Ứng phó bão số 1: Hải Phòng cấm biển, Cô Tô đưa hơn 10.000 du khách vào bờ
Ngày 17/7, ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND TP Hải Phòng yêu cầu các quận huyện, sở ngành trực thuộc tuyệt đối không được chủ quan, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện phòng chống và khắc phục hậu quả do cơn bão số 1 đang đổ bộ vào đất liền.
- 18-07-2023Bão số 1: Đóng cửa 3 sân bay, hàng chục chuyến bay bị hoãn, hủy
- 17-07-2023Hà Nội hạn chế người dân ra đường khi bão đổ bộ, dự kiến 10 điểm ngập nặng
- 17-07-2023Sẵn sàng đóng cầu Bãi Cháy, Tân Vũ - Lạch Huyện ứng phó bão số 1
Ông Tùng yêu cầu cơ quan chức năng bằng mọi biện pháp thông báo cho chủ các phương tiện hoạt động trên biển khẩn trương di chuyển về nơi trú bão an toàn; quản lý chặt chẽ hoạt động của tàu thuyền thủy sản, tàu du lịch, tàu vận tải; tổ chức neo đậu tàu thuyền, gia cố lồng bè thủy sản. Tuyệt đối không để người trên các tàu thuyền, lồng bè, chòi canh thủy sản khi có gió mạnh hoặc bão đổ bộ, đặc biệt khách du lịch trên biển và các đảo.
Đại diện lãnh đạo UBND huyện Cát Hải cho biết, địa phương đã tạm dừng hoạt động tham quan du lịch trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà từ trưa 17/7. Địa phương đã đưa có 690 phương tiện tàu, thuyền với hơn 2.000 lao động tránh trú bão trên địa bàn huyện; 646 phương tiện tàu thuyền khai thác và dịch vụ thủy sản, phương tiện vận tải khách và du lịch đã được sắp xếp về nơi neo đậu. Ngoài ra, 134 cơ sở nuôi trồng thủy sản với 336 lao động đang được lực lượng chức năng vận động sơ tán về vị trí tránh trú an toàn.
Huyện Cát Hải đã triển khai phương án “4 tại chỗ”, 100% nhân sự các đơn vị quân đội, công an, các phòng ban chuyên môn, xã địa bàn ứng trực. Địa phương chuẩn bị các vật liệu cát, đá, dây thừng, cọc tre, áo phao; 30 ô tô, 33 xuồng máy và nhiều máy xúc ủi, xe cứu thương… sẵn sàng các phương án ứng phó cơn bão Talim.
Anh Dũng (40 tuổi, ở Cát Bà) cho biết, anh và hàng trăm ngư dân đã hoàn tất việc gia cố ô lồng nuôi trồng thủy hải sản trên các vịnh. Anh tỏ ra lo lắng vì các ô lồng bằng vật liệu nhựa HDPE mới đưa vào sử dụng chưa từng trải qua các cơn bão lớn.
Cô Tô đưa hơn 10.000 du khách vào bờ an toàn
Trong 2 ngày 16 và 17/7, UBND huyện Cô Tô kịp thời xuất bến hàng chục chuyến tàu đưa hơn 10.000 khách về đất liền. Những du khách có mong muốn ở lại đảo Cô Tô trong thời gian bão số 1 đổ bộ sẽ được nắm bắt số lượng, liên lạc thường xuyên để cập nhật tình hình.
Thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Ninh cho biết, từ 15 giờ ngày 17/7, việc cấp phép cho các phương tiện thủy ra khơi sẽ tạm dừng.
Theo đó, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Ninh đề nghị Sở Giao thông vận tải, Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh, Cảng vụ Đường thủy nội địa, UBND các địa phương ven biển xem xét tạm ngừng cấp phép cho các phương tiện thủy ra khơi (có thể xem xét, cho phép các tàu được chạy về nơi tránh trú và kết thúc công việc trước 18 giờ ngày 17/7), tạm ngừng cấp phép cho các phương tiện du lịch biển, lưu trú qua đêm tại các điểm du lịch trên biển.
Hiện, Quảng Ninh đã bố trí các lực lượng với trên 1.000 người, sẵn sàng ứng trực bão số 1. Đến chiều 17/7, toàn tỉnh có trên 6.000 tàu các loại (trong đó có 231 tàu đánh bắt xa bờ) đã vào khu vực neo đậu an toàn. Về nuôi trồng thủy sản, tỉnh có hơn 14 nghìn lồng hiện đã kiểm soát, chằng chéo đảm bảo an toàn khi bão đổ bộ.
Tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, chống bão theo phương châm “3 trước - 4 tại chỗ”, căn cứ tình hình thực tế và khả năng ảnh hưởng của bão, mưa lũ tại địa phương chủ động thông tin kịp thời, hướng dẫn người dân, các đơn vị ứng phó bão, lũ, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho tàu thuyền tại khu neo đậu.
Các địa phương rà soát đảm bảo an toàn cho hoạt động du lịch và du khách, các hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản. Kiên quyết sơ tán người dân trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn trước khi bão ảnh hưởng trực tiếp; chủ động báo cáo và thực hiện lệnh cấm biển đối với tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch.
Quảng Ninh đã bố trí các lực lượng với trên 1.000 người, sẵn sàng ứng trực bão số 1. Đến chiều 17/7, toàn tỉnh có trên 6.000 tàu các loại (trong đó có 231 tàu đánh bắt xa bờ) đã vào khu vực neo đậu an toàn.
Trước đó, đêm 16/7, Đồn Biên phòng Cô Tô tổ chức bắn pháo hiệu thông báo cho các chủ tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết và tìm nơi trú ẩn an toàn. Đồng thời cảnh báo các tàu thuyền không ra khơi khi có mưa bão trên biển. UBND huyện Cô Tô kịp thời xuất bến 42 chuyến tàu đưa hơn 10.000 khách về đất liền.
Những du khách có mong muốn ở lại đảo Cô Tô trong thời gian bão số 1 đổ bộ sẽ được nắm bắt số lượng, liên lạc thường xuyên để cập nhật tình hình. Các cơ sở lưu trú không được tự ý tăng giá mà phải phục vụ như bình thường.
Bên cạnh việc đảm bảo an toàn cho du khách, huyện Cô Tô đã kêu gọi 425 phương tiện hoạt động trên địa bàn huyện (tàu thuyền của huyện là 306 phương tiện, ngoài huyện là 119 phương tiện). Đến nay đã có 216 phương tiện về nơi tránh trú an toàn, còn 209 phương tiện đang tiếp tục di chuyển về nơi tránh trú.
Tiền phong