Ứng phó thế nào trước biến động tăng lương?
Tăng lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng từ ngày 1/7 sẽ tác động lên lạm phát như thế nào và ảnh hưởng ra sao đến kế hoạch và hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp?
- 05-08-2024Xanh hóa chuỗi sản xuất dệt may đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu
- 05-08-2024Bộ Tài chính từ chối đề xuất bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng
- 05-08-2024Tăng lương cơ sở nhưng lạm phát tăng không đáng kể
Đây là vấn đề đang "nóng" được quan tâm nhiều nhất hiện nay.
Lương tăng, có lo về giá?
Từ 1/7/2024, lương cơ sở tăng thêm 30%, mức cao nhất trong lịch sử, lên 2,34 triệu đồng. Ước tính 2,78 triệu cán bộ, công chức, viên chức khu vực công (chưa bao gồm lực lượng vũ trang) được hưởng lợi. Đây là nhóm được tính lương, phụ cấp và các chế độ dựa trên hệ số theo ngạch, bậc, nhân với lương cơ sở.
Lương cơ sở đã chính thức tăng từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng kể từ ngày 1/7 vừa qua. Việc tăng lương mang ý nghĩa và cần thiết, không chỉ giúp cải thiện, nâng cao đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức mà còn mang lại niềm vui, động lực lớn cho cả người lao động, góp phần kịp thời hỗ trợ người lao động yên tâm làm việc. Thế nhưng, có rất nhiều ý kiến lo ngại, mức tăng thu nhập khu vực công có thể khiến giá cả thị trường "tát nước theo mưa". Trên thực tế, chưa đến ngày tăng lương nhưng giá cả hàng hóa đã rục rịch tăng.
Cần có giải pháp bình ổn giá cả thị trường dịp cuối năm 2024
Chia sẻ về câu chuyện này, nhiều chuyên gia đánh giá, tăng lương không phải là nguyên nhân dẫn đến biến động bất thường của chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số đo lạm phát. Sau khi lương cơ sở tăng, giá cả có thể tăng theo ngay sau đó do hiệu ứng tâm lý. Tuy nhiên, nhưng nếu sau đó không có các "cú sốc" về vĩ mô thì lạm phát không thể tăng cao. Nhìn về mặt tích cực có thể thấy, hiệu ứng tăng lương sẽ bù đắp cho sức mua bị giảm sút thời gian qua và khó gây ra một cú nhảy vọt về nhu cầu để lạm phát tăng.
Theo TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), việc điều chỉnh lương chủ yếu diễn ra trong khu vực công có quy mô không lớn trong nền kinh tế. Ông Đô khẳng định: Các tác động từ việc tăng lương tới lạm phát thời gian tới sẽ không quá lớn. Nếu không có các cuộc điều chỉnh giá quy mô lớn đối với các mặt hàng được Nhà nước quản lý, lạm phát so với cùng kỳ sẽ giảm mạnh trong quý III/2024, khi các tác động từ đợt tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục trong quý III/2023 giảm dần. Tính trung bình, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong cả năm 2024 được dự báo sẽ tăng 3,4%. Từ những phân tích và nhận định của mình, ông Đô nhấn mạnh thêm, sẽ không có nhiều yếu tố gây tăng giá đột biến trong 6 tháng cuối năm 2024; ngoại trừ việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý chưa được công bố về quy mô, thời điểm và giới chuyên gia đang chờ đợi.
Trao đổi về vấn đề này, TS Nguyễn Việt Cường - Giảng viên Trường Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng khẳng định, tăng lương tối thiểu không làm tăng lạm phát, mà ngược lại là hệ quả của lạm phát.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, trong 6 tháng cuối năm, lạm phát có xu hướng giảm. "Lạm phát toàn cầu có dấu hiệu hạ nhiệt, có thể trong nửa cuối năm, lạm phát so với cùng kỳ tại Việt Nam sẽ có xu hướng giảm dần sau khi đạt đỉnh vào tháng 5 vừa qua", PGS-TS Nguyễn Bá Minh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho biết.
Doanh nghiệp cần có kế hoạch "lựa thời" phù hợp
Theo các chuyên gia kinh tế, để cân đối cho bài toán tăng lương, không tăng giá thì cần phải điều tiết thị trường tốt và phụ thuộc vào các giải pháp tổng thể của Chính phủ.
Đặc trưng của ngành dệt may là sử dụng nhiều lao động nên các chi phí về lương, bảo hiểm tăng sẽ tác động không nhỏ đến doanh nghiệp
Hiện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đang nỗ lực để ổn định giá cả thị trường, đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Cơ quan điều hành giá này sẽ giám sát chặt chẽ biến động giá cả thị trường để tham mưu chính sách, kịch bản điều hành giá phù hợp, linh hoạt, kịp thời, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, Cục Quản lý sẽ tiếp tục theo dõi sát các phương án, lộ trình giá do các bộ xây dựng, đề xuất, nhất là đối với các mặt hàng nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường như điện, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục...
Nhiều chuyên gia nhận định, việc tăng lương cơ bản sẽ tạo động lực giúp người lao động làm việc năng suất hơn, qua đó bù đắp chi phí lương tăng thêm.
Còn đối với các doanh nghiệp tư nhân, một số công ty chia sẻ bị ảnh hưởng và tăng áp lực trước biến động về lương. Ông Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty May Hưng Yên cho biết, đặc trưng của ngành dệt may là sử dụng nhiều lao động nên các chi phí về lương, bảo hiểm tăng sẽ tác động không nhỏ đến doanh nghiệp bởi phải “gánh” thêm một khoản chi phí chính là “gánh” thêm áp lực đối với doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia kinh tế, trước việc tăng lương cơ bản, doanh nghiệp cần có những kế hoạch linh hoạt và phù hợp để không gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc điều chỉnh không tạo ra tác động lớn do tiền lương thực tế của người lao động phần lớn đã cao hơn mức tối thiểu do Nhà nước quy định. Vì vậy, doanh nghiệp chỉ tăng thêm chi phí khi lương tối thiểu tăng trong trường hợp đang sử dụng mức này để đóng bảo hiểm xã hội cho nhân viên của mình.
Trao đổi với phóng viên VTV Times, Luật sư Trần Trí Hiếu cho biết, khi lương tối thiểu vùng tăng, mức tiền lương tối thiểu làm căn cứ đóng BHXH cũng sẽ tăng theo. Do đó, nếu đang đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động theo mức lương tối thiểu vùng thì từ ngày 01/7/2024, số tiền hàng tháng mà doanh nghiệp phải bỏ ra để đóng các loại bảo hiểm bắt buộc nói trên sẽ tăng thêm đáng kể so với trước. Trường hợp đã đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động theo mức lương cao hơn lương tối thiểu vùng thì số tiền đóng các loại bảo hiểm bắt buộc của doanh nghiệp không cần điều chỉnh tăng.
Bên cạnh đó, theo Điều 5 Nghị định 191/2013/NĐ-CP, khi mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động của doanh nghiệp tăng thì tiền nộp kinh phí công đoàn của doanh nghiệp cũng sẽ tăng theo. Ngoài ra, với việc tăng lương tối thiểu vùng, mức lương ngừng việc tối thiểu trả cho người lao động trong các trường hợp ngừng việc, chuyển việc cũng sẽ tăng.
Ở khía cạnh khác, các chuyên gia cũng nhấn mạnh thêm, mức tăng lương tối thiểu tương đối thấp, do đó chi phí của doanh nghiệp cũng sẽ không biến động lớn. Vì vậy, doanh nghiệp không nên có kế hoạch tăng giá hàng hóa mà nên tranh thủ sức mua tăng để tăng nguồn cung, phát triển sản xuất, mở rộng thị trường. Đặc biệt, doanh nghiệp cần sớm có kế hoạch chủ động chuẩn bị các nguồn hàng vào dịp cuối năm.
"Về lâu dài, điều quan trọng nhất đối với doanh nghiệp là tập trung tăng năng suất lao động thông qua đầu tư cho nhân công, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất...để hạ giá thành sản phẩm, luôn giữ được giá cả ổn định", Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam khuyến nghị./.
vtv