UOB dự báo GDP Việt Nam năm 2023 ở mức 6,6%
GDP cả năm 2022 của Việt Nam tăng 8,02%, từ mức 2,58% ở năm 2021. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Ngân hàng UOB vừa phát hành báo cáo tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý 4/2022 và triển vọng 2023, trong đó giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 ở mức 6,6%.
- 04-01-2023Những yếu tố giúp thu ngân sách năm 2022 vượt 27,8% dự toán
- 04-01-2023Đại lộ nghìn tỷ ngổn ngang ngày thông xe: Chủ đầu tư nói một đằng, nhà thầu bảo một nẻo
- 04-01-2023Đồng Nai - đại công trường với các dự án giao thông trọng điểm
Báo cáo dẫn số liệu tăng trưởng GDP thực của Việt Nam trong quý IV/2022 bình thường trở lại với tốc độ 5,92% so với cùng kỳ do nhu cầu bên ngoài có dấu hiệu sụt giảm, sau khi tăng mạnh 13,67% trong quý III/2022.
GDP cả năm 2022 của Việt Nam tăng 8,02%, từ mức 2,58% ở năm 2021, đây là kết quả tăng trưởng tốt nhất kể từ năm 1997.
Theo báo cáo của UOB, với tỷ lệ lạm phát có khả năng duy trì ổn định, đặc biệt là trong nửa đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dự kiến sẽ cân bằng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng đồng thời duy trì sự ổn định giá cả và đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.
Chuyên gia của UOB cho rằng, mặc dù dữ liệu cả năm cho thấy kết quả tăng trưởng mạnh trên bình diện chung, nhưng khi phân tích chi tiết dữ liệu, báo cáo cũng chỉ ra các dấu hiệu của sự suy giảm khá rõ ràng và đáng quan ngại.
Đặc biệt, lĩnh vực sản xuất hầu như không mở rộng trong khi xuất khẩu ghi nhận tháng giảm thứ hai liên tiếp vào tháng 12. Tuy nhiên, điều này đã được bù đắp bởi sự tăng trưởng mạnh mẽ của các lĩnh vực kinh tế trong nước, bao gồm bán lẻ và dòng vốn đầu tư.
Theo các chuyên gia của UOB, sự tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022 cho thấy sự bền bỉ cùng với khả năng phục hồi của Việt Nam sau những thiệt hại do đại dịch COVID-19 gây ra, phần lớn nhờ vào các lĩnh vực kinh tế đa dạng trong ngành sản xuất và dịch vụ.
Dù vậy theo UOB, sự phục hồi mạnh mẽ khó có thể bền vững và động lực tăng trưởng về tổng thể có thể sẽ suy giảm hơn vào năm 2023, do việc thắt chặt chính sách tiền tệ từ các ngân hàng trung ương lớn ảnh hưởng đến nhu cầu bên ngoài, đặc biệt là từ Mỹ và châu Âu, chiếm 41% tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã thắt chặt chính sách trước áp lực lạm phát và đồng VND suy yếu, mặc dù nhu cầu trong nước có thể sẽ dẫn dắt tăng trưởng vào năm 2023 với thu nhập gia tăng và triển vọng kinh doanh được cải thiện. Do đó, UOB giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 ở mức 6,6%, phù hợp với dự báo chính thức là 6,5%.
NHNN tăng lãi suất điều hành vào đầu 2023?
Với tỷ lệ lạm phát có khả năng duy trì ổn định, đặc biệt là trong nửa đầu năm 2023, UOB nhận định, NHNN dự kiến sẽ cân bằng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng, đồng thời duy trì sự ổn định giá cả và đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.
Cuối tháng 12/2022, NHNN cho biết sẽ điều hành chính sách tiền tệ "một cách linh hoạt" để giữ lạm phát ở mức 4,5% vào năm 2023, nhằm ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối để đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.
Trong khoảng thời gian từ tháng 9 - 11/2022, NHNN đã bắt tay vào thực hiện một loạt các chính sách điều hành trước sự quyết liệt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), sức mạnh của đồng USD và áp lực lạm phát. Cụ thể, điều chỉnh tăng lãi suất cơ bản tổng cộng thêm 200 điểm cơ bản; mở rộng biên độ giao dịch USD/VND từ +/-3% lên +/-5%, để cho phép VND linh hoạt hơn trong bối cảnh đồng USD mạnh lên.
UOB dự báo, khả năng NHNN sẽ thực hiện một đợt tăng lãi suất 100 điểm cơ bản khác vào đầu năm 2023 và có thể tạm ngừng từ đó.
Về chiến lược ngoại hối, đồng Việt Nam đã tăng trở lại từ mức 24.500 VND/USD hồi đầu tháng 12 lên mức hiện tại khoảng 23.630 VND/USD.
UOB duy trì đà tăng của đồng USD so với VND, với dự đoán đạt mức 25.200 VND/USD trong quý I/2023; 25.400 trong quý II/2023; 25.600 trong quý III/2023 và 25.800 VND/USD trong quý IV/2023.
VTV