MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Upcom Premium, những chiếc bẫy tại chốn thiên đường

Danh mục cổ phiếu “hạng sang” UPCOM Premium Index được nhiều người đánh giá là sẽ tăng sức hút cho sàn Upcom. Nó tạo cơ hội kiếm lời nhanh, nhưng ngược lại, chỉ cần mắc sai lầm, nhà đầu tư sẽ phải trả giá rất đắt.

Upcom thăng hoa

Tính đến đầu tháng 06/2016, UpCom có chính thức đạt 300 mã cổ phiếu giao dịch, tăng gần gấp đôi so với cuối năm 2014. Với tốc độ tăng nhanh, số lượng doanh nghiệp niêm yết được dự báo sẽ nhanh chóng, đuổi kịp 2 sàn HOSE và HNX.

Quy mô vốn hóa toàn sàn đã đạt trên 110.000 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với cùng thời điểm năm 2015.

Cách đây 2-3 năm về trước, sàn Upcom hầu như không có giao dịch với giá trị bình quân mỗi phiên chưa đến 2 tỷ đồng suốt năm 2013, thanh khoản thấp tiếp tục kéo dài cho đến nửa đầu năm 2015.

Kể từ cuối năm 2015, hàng loạt doanh nghiệp lớn kéo nhau niêm yết trên sàn Upcom đã bắt đầu tạo ra sức hút đáng kể. Giá trị giao dịch bình quân trên Upcom đã tăng vượt bậc, từ 30 tỷ đồng/phiên đã tăng lên mức bình quân trên 100 tỷ đồng/phiên vào đầu tháng 6/2016.

Dù vậy, hầu hết cổ phiếu trên Upcom vẫn không có thanh khoản mà chỉ tập trung vào nhóm cổ phiếu lớn. Giao dịch sôi động chỉ diễn ra tại một số nhóm cổ phiếu lớn như cổ phiếu GEX của Công ty CP Thiết bị điện Việt Nam, VLC của Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam, MSR của Công ty CP Tài Nguyên Masan, SDI của Công ty CP Sài Đồng, Công ty VinaChem (DAP), SAS của Công ty CP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất, NHN của Công ty CP Phát triển Đô thị Nam Hà Nội…


Nguồn : VCSC

Nguồn : VCSC

Với biên độ giao dịch lên đến 15%, Upcom đã có sự hấp dẫn rất lớn đối với những nhà đầu tư muốn tìm kiếm lợi nhuận cao. Nhóm cổ phiếu có thanh khoản lớn nhất từ đầu năm đến nay hầu hết đều tăng giá khá cao so với mặt bằng chung của toàn thị trường càng khiến nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn đến các cổ phiếu trên sàn giao dịch này.

Bẫy rập nơi thiên đường

Tiếp theo đà hưng phấn, Sở GDCK Hà Nội (HNX) đang thực hiện những bước tiếp theo để tiếp tục tạo sức hút đối với sàn Upcom. Mới đây, HNX đã quyết định sẽ lập ra danh sách những cổ phiếu “hạng sang” gọi là UPCOM Premium Index.

Việc lập ra chỉ số này cũng đã tạo nên nhiều luồng phản ứng trái chiều. Một số quan điểm cho rằng vì sao HNX không chọn cách đơn giản hơn như lập ra danh sách một nhóm cổ phiếu đủ điều kiện giao dịch margin mà lập ra bảng UpCom PremiumIndex để làm gì?

Có chuyên gia cho rằng có thể đây là động tác nhằm gây sự chú ý hơn đến sàn Upcom, chứ nếu với ROE 5% mà gọi là cổ phiếu “hạng sang” thì hơi quá, mà chỉ gọi là đủ điều kiện được giao dịch Margin.

Chuyên gia Chứng khoán Hoàng Thạch Lân đánh giá: "Ở một sàn mà số lượng cổ phiếu thì đông nhưng giao dịch còn quá ít, động tác thu hút sự chú ý cũng là một việc tốt chứ không có gì xấu".

Ông Lân cho rằng hai vấn đề lớn nhất của Upcom trước đây là thanh khoản và công bố thông tin đến hiện tại đã có sự cải thiện tích cực. Thứ nhất là về mặt thanh khoản, thứ hai là doanh nghiệp đã chịu công bố báo cáo tài chính quý I cũng là một đấu hiệu cho thấy sự phát triển theo chiều hướng tốt.

Dù vậy, sự ra đời của chỉ số "hạng sang' này cũng gây nên lo ngại do bản thân Upcom đã có biên độ giao động giá lớn.

Quan sát diễn biến các cổ phiếu có khả năng vào nhóm “hạng sang”trên Upcom, dù chưa được phép giao dịch Margin nhưng nhiều cổ phiếu trên sàn này có sự thay đổi về giá rất nhanh. Một số ví dụ như MSR của Tài Nguyên Masan, cổ phiếu này tăng hơn gấp 3 lần trong chưa đầy 1 tháng từ mức dưới 10.000 đồng/cp lên 34.000 đồng/cp vào cuối tháng 3, nhưng sau đó đột ngột lao dốc mạnh. Chỉ trong vòng 4 phiên, MSR giảm gần 40% từ mức đỉnh. Một trường hợp khác như MTA của Khoáng sản và Thương Mại Hà Tĩnh cũng tăng vọt 1,5 lần từ 3.800 đồng lên 9.500 đồng chỉ trong vòng nửa tháng. Sau khi lên mức đỉnh, cổ phiếu này lập tức đảo chiều giảm mạnh, đáng chú ý có phiên giảm đến 25% kể từ mức giá cao nhất đến mức giá đóng cửa.

Cổ phiếu DDV của Công ty Cổ phần DAP – Vinachem cũng có những phiên giao dịch khiến nhà đầu tư choáng váng. Trong vòng 4 phiên từ ngày 28/03 đến ngày 31/03, giá cổ phiếu này tăng từ 10.300 đồng lên mức cao nhất 17.000 đồng/cp rồi cũng giảm lại trong liên tục 4 phiên sau đó, có lúc về mức giá thấp nhất 9.700 đồng/cp. Chỉ trong vòng 4 phiên, giá cổ phiếu này giảm hơn 40% là con số rất lớn.

Nhiều cổ phiếu khác dự kiến sẽ có tên trong danh sách như VLC, SDI, GHC, NNG hay VGC...cũng đều là những cổ phiếu có lịch sử biến động giá rất mạnh. Điều gì sẽ xảy ra nếu như những cổ phiếu này được cấp Margin?

Theo chuyên gia Hoàng Thạch Lân, điều ông quan ngại nhất khi lập danh sách cổ phiếu Premium được cấp phép Margin trên Upcom là biên độ giao động quá lớn. Với biên độ như +/-15% cùng với 50% từ margin nữa xem như biên độ giao dịch đã là 60% tài khoản trong vòng 1 phiên.

"Upcom với biên độ giao dịch lớn, số lượng cổ phiếu trôi nổi ngoài thị trường thấp cùng với lượng thông tin còn khá mơ hồ khiến cho việc thao túng giá cổ phiếu trở nên dễ dàng", vị chuyên gia này đánh giá.

Do vậy, nhà đầu tư nhỏ lẻ ngoài việc tìm hiểu kỹ hơn về doanh nghiệp còn phải cân nhắc độ "chịu đòn" của tài khoản trước khi quyết định đầu tư vào các cổ phiếu trong danh mục này. Cơ hội kiếm tiền nhanh, nhưng rủi ro quá lớn, chỉ cần mắc một sai lầm nhà đầu tư có thể sẽ phải trả giá đắt.

Theo Huy Nguyên

NDH

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên