MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

UpCom và “phi vụ MTM”

Nếu hai sàn niêm yết giống siêu thị với các tiêu chuẩn hàng hóa rõ ràng thì sàn UpCom không khác lắm chợ cóc...

Nếu hai sàn niêm yết giống siêu thị với các tiêu chuẩn hàng hóa rõ ràng thì sàn UpCom không khác lắm chợ cóc. Ăn thức ăn ở chợ cóc thì rủi ro ngộ độc hẳn là cao.

Sự kiện cổ phiếu MTM của Công ty Cổ phần Mỏ và Xuất nhập khẩu khoáng sản Miền Trung bị dừng giao dịch chỉ sau 2 tháng lên sàn UpCom khiến nhiều nhà đầu tư đứng ngồi không yên, nhất là khi thanh khoản rất cao trong thời gian này.

Với một thị trường mà các tiêu chuẩn đăng ký giao dịch lẫn quy trình đăng ký rất dễ dàng thì đây chính là rủi ro lớn nhất, nếu bản thân doanh nghiệp không trung thực và minh bạch ngay từ đầu.

Thông tin mới nhất về MTM

Sự việc liên quan đến MTM chỉ thật sự rùm beng sau khi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) bất ngờ ra thông báo tạm dừng giao dịch cổ phiếu này ngày 17/6 (thứ Sáu) vừa rồi và có hiệu lực từ 20/6 (thứ Hai). Liên tiếp các thông tin sau đó được “phanh phui” như trụ sở chính không tồn tại giống như một công ty “ma”, người nộp thuế đã ngừng hoạt động nhưng chưa hoàn tất thủ tục đóng mã số thuế…

Thật ra việc xác minh thông tin đã được tiến hành từ trước. Cụ thể, qua quá trình giám sát giao dịch của cổ phiếu MTM, ngày 13/6 Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) đã chỉ đạo HNX xác minh, kiểm tra tình hình hoạt động của MTM. Ngày 17/6, đại diện HNX đã trực tiếp xác minh tại trụ sở chính của MTM ở số 60 Nguyễn Tuấn Thiện, Lê Mao, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

Ngay sau khi xác minh cho thấy không xác định được trụ sở chính tại địa điểm kinh doanh theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của MTM, HNX đã công bố tạm dừng giao dịch cổ phiếu này.

Trao đổi với VnEconomy chiều nay, ông Nguyễn Vũ Quang Trung, Phó tổng giám đốc HNX cho biết do quá trình xác minh thông tin đang được tiến hành nên không thể công bố thông tin sớm hơn. Ngay sau khi trực tiếp cử người đi xác minh và có kết quả, HNX phải báo cáo SSC xin cho phép tạm dừng giao dịch cổ phiếu này đúng quy trình. Việc dừng ngay lập tức là nhằm bảo vệ nhà đầu tư tránh khỏi các rủi ro liên quan đến giao dịch cổ phiếu MTM theo quy chế đã có.

Hiện tại, thông tin vẫn chưa đủ để khẳng định liệu MTM có phải là doanh nghiệp “ma” hay không. Ông Trung cho biết vẫn đang yêu cầu doanh nghiệp công bố thông tin và giải trình. Nếu như MTM chỉ là thay đổi địa chỉ trụ sở chính mà không công bố thông tin thì sẽ là trường hợp không có gì phức tạp. Doanh nghiệp sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định hiện hành và cổ phiếu được giao dịch trở lại sau khi tuần thủ nghĩa vụ công bố thông tin.

Ngược lại, nếu MTM thật sự là doanh nghiệp “ma” hay có dấu hiệu lừa đảo, cung cấp thông tin sai sự thật thì hồ sơ sẽ được chuyển sang cơ quan điều tra theo đúng quy định pháp luật.

“Hiện HNX và SSC đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh thông tin vì điều này nằm ngoài chức năng của HNX”, ông Trung cho biết.

Thoáng quá hóa… dở?

Phải khẳng định rằng trường hợp MTM là trường hợp đầu tiên doanh nghiệp đăng ký giao dịch có khả năng là hành vi lừa đảo và cung cấp thông tin sai sự thật - dù cho đến hiện tại vẫn chưa đủ thông tin để khẳng định điều này. Thị trường đang đặt câu hỏi liệu ai sẽ là người chịu trách nhiệm nếu như MTM thật sự là “lừa đảo”?

Trước mắt, không ít nhà đầu tư lỡ mua cổ phiếu MTM đang chịu thiệt, tiền đã lỗ, thậm chí có nguy cơ mất, cổ phiếu thì bị đóng băng.

Trước hết cần phải trở lại với nguyên tắc hoạt động của sàn UpCom. Sàn này được lập ra nhằm mục đích thu hẹp thị trường OTC - nơi mà vô khối nhà đầu tư từng mất tiền những năm 2006-2008 mà không biết kêu ai, khi giao dịch những tờ giấy biên nhận, quyền sở hữu, hay những “cổ phiếu” của các dự án chưa từng được khởi công.

Khi có Upcom, các công ty cổ phần có thể tập trung cổ phiếu lại một nơi và có thể giao dịch, cung cấp những thông tin minh bạch hơn - dù kém xa các sàn niêm yết, cũng như giá cả được niêm yết rõ ràng.

Nhằm hấp dẫn doanh nghiệp tham gia một cách tự nguyện, thị trường UpCom được xác định ngay từ đầu là một thị trường đăng ký giao dịch, nơi các doanh nghiệp chỉ cần hoàn tất được các thủ tục rất đơn giản là đưa cổ phiếu vào giao dịch. Khi doanh nghiệp đáp ứng được các yếu cầu thông tin có xác nhận như báo cáo tài chính kiểm toán, giấy phép đăng ký kinh doanh… thì HNX có nghĩa vụ chấp thuận.

Khác biệt căn bản nhất trong quá trình chấp thuận này là việc rà soát, đối chiếu và đảm bảo hồ sơ đầy đủ. Điều này khác hoàn toàn so với quá trình thẩm định, đảm bảo đáp ứng điều kiện của hồ sơ niêm yết. Do đơn giản và không có thẩm định nên thời gian chấp thuận đăng ký giao dịch rất ngắn, trong khi niêm yết phải chờ hàng tháng trời.

Nói đơn giản hơn, để lên sàn UpCom giống như quá trình “đánh trống ghi tên”, còn để lên niêm yết phải trải qua vòng phỏng vấn, sát hạch.

Ông Nguyễn Vũ Quang Trung khẳng định với VnEconomy rằng quá trình xử lý hồ sơ đăng ký giao dịch thì hồ sơ là đầy đủ, hợp lệ theo quy định hiện hành. Do đó HNX chấp thuận cho MTM đăng ký giao dịch.

Trả lời câu hỏi vậy có khâu nào để xác minh tính chính xác của các thông tin mà doanh nghiệp tự khai hay không? Ông Trung cho biết quy trình của UpCom ngay từ đầu thực hiện tinh thầnh cải cách hành chính và niềm tin vào sự trung thực, để doanh nghiệp tự kê khai và “chưa ai tính đến câu chuyện cố tình gian lận”.

“Việc đi từng doanh nghiệp để kiểm tra là bất khả thi và nếu có thể cũng chỉ là chọn lựa. Cần phải tin tưởng và tôn trọng các chữ ký có trách nhiệm trên các báo cáo, hồ sơ của doanh nghiệp. Nếu một công dân tốt, một doanh nghiệp tốt thì đưa cổ phiếu lên sàn là một niềm tự hào. Nếu như doanh nghiệp cố tình làm sai, không trung thực mà hồ sơ vẫn đầy đủ và đủ các chữ ký xác nhận thì vẫn không thể phát hiện được ngay lập tức”, ông Trung nói.

Ở đây cần phải nhớ lại thời điểm bàn thảo quy chế cho sàn UpCom. Khi đó lấy “mẫu” từ hai sàn niêm yết, dự kiến doanh nghiệp đăng ký giao dịch cũng phải có 1 công ty chứng khoán tư vấn, bảo trợ thông tin. Ý kiến này đã bị phản đối vì chỉ là đăng ký giao dịch với tinh thần đơn giản hóa thủ tục, giảm nhẹ tiêu chí thì việc thuê đơn vị tư vấn sẽ làm mất thời gian và nguồn lực của doanh nghiệp. Do đó điều khoản này được chuyển thành khuyến cáo, thay vì bắt buộc.

Nếu chịu khó đọc Quy chế tổ chức và quản lý thị trường UpCom thì có thể thấy rõ sự tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp khi kê khai, không có đơn vị trung gian xác thực, trừ báo cáo kiểm toán.

Nếu vụ việc MTM thật sự là lừa đảo thì sau trường hợp vô tiền khoáng hậu này, quy chế của UpCom cần phải được sửa đổi hoặc có biện pháp kiểm tra chéo, đặc biệt là đối với các công ty cổ phần tư nhân vì không thể loại trừ khả năng có người chấp nhận rủi ro để lừa đảo, lập ra một công ty ma, lo lót đủ các giấy tờ rồi đưa cổ phiếu lên giao dịch.

Cho tới lúc đó, nhà đầu tư phải mở to mắt nếu muốn giao dịch trên sàn UpCom và chỉ nên quan tâm tới bảng cổ phiếu UpCom Premium. Thực tế bất kỳ nhà đầu tư có kinh nghiệm nào đều biết sự khác biệt và mức độ rủi ro khác nhau giữa các sàn giao dịch. Ngay cả ở Mỹ, vẫn có những “sàn” như Pinksheets, nơi đầy rẫy các cổ phiếu ba xu của những công ty hai người với văn phòng đặt trong gara ôtô!

Theo Nguyễn Hoàng

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên