Uống nước râu ngô càng nhiều càng khỏe gan mật? Câu trả lời của bác sĩ khiến nhiều người 'chột dạ'
Râu ngô là thứ trước đây thường bị bỏ đi nhưng nay lại được nhiều người tìm mua để nấu nước uống.
- 04-01-2024Gần Tết nhớ nấu nước râu ngô theo 3 cách này để vừa thải độc, hạ đường huyết, lại làm đẹp da thần tốc
- 21-09-2021Râu ngô: Thứ hay bị bỏ đi nhất lại là "thần dược" giúp giải độc cơ thể, người mắc bệnh tim mạch, táo bón cũng nên tận dụng
Nội dung chính
- Nhiều người tin rằng uống nước râu ngô càng nhiều càng khỏe gan, mật.
- Bác sĩ nói về những tác dụng thực sự của nước râu ngô.
- Những lưu ý khi uống nước râu ngô.
Mọi người thường rỉ tai nhau "uống nước râu ngô giúp cho gan, mật, thận khỏe". Nhiều người tin rằng uống càng nhiều nước râu ngô sẽ càng có lợi cho các cơ quan này. Do đó, từ một thứ thường bị bỏ đi, hiện nay râu ngô lại được nhiều người tìm mua. Vậy, nước râu ngô tốt đến đâu?
Theo GS Đỗ Tất Lợi (một nhà nghiên cứu dược học nổi tiếng, "cây đại thụ" của nền y học cổ truyền Việt Nam), nước râu ngô làm tăng lượng nước tiểu từ 3-5 lần, tăng sự bài tiết mật, giảm lượng bilirubin trong máu.
BSCKI Bùi Thị Yến Nhi, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, râu ngô hay còn gọi là ngọc mễ tu có rất nhiều công dụng. Râu ngô cũng là một trong những vị thuốc thường dùng để điều trị hiệu quả các bệnh lý liên quan đến gan, mật. Theo kinh nghiệm dân gian, râu ngô thường dùng để làm giảm bớt các triệu chứng "nội nhiệt" như: khô môi, lở loét miệng, hay nổi rôm sẩy mụn nhọt, ngứa, tiểu ít vàng, táo bón, đầu váng nóng phừng mặt....
Trong y học cổ truyền, râu ngô có tác dụng lợi thủy, tiết nhiệt, bình can, thường dùng làm thuốc thông mật, trị vàng da, phù nề, tiêu phù, trừ thấp độc, làm thuốc lợi tiểu thông lâm, thanh huyết nhiệt, hạ áp.
Râu ngô thường được dùng kết hợp với một số dược liệu khác như: mã đề, cúc hoa, cỏ tranh (rễ), mía lau để nấu thành nước mát "giải khát, thanh nhiệt" cho những ngày hè.
Bác sĩ Yến Nhi lưu ý: "Nếu dùng nước râu ngô thay cho nước lọc hàng ngày có thể gây ra tình trạng lợi tiểu quá mức, dùng lâu dài làm mất cân bằng nước và điện giải (nhất là trẻ nhỏ và người già) gây nên các triệu chứng mệt mỏi toàn thân do rối loạn điện giải, hạ đường huyết.
Như vậy, nước râu ngô tốt cho sức khỏe là đúng nhưng chúng không 'lành' hoàn toàn như lời đồn. Nếu sử dụng không đúng chỉ định, liều lượng sẽ gây tổn hại đến sức khỏe".
Lưu ý khi sử dụng nước râu ngô
Theo bác sĩ Yến Nhi, mọi người không nên tiêu thụ hoặc uống quá nhiều nước râu ngô. Đồng thời, không nên uống nước râu ngô vào buổi tối vì có thể gây tiểu đêm nhiều lần.
Mỗi ngày chỉ dùng khoảng 30gr râu ngô tươi (hay10gr râu ngô khô) nấu trong 500ml nước đun sôi 10-15 phút là đủ. Nếu nhiệt độ nước quá cao hoặc thời gian ngâm quá lâu, chất dinh dưỡng trong râu ngô có thể bị phá hủy.
"Râu ngô tươi vẫn tốt hơn râu ngô phơi khô vì chứa nhiều dưỡng chất hơn. Râu ngô phơi khô chỉ nên sử dụng trong thời gian ngắn, tránh để nơi ẩm thấp vì dễ phát sinh nấm mốc, gây nguy hại cho sức khỏe.
Với trẻ nhỏ, tùy thuộc vào độ tuổi, khi cho các em uống nước râu ngô chỉ uống một lượng nhỏ từ 100-200ml/ngày. Sau khi uống, nếu thấy nước tiểu của trẻ có màu vàng nhạt là được. Cha mẹ cũng không nên cho trẻ uống nước râu ngô thay nước lọc", bác sĩ Yến Nhi tư vấn.
Thể chất và thể trạng của mỗi người đều khác nhau, do vậy trước khi sử dụng nước râu ngô, tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên môn để được tư vấn nhằm đảm bảo an toàn và hiệu quả. Hơn nữa trong trường hợp bạn đang dùng các loại thuốc khác để trị bệnh có thể tương tác với nước râu ngô, nên việc hỏi ý kiến bác sĩ chuyên môn lại càng cần thiết.
Đời sống & pháp luật