MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ứng phó thuế tối thiểu toàn cầu

Nếu Việt Nam tham gia thực hiện áp thuế tối thiểu toàn cầu thì cần sớm sửa đổi ít nhất 3 đạo luật và sửa đổi các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài.

Ứng phó thuế tối thiểu toàn cầu - VTV.VN

Các công ty đa quốc gia có doanh thu toàn cầu trên 750 triệu Euro và có lợi nhuận trên 10% doanh thu sẽ bị áp mức thuế suất tối thiểu 15% lợi nhuận kể từ đầu năm sau.

Nếu tại các nước doanh nghiệp hiện nộp thuế thấp hơn mức này, thì doanh nghiệp đó phải nộp phần còn thiếu ở quốc gia nơi đặt trụ sở chính. Như vậy, nếu Việt Nam tham gia vào cơ chế này thì cần sớm sửa đổi ít nhất 3 đạo luật và sửa đổi các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài.

Với mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp bình quân áp dụng cho các doanh nghiệp đa quốc gia hiện ở quanh ngưỡng 12,3%, thấp hơn nhiều quy định chung là 20% cho thấy, Việt Nam đang sử dụng ưu đãi thuế như một giải pháp để thu hút đầu tư nước ngoài.

Một số tập đoàn đa quốc gia lớn hiện được Việt Nam cho hưởng thuế suất ưu đãi chỉ từ 2,75 - 5,95%.

"Nếu Việt Nam tham gia trụ cột 2 thì Việt Nam sẽ giành được quyền đánh thuế, tức là ngân sách sẽ thu được thêm một khoản thuế bổ sung. Nên đưa ra các chính sách để tạo thành các quỹ để trợ giúp cho môi trường đầu tư", ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ tư vấn thuế Deloitte Việt Nam, cho biết.

Ứng phó thuế tối thiểu toàn cầu - Ảnh 1.

Hiện cả nước có 36.500 dự án đầu tư nước ngoài, trong đó có trên 1.000 doanh nghiệp lớn và hàng nghìn doanh nghiệp vệ tinh. (Ảnh minh họa - Ảnh: qdnd)

Tuy nhiên, khi thực hiện cách này, Việt Nam vẫn phải kịp thời sửa một số luật như: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các quy định có liên quan cho phù hợp với quy định quốc tế.

"Phải thay đổi một số quy định từ trước đến nay chúng ta đã có để đáp ứng được cải thiện môi trường đầu tư theo hướng không sử dụng chính sách thuế vào ưu đãi đầu tư", PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, nêu quan điểm.

Hiện cả nước có 36.500 dự án đầu tư nước ngoài, trong đó có trên 1.000 doanh nghiệp lớn và hàng nghìn doanh nghiệp vệ tinh sẽ chịu tác động của thuế tối thiểu toàn cầu.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu thực hiện quyền đánh thuế tối thiểu 15%, ngân sách sẽ có thêm từ 12.000 - 30.000 tỷ đồng để hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp FDI.

"Cần sự phối hợp giữa Bộ Tài chính với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Công Thương để rà soát các biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp. Ví dụ như hỗ trợ về cơ sở hạn tầng cho các doanh nghiệp lớn đầu tư tại Việt Nam, mua sắm trang thiết bị tài sản cố định, xây dựng nhà ở xã hội, hỗ trợ chi phí đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động hoặc chi phí về nghiên cứu phát triển của các tập đoàn", ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, nhận định.

Thời gian từ nay đến khi phải thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực còn rất ngắn. Nếu Việt Nam quyết định tham gia thì cần sớm sửa đổi một số luật và ban hành các chính sách tạo thành gói tổng thể hỗ trợ nhiều mặt hơn cho nhà đầu tư để Việt Nam tiếp tục có môi trường hấp dẫn trong thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo Nguyễn Trung

VTV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên