MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Unilever, P&G, General Electric,... và các tập đoàn đa quốc gia khác đang 'dắt nhau' thoái lui?

13-03-2017 - 10:31 AM | Tài chính quốc tế

Với sự lùi bước của Mỹ trên trường quốc tế và sự đi xuống của các công ty đa quốc gia truyền thống, có vẻ như quá trình toàn cầu hóa đang bước vào giai đoạn thoái trào. Nhưng sự thật liệu có phải như vậy?

Mặc dù, toàn cầu hóa kinh tế đã có lịch sử khá lâu đời, nhưng quá trình này thực sự chỉ diễn ra một cách mạnh mẽ khi Internet bắt đầu được ứng dụng và phổ biến rộng rãi vào những năm 90 của thế kỷ trước. Tại thời điểm ấy, chưa bao giờ việc trao đổi thông tin lại diễn ra nhanh chóng và thuận tiện đến thế, tạo nền móng cho quá trình giao lưu kinh tế và thương mại quốc tế trở nên dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, có những ý kiến cho rằng ở thời điểm hiện tại, quá trình này đang bước vào giai đoạn thoái trào. Vậy đâu là cơ sở cho những ý kiến đó?

Sự lùi bước của Mỹ - một biểu tượng của kinh tế toàn cầu hóa

Trước khi Trump trở thành tổng thống, Mỹ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong thương mại toàn cầu (11%), vốn cổ phần nước ngoài (18%) và người nhập cư (19%).


Tỷ lệ các quốc gia trên thế giới về thương mại, thị trường tài chính và di cư

Tỷ lệ các quốc gia trên thế giới về thương mại, thị trường tài chính và di cư

(Nguồn: brookings.edu theo số liệu của UN năm 2015, World Bank năm 2016)

Tuy nhiên, trong bài phát biểu nhậm chức của mình, Donald Trump đã tuyên bố rằng Mỹ sẽ thực hiện 2 nguyên tắc đơn giản: mua hàng hóa của người Mỹ và thuê người Mỹ.

Lời phát biểu sớm được đưa vào thực tiễn khi tổng thống thứ 45 đã liên tiếp phê duyệt những lệnh hành pháp thể hiện chính sách bảo hộ của mình, bao gồm rời khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đàm phán lại NAFTA, khả năng áp đặt thuế biên giới đối với Mexico, cấm những người nhập cư tới từ một số quốc gia, và tăng thuế nhập khẩu.

Các chính sách này của Trump ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu, và có thể là một bước đi giật lùi đối với một quốc gia từng được coi là biểu tượng của quá trình toàn cầu hóa. Cụ thể, chúng làm giảm khối lượng thương mại giữa Mỹ và các đối tác nước ngoài do các ưu đãi trong các Hiệp định kinh tế không còn được áp dụng, giảm vốn FDI các công ty Mỹ đầu tư trực tiếp ra nước ngoài do mức thuế/chi phí gia tăng.

Thêm vào đó, Mỹ là điểm đến hàng đầu cho những người nhập cư tới từ 60 quốc gia, nhưng việc trục xuất một số lượng lớn những người di cư và hạn chế về số lượng người đăng ký nhập cư trong tương lai cũng làm cho quá trình toàn cầu hóa về nguồn lao động cũng phần nào chững lại.

Những tác động trực tiếp này, tuy quan trọng, nhưng chỉ là một phần nhỏ khi đem ra so sánh với tác động gián tiếp – phản ứng theo 3 chiều hướng của các quốc gia khác đối với các chính sách bảo hộ của Trump.

Các quốc gia khác hoàn toàn có thể trả đũa các chính sách bảo hộ của Mỹ, đây chính là cơ sở cho những lo ngại rằng Trump có thể gây ra một cuộc chiến thương mại. Theo tờ Global Times của Trung Quốc, nước này có thể phản ứng với các chính sách thương mại cứng rắn của Mỹ bằng cách hủy bỏ hợp đồng với các nhà cung cấp Mỹ, áp đặt thuế quan lên hàng nhập khẩu từ Mỹ và hạn chế số lượng sinh viên Trung Quốc học tập ở Mỹ.

Một số quốc gia khác và các nhà lãnh đạo có thể bắt chước những chính sách của Trump. Các chính trị gia đến từ Ý, Hungary và Hy Lạp đã cho rằng việc Trump đắc cử tổng thống là sự biện minh cho các chính sách của họ nhằm đảo ngược quá trình toàn cầu hóa.

Ngoài ra, các quốc gia có thể phủ nhận các định mức và thể chế đang củng cố nền kinh tế toàn cầu hóa, nếu họ cảm thấy rằng Mỹ không còn cam kết duy trì trật tự kinh tế tự do. Điều này phản ánh niềm tin rộng rãi rằng sự ổn định của trật tự kinh tế hiện tại phụ thuộc vào Mỹ - bá chủ trong thời gian dài của nền kinh tế toàn cầu.

Sự chững lại của các công ty đa quốc gia (MNCs) truyền thống

Theo The Economist, trong năm 2016, tỷ lệ đầu tư xuyên biên giới của các MNCs có thể đã giảm từ 10 – 15%. Tỷ trọng thương mại của các chuỗi cung ứng qua biên giới thực chất đã có dấu hiệu chững lại kể từ năm 2007.

Dòng vốn đầu tư trực tiếp FDI cũng đang giảm dần so với GDP toàn cầu, chiếm chỉ khoảng 2,8% vào năm 2015.

Sự chững lại của các MNCs còn được thể hiện qua hệ số thu nhập trên vốn cổ phần (ROE) – chỉ số phản ánh mức thu nhập ròng trên vốn cổ phần của cổ đông (hay trên giá trị tài sản ròng hữu hình). ROE của 700 công ty đa quốc gia hàng đầu đã giảm từ mức đỉnh 18% một thập kỷ trước xuống còn 11%. Lợi nhuận của các công ty có hoạt động tại nước ngoài cũng đã giảm dựa theo số liệu thống kê về cán cân thanh toán. ROE tại 3 nước vốn được nhiều MNCs lớn nhất đặt trụ sở (Mỹ, Anh, và Hà Lan) đã giảm xuống còn 4 – 8%. Xu hướng này cũng đang diễn ra tại các nước OECD.

Toàn cầu hóa liệu có hồi sinh?

Không thể phủ nhận là quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu chững lại. Tuy nhiên, cũng giống như chu kỳ kinh tế có thoái trào và có hồi phục, toàn cầu hóa kinh tế sẽ hồi sinh. Có lẽ không phải nhờ sự vươn lên một lần nữa của những công ty MNCs truyền thống mà nhờ các hình thức công ty MNCs hiện đại hơn, lợi dụng sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin.

Trên thực tế thì thế giới đang được kết nối hơn bao giờ hết, nhưng bản chất của các mối liên hệ này đã được thay đổi một cách cơ bản. Theo McKinsey Global Institute (2016), lượng băng thông qua biên giới đã tăng lên gấp 45 lần kể từ năm 2005, dự kiến sẽ còn tăng 9 lần nữa trong vòng 5 năm tới thông qua sự tăng lên nhanh chóng của các luồng thông tin, tìm kiếm, truyền thông, video, giao dịch. Hầu như mọi giao dịch qua biên giới đều có một thành phần kỹ thuật số.

Một hình thức toàn cầu hóa mang tính kỹ thuật số hơn đã mở ra cánh cửa cho các nước đang phát triển, các công ty nhỏ, start-ups, và hàng tỷ những cá nhân. Hàng chục triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ trên thế giới đã chuyển mình thanh các nhà xuất khẩu bằng cách tham gia vào các trang thương mại điện tử như Alibaba, Amazon, eBay.

Khoảng 12% thương mại hàng hóa toàn cầu được thực hiện thông qua thương mại điện tử quốc tế (McKinsey Global Institute, 2016). Thậm chí các doanh nghiệp nhỏ cũng có thể mang tính toàn cầu: theo báo cáo của MGI, 86% các công ty khởi nghiệp tham gia vào các hoạt động xuyên biên giới. Ngày nay, ngay cả những công ty nhỏ nhất cũng có thể cạnh tranh với các công ty MNCs lớn nhất.

Theo K.Nguyễn

Trí thức trẻ

Trở lên trên