, kỹ thuật để mỗi ngày có đến hàng triệu phiên livestream bán hàng.

Mô hình bán hàng thông qua nền tảng công nghệ sẽ giúp khách hàng mua được hàng giá tốt, được hậu mãi cao hơn khi nhà bán hàng giảm bớt chi phí kinh doanh. 

Tăng cường kiểm tra hàng hóa trên mạng

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương cho biết năm 2023, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ của Việt Nam dự kiến đạt 20,5 tỉ USD, tăng 25% so với năm 2022. Việt Nam thuộc nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng bán lẻ trực tuyến hàng đầu thế giới, đứng đầu khu vực Đông Nam Á.

Dù vậy, có nhiều khó khăn, thách thức trong việc kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; bảo đảm an toàn thông tin cá nhân; hạ tầng logistics còn chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng của thị trường... Thời gian tới, cơ quan quản lý sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra hàng hóa trên môi trường mạng, bảo mật thông tin và an ninh trong giao dịch trực tuyến. M.Chiến

Theo Thanh Nhân

Người lao động

Trở lên trên