Uống nước ngọt có giúp tiêu hóa tốt hơn? Câu trả lời khiến cả triệu người bất ngờ!
Nhiều người cho rằng nước ngọt có gas giúp cho dễ tiêu hóa, chống ngán thức ăn, nhất là vào những bữa tiệc đầu năm. Sự thật thế nào?
Nước ngọt giúp tiêu hoá nhanh?
Theo thống kê, nước ngọt có gas tại Việt Nam mỗi năm được tiêu thụ hàng triệu lít. Chia bình quân đầu người, mỗi người uống 14,79 lít nước ngọt có gas mỗi năm, tính cả trường hợp trẻ sơ sinh.
Chị Trần Thị Phương trú tại Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội kể, cả nhà chị đều thích uống nước ngọt mà thường phải "hãm" lại, nhưng đến ngày Tết thì thật khó để không tích vài két nước ngọt trong nhà.
Hai cậu con trai của chị ngày thường mỗi tuần uống 3 – 4 lon, nhưng đến Tết chị khó cấm các con vì tâm lý người lớn có lon bia cho trẻ lon nước ngọt để các cháu nhâm nhi, đặc biệt chống ngán, giúp tiêu hoá nhanh.
Không riêng gì gia đình chị Phương nghiện nước ngọt có gas, mà loại nước này đã làm nhiều người khó lòng bỏ qua. Anh Nguyễn Văn Thanh – Hai Bà Trưng, Hà Nội dù nặng tới 91 kg nhưng nói đến nước ngọt là anh rất háu vì nó giúp anh có cảm giác sảng khoái, nhất là những khi khát uống lon nước ngọt có gas giúp anh thấy đỡ mệt hơn.
Vì sợ béo nên anh thường hạn chế sử dụng, còn ngày Tết anh rất khó hạn chế, đề ra cho mình một giới hạn nào để kiêng đồ uống này.
Nên dừng ngay thói quen tiêu thụ nước ngọt có gas!
Nước ngọt có gas lợi hay hại đã được nhắc nhiều nhưng rất khó để cưỡng lại sức hút của nó. Nhiều người biết đồ uống có gas có hại nhưng vẫn uống.
Đặc biệt mới đây, thêm một nghiên cứu mới đây được công bố bởi Đại học Tufts, Mỹ chỉ ra rằng, nước ngọt đã gián tiếp gây ra cái chết của ít nhất 180.000 người hàng năm. Nhóm nghiên cứu này còn ước tính cứ 1 trên 100 cái chết liên quan tới bệnh béo phì là do uống quá nhiều nước ngọt.
Các loại đồ uống này là tác nhân dẫn tới 133.000 cái chết mỗi năm do bệnh tiểu đường , 45.000 ca do tim mạch và 6.450 ca do ung thư...
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, ngoài công dụng tạo cảm giác sảng khoái, đỡ khát tức thời, thì thức uống này không có nhiều giá trị dinh dưỡng.
TS Trương Hồng Sơn – Viện Y học ứng dụng Việt Nam chia sẻ, tâm lý nhiều người khi ăn nhiều đạm hoặc mỡ thì sẽ uống nước ngọt để dễ tiêu hóa nhất là trong dịp lễ Tết này.
TS Trương Hồng Sơn
Thực chất, TS Sơn nhấn mạnh trong nước ngọt có ga không có tác dụng giúp hoạt động tiêu hóa tốt hơn. Nước có ga thường có chứa carbon dioxide (CO2) và nước, 2 chất này có thể phản ứng với nhau tạo ra một loại axit yếu là axit carbonic. Axit này đã được chứng minh là có thể kích thích các thụ thể cảm nhận vị giác ở trong miệng (giống như mù tạt).
Do vậy, nó có thể tạo cảm giác râm ran ở trong miệng, và với một số người thì cảm giác này sẽ khiến họ bị kích thích và cảm thấy thích thú, ngon miệng hơn.
Ngoài ra, trong thành phần của một số loại nước ngọt có thể có một ít axít phosphoric, làm chất đạm dễ được phân cắt hơn, nên một số người uống nước ngọt khi ăn thức ăn giàu đạm. Lượng axít này gây mòn men răng nên dễ gây sâu răng, không có lợi với trẻ nhỏ, cần hạn chế.
Nước ngọt có ga thường có chứa calo rỗng (calo không chứa dinh dưỡng). Nước ngọt không chỉ ảnh hưởng tới sức khoẻ người lớn dùng, TS Sơn cho biết trẻ nhỏ uống quá nhiều nước ngọt có ga có thể sẽ dẫn đến thừa năng lượng, béo phì.
Ngoài ra, những trẻ uống nhiều nước ngọt có ga cũng là những trẻ thường có xu hướng ít uống các loại đồ uống có lợi cho sức khỏe (ví dụ sữa, nước trái cây), nên sẽ có xu hướng bị thiếu vitamin và các chất khoáng có trong những loại đồ uống có lợi này.
Ngoài ra, lượng đường cùng với lượng axit cao trong nước ngọt có ga có thể sẽ gây tổn thương men răng, có thể dẫn đến sâu răng nếu sau khi uống nước ngọt không vệ sinh răng miệng sạch sẽ.
Trí thức trẻ