Uniben (Mì 3 miền) mua một công ty chứng khoán
Tăng vốn lên 1.000 tỷ đồng, CTCP Chứng khoán Globalmind Capital đổi tên thành Kafi, với cổ đông lớn nhất là CTCP Uniben.
- 17-09-2022Bầu Đức: "Chúc mừng Hoàng Anh Gia Lai đã thoát nạn!"
- 17-09-2022Đằng sau đà tăng một mạch từ 4.000 lên 90.000 đồng/cp và lời “kêu cứu” của công ty cà phê
- 17-09-2022Thêm một Phó Tổng giám đốc của Tập đoàn FLC từ chức
Tháng 8/2022, CTCP Chứng khoán Globalmind Capital thông báo hoàn tất đổi tên thành công ty Chứng khoán Kafi, thay đổi toàn bộ nhận diện thương hiệu và chiến lược hoạt động. Kafi hướng tới xây dựng, phát triển và quản lý tài sản cho khách hàng chứ không đơn thuần cung cấp dịch vụ chứng khoán.
Ông Trịnh Thanh Cần được bổ nhiệm làm tổng giám đốc của công ty từ tháng 4/2022. Ông Cần từng đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc ACBS sau nhiều năm hoạt động trong linh vực tài chính ở các CTCK như Bản Việt, HSC.
Trước đó, vào ngày 26/07/2022, CTCP Chứng khoán Globalmind Capital công bố thông tin bất thường về việc HĐQT phê duyệt kết quả tăng vốn điều lệ của công ty từ 155 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng.
Cụ thể, công ty này đã chào bán 134,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp, dự kiến huy động 1.345 tỷ đồng. Kết thúc đợt chào bán vào ngày 11/07, có 84,5 triệu cổ phiếu được phân phối, tương ứng 62,83% tổng số cổ phiếu chào bán. Tổng số tiền thu được từ đợt chào bán là 845 tỷ đồng.
Trong đó, cổ đông lớn nhất của Globalmind Capital là CTCP Uniben tiếp tục mua vào hơn 19 triệu cổ phiếu, tương đương 190 tỷ đồng để duy trì tỷ lệ nắm giữ 22,5%.
Đợt phát hành cũng ghi nhận sự xuất hiện của cổ đông mới là nhà đầu tư ngoại Gentle Sun Investments Limited, nhận chuyển nhượng 13,94 triệu cổ phiếu từ cổ đông khác, qua đó nắm giữ 13,94% cổ phần công ty.
Trong danh sách công bố, công ty có một số cổ đông lớn nắm giữ trên 5% là ông Đặng Khắc Nhật Minh (9,78%), ông Đặng Khắc Cường (6,34%) và một số cổ đông có tỷ lệ nắm giữ gần 5% là ông Đặng Khắc Vỹ (4,86%), bà Trần Thị Thảo Hiền (4,88%) bà Đặng Thị Thu Thủy (4,93%), bà Nguyễn Thị Thu Trang (4,94%), ông Đặng Văn Sơn (4,9%), ông Đặng Khắc Mạnh (4,43%). Ông Đặng Khắc Cường và Đặng Khắc Mạnh – giống như Gentle Sun Investments Limited là nhận chuyển nhượng từ cổ đông khác.
Trong khi đó, ông Đặng Khắc Vỹ và bà Trần Thị Thảo Hiền chính là vợ chồng Chủ tịch HĐQT Ngân hàng quốc tế VIB. Ông Đặng Văn Sơn là phó Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng này.
Uniben và ngân hàng VIB vốn được biết đến có mối quan hệ thân thiết với nhau khi công ty con của Uniben là CTCP Đầu tư và Thương mại Hệ thống quốc tế (Nettra) là cựu cổ đông lớn, từng nắm giữ 14,99% vốn của VIB. Ông Đặng Khắc Dũng - em trai Chủ tịch VIB Đặng Khắc Vỹ từng nắm 64,5% cổ phần của Nettra. Trước đó, trong năm 2020, Uniben dùng 17 triệu cổ phiếu VIB để đảm bảo cho khoản nợ giá trị 500 tỷ đồng huy động bằng trái phiếu.
Vào tháng 5/2021, Công ty Cổ phần Uniben đã bán 3 triệu cổ phiếu VIB và giảm tỷ lệ sở hữu tại đây xuống còn 4,72%, không còn là cổ đông lớn.
Cuối năm 2021, sau khi mua vào 3,48 triệu cổ phần, Uniben trở thành cổ đông lớn của Globalmind Capital. Sau sự có mặt của Uniben, Globalmind Capital bước vào giai đoạn tái cơ cấu khi công ty mang gần như toàn bộ vốn đi mua trái phiếu và gửi ngân hàng, không có hoạt động nghiệp vụ chứng khoán. Báo cáo tài chính bán niên năm 2022 cho thấy công ty sở hữu 110 tỷ đồng trái phiếu Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), 6 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi cùng với 22 tỷ đồng tiền mặt.
Uniben tiền thân là Công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm Việt Hưng, được thành lập năm 1992 với sản phẩm chính là mì 3 Miền. Giai đoạn này, công ty chủ yếu hoạt động ở khu vực phía Nam và xuất khẩu mì sang thị trường Đông Âu.
Đến năm 2009, công ty đổi chủ sở hữu và 6 năm sau đổi tên thành Công ty cổ phần Uniben. Từ đây, công ty thay đổi hoàn toàn bộ nhận diện thương hiệu và đầu tư mạnh mẽ vào ngành mì, cụ thể là thương hiệu 3 Miền. Theo báo cáo Kantar Worldpanel Brand Footprint, hãng mì này đã trở thành thương hiệu mì ăn liền được người tiêu dùng chọn mua số 1 tại thị trường nông thôn từ năm 2016 và giữ vững cho tới hiện tại.
Với thành công của 3 Miền, Uniben cũng trở thành nhà sản xuất mì ăn liền lớn thứ 3 ở Việt Nam. Ngoài mì ăn liền, công ty đã mở rộng sang ngành hàng gia vị và nước giải khát. Năm 2021, Uniben đạt doanh thu hơn 3.400 tỷ đồng, tăng 12% so với năm trước.
Hoạt động trong lĩnh vực chính là sản xuất mì ăn liền, việc mua lại chứng khoán Kafi cho thấy tham vọng mở rộng hoạt động của Uniben.
Nhịp sống thị trường