UOB tiếp quản toàn bộ mảng bán lẻ của Citibank Việt Nam từ hôm nay 01/3
Từ ngày 1/3/2023, UOB Viet Nam là tổ chức phát hành của tất cả sản phẩm thuộc khối ngân hàng bán lẻ mang thương hiệu “Citi” tại Việt Nam.
- 22-06-2022Ngân hàng UOB: Tăng trưởng GDP của Việt Nam quý 3 sẽ đạt 7,6%, tỷ giá sẽ lên 23.500 đồng/USD vào cuối năm
- 01-06-2022Ngân hàng UOB Việt Nam có tân Tổng giám đốc
- 14-01-2022UOB mua lại mảng bán lẻ của Citigroup tại Việt Nam và 3 nước Đông Nam Á khác
Trong thông báo vừa gửi tới khách hàng, Ngân hàng Citibank (Citibank Việt Nam) cho biết đã chuyển quyền sở hữu hoạt động kinh doanh của khối ngân hàng bán lẻ cho Ngân hàng United Overseas Bank (UOB Viet Nam) từ ngày 1/3/2023.
Theo đó, từ ngày 1/3/2023, UOB Viet Nam là tổ chức phát hành của tất cả sản phẩm thuộc khối ngân hàng bán lẻ mang thương hiệu “Citi” tại Việt Nam và Citibank (VN) chỉ đang cung cấp một số hỗ trợ nhất định trong giai đoạn chuyển tiếp.
Các nhãn hiệu “Citi”, “Citibank”, “Citigroup”, thiết kế Vòng Cung cùng tất cả nhãn hiệu tương tự và những hình thức phái sinh từ chúng được UOB Việt Nam tạm thời sử dụng theo giấy phép từ Tập đoàn Citigroup và các tổ chức có liên quan.
Citibank Việt Nam cho biết, các sản phẩm sẽ được chuyển giao cho UOB Việt Nam với cùng các điều khoản và điều kiện. Tuy nhiên, UOB Việt Nam sẽ có quyền điều chỉnh và/hoặc bổ sung các điều khoản và điều kiện áp dụng đối với các sản phẩm Citi của khách hàng phù hợp với các điều khoản và điều kiện đó vào từng thời điểm kể từ Ngày Hiệu lực trong quá trình UOB Việt Nam cung cấp các sản phẩm và dịch vụ cho khách hàng.
Citibank Việt Nam nhấn mạnh, các lợi ích và ưu đãi hiện có trên tài khoản tiền gửi hoặc tín dụng của khách hàng nhìn chung sẽ không thay đổi trong giai đoạn chuyển tiếp.
Trước đó, vào tháng 4/2021, Citigroup thông báo một kế hoạch tái cấu trúc để tập trung đầu tư nhiều hơn vào những lĩnh vực chiến lược khác bao gồm khối ngân hàng doanh nghiệp, để thúc đẩy và cung cấp dịch vụ chất lượng cao cho khách hàng cũng như mang lại lợi nhuận cao hơn cho các cổ đông. Theo đó, khối ngân hàng bán lẻ của sẽ tập trung hiện diện tại Singapore, Hong Kong, London và UAE – đồng thời sẽ rút khỏi 13 thị trường bán lẻ ở châu Á – Thái Bình Dương, châu Âu, Trung Đông và châu Phi, bao gồm cả Việt Nam.
Đối tác chuyển nhượng của Citigroup là UOB. Theo thỏa thuận, UOB sẽ mua lại các danh mục cho vay tín chấp và có bảo đảm, các đơn vị quản lý tài sản và tiền gửi cá nhân của Citigroup - những cấu phần tạo nên mảng bán lẻ của họ ở 4 thị trường: Indonesia, Malaysia, Thái Lan, và Việt Nam.
Theo nguồn tin của CNBC hồi đầu tháng 1/2022, UOB sẽ thanh toán cho Citigroup giá trị tài sản ròng của các đơn vị được mua lại, cộng với một khoản khác trị giá 690 triệu USD. Phía UOB cho biết, mảng bản lẻ của Citigroup có tổng giá trị ròng khoảng 4 tỷ đô la Singapore (tương đương 2,97 tỷ USD) và tệp khách hàng khoảng 2,4 triệu người, tính đến ngày 30/6/2021.
Khoảng 5.000 nhân viên giao dịch ngân hàng và nhân viên hỗ trợ của Citigroup tại Indonesia, Malaysia, Thái Lan, và Việt Nam dự kiến sẽ được chuyển giao cho UOB khi thỏa thuận kết thúc.
Giám đốc điều hành UOB cho biết thêm: "Thương vụ mua lại, cùng với nhượng quyền thương mại trong khu vực của UOB, sẽ hợp lực mạnh mẽ giúp mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh của UOB và nâng cao vị thế của một ngân hàng hàng đầu khu vực".
Được biết, UOB là một trong những ngân hàng hàng đầu tại Châu Á với mạng lưới toàn cầu gồm hơn 500 chi nhánh và văn phòng tại 19 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc Châu Á – Thái Bình Dương, Châu Âu và Bắc Mỹ.
UOB lần đầu hiện diện tại Việt Nam thông qua việc thành lập một văn phòng đại diện vào năm 1993 và trở thành một ngân hàng có vốn nước ngoài vào năm 2018.
Hiện nay, UOB Việt Nam có ba văn phòng, bao gồm hai văn phòng tại Thành phố Hồ Chí Minh và một văn phòng tại Hà Nội, và UOB Việt Nam cung cấp dịch vụ tài chính cá nhân và doanh nghiệp cho cả khách hàng Việt Nam và nước ngoài trên toàn quốc thông qua mạng lưới liên kết xuyên suốt của UOB trong khu vực.
Nhịp sống Thị trường